(Tổ Quốc) - “Cán bộ cấp chiến lược phải trung thành tuyệt đối, nêu cao đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Mọi điều đều phải vì dân, vì Đảng, vì đất nước, đặc biệt không bao giờ có “lợi ích nhóm”, PGS.TS Đào Duy Quát chia sẻ.
- 05.05.2018 Coi chạy chức, chạy quyền là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ
- 06.05.2018 600 cán bộ cấp chiến lược: 3 độ tuổi, có đặc thù
- 07.05.2018 “Không để những người không xứng đáng, chạy chức chạy quyền, vào Ban chấp hành TƯ”
- 07.05.2018 “Lựa chọn cán bộ cấp chiến lược phải thực hiện một cách chặt chẽ, chỉn chu và bài bản hơn“
- 08.05.2018 Hội nghị TƯ 7 bàn Đề án cán bộ cấp chiến lược: Cần thiết và kịp thời, thỏa lòng mong ước của nhân dân
- 08.05.2018 Cần cơ chế giám sát người đứng đầu để ngăn chạy chức, chạy quyền
- 08.05.2018 Hình ảnh Hội nghị TƯ 7 thảo luận về đội ngũ cán bộ các cấp
- 09.05.2018 Không ít cán bộ được giao việc đã nghĩ tới “ta có được lợi gì trong đó, kiếm chác được gì không?”
Hội nghị Trung ương 7 diễn ra từ 7 - 12/5/2018 đang thảo luận về Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ” được đưa ra bàn thảo. Báo Điện tử Tổ Quốc đã phỏng vấn PGS.TS Đào Duy Quát – nguyên phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương về vấn đề này:
|
-Thời gian qua, chúng ta đã có nhiều bước tiến trong công tác cán bộ. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều những sai phạm mà nguyên nhân là do con người. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Theo ông, công tác cán bộ từ trước đến nay có những điểm nào không chặt chẽ, những gì sai lầm và phải sửa?
Ông Đào Duy Quát: Nhận định, đánh giá về công tác cán bộ hiện nay thì chúng ta cần phải nhìn vào việc thực hiện cương lĩnh đường lối của Đảng từ khi có Nghị quyết chiến lược cán bộ (T6/1997).
Hai mươi năm qua, tình hình đẩy mạnh đồng bộ sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ tổ quốc đều đã đạt được những kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… . Kết quả này đã góp phần đưa vị thế của đất nước ta lên tầm cao mới.
Kinh tế ngày một tăng trưởng, đặc biệt, năm 2017 GDP tăng cao nhất trong 20 năm qua, đạt 6,81% GDP. Dự trữ ngoại tệ quốc gia cũng tăng gấp đôi, đạt 63 tỷ USD. Bên cạnh đó, an sinh xã hội, đời sống của nhân dân cơ bản được nâng lên, an ninh quốc phòng cũng được đảm bảo… Có thể nói, những thành tựu này đều gắn liền với công tác cán bộ của Đảng ta.
Để đánh giá công tác cán bộ, chúng ta phải đánh giá dựa trên 6 khâu: quy hoạch tiêu chuẩn chức danh và tiêu chí đánh giá bổ nhiệm cán bộ, đánh giá cán bộ, quy hoạch cán bộ, bổ nhiệm đề bạt cán bộ, chính sách đào tạo bồi dưỡng cán bộ, kiểm tra giám sát quyền lực của cán bộ.
Trên cả 6 khâu này, chúng ta đều đã có những thành tựu, ưu điểm khác nhau và có chuyển biến tương đối đồng bộ. Đội ngũ cán bộ của chúng ta đã trưởng thành toàn diện. Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, Đảng ta đã rất quan tâm bồi dưỡng đào tạo và bổ nhiệm để có đội ngũ cán bộ cấp chiến lược trưởng thành.
Dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cán bộ của chúng ta còn mắc không ít khuyết điểm, yếu kém và bất cập trên tất cả 6 khâu nói trên. Những yếu kém, bất cập đó là nguyên nhân dẫn đến việc một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và tình trạng diễn biễn tự chuyển hóa ngày một nghiêm trọng. Điều này rất đáng lo ngại.
Đáng chú ý, trong đó đội ngũ cán bộ cấp cao cũng có một bộ phận rất đáng kể suy thoái. Bộ phận này trong mấy năm gần đây đã được đấu tranh, xử lý… Vì thế, nếu chúng ta không ngăn chặn và đẩy lùi thì sẽ đụng đến sự tồn vong của chế độ này.
- Một số lãnh đạo bị khởi tố thời gian qua cho thấy công tác cán bộ còn nhiều lỗ hổng. Từ những lỗ hổng này dẫn tới các sai phạm trong kê khai tài sản, hay lãnh đạo cơ quan đưa vợ - con vào làm ở những vị trí chủ chốt… Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Đào Duy Quát: Kể từ khi đẩy mạnh Nghị quyết TƯ 4 khóa XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng thì trong mấy năm gần đây chúng ta đã liên tục, phát hiện xử lý kiên quyết hàng trăm, nghìn vụ tham nhũng, lãng phí, thất thoát tài sản và gắn với nó là hàng loại cán bộ, gồm cả cán bộ cao cấp bị xử lý từ hình sự đến xử lý ở các mức khác nhau trong Đảng, trong chính quyền.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ở trên cả 6 lĩnh vực của công tác cán bộ. Ví như vụ Trịnh Xuân Thanh – không hiểu chúng ta quy hoạch, đánh giá, nêu tiêu chí… như thế nào mà cuối cùng để Trịnh Xuân Thanh “chạy” được đến chức danh đó? Đến mức bầu vào ĐBQH, làm phó Chủ tịch tỉnh… Từ vụ án này chúng ta thấy được các khuyết điểm, yếu kém của công tác cán bộ trên tất cả các khâu.
Theo tôi, việc công khai hóa đánh giá cán bộ là điều rất đáng phải suy nghĩ. Ngoài ra, cũng cần phải công khai hóa tài sản cán bộ theo chỉ thị 29 của Bộ Chính trị khóa XI… Trên thực tế, việc thực hiện công khai lại rất hạn chế. Bên cạnh đó, nạn “chạy” bằng cấp, chính sách, chức quyền đang diễn ra ở mức nghiêm trọng tại một số nơi. Hậu quả này bắt nguồn từ những lỗ hổng trong công tác cán bộ.
Lần này, Hội nghị TƯ 7 sẽ tập trung bàn thảo xây dựng một đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cấp chiến lược có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín đáp ứng được nhiệm vụ của thời kỳ mới. Đặc biệt đây là thời kỳ đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị cũng như đẩy mạnh công nghiệp hóa, chủ động hội nhập để đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại trong thời gian không xa tới.
Dự thảo đề án hiện đang tập trung vào trọng tâm công tác cán bộ như: Chuẩn hóa, xiết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, không gian để đổi mới sáng tạo và phát triển cán bộ; Xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược và người đứng đầu các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ…
Trong chiến lược cán bộ lần này, dự thảo cũng đã đề cập đến gần 10 quan điểm chỉ đạo, trong đó có các khâu đột phá như: Đổi mới công tác giám sát cán bộ theo hướng đánh giá đa chiều, liên tục, lượng hoá, công khai và thông qua khảo sát; Thực hiện nhất quán chủ trương, bố trí bí thư cấp uỷ, cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương từ nhiệm kỳ 2020 – 2025; Kiểm soát chặt chẽ, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời những cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Thu hút và trọng dụng nhân tài; Đổi mới mạnh mẽ cơ chế chính sách để tạo động lực cho cán bộ yên tâm công tác, phấn đấu trưởng thành; Phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ…
Tôi cho rằng, đây là những điểm đột phá của dự thảo đề án lần này. Và từ các giải pháp này, TƯ sẽ ra chủ trương, giải pháp thực hiện chiến lược cán bộ, đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, có năng lực, có tín nhiệm… để đáp ứng được nhiệm vụ của thời kỳ mới.
-Theo ông, cán bộ cấp chiến lược cần những tiêu chuẩn, điều kiện gì?
Ông Đào Duy Quát: Tôi cho rằng, cán bộ cấp chiến lược phải có bản lĩnh chính trị, vững vàng, dứt khoát “không được dao động” đặc biệt là trong tình hình hiện nay. Ngoài ra, thêm tác động của mặt trái cơ chế thị trường… nên việc giáo dục rèn luyện bản lĩnh chính trị là vô cùng quan trọng.
"Cán bộ cấp chiến lược phải có bản lĩnh chính trị, vững vàng, dứt khoát “không được dao động”. Ảnh: Đình Đạt |
Phải kiên định cả cương lĩnh, cả đường lối. Một cán bộ cấp chiến lược phải thực sự giác ngộ lý tưởng, kiên định trước mọi diễn biến phức tạp, từ đó bình tĩnh và sáng suốt thực hiện nhiệm vụ của mình.
Cán bộ cấp chiến lược còn phải trung thành tuyệt đối, nêu cao đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Mọi điều đều phải vì dân, vì Đảng, vì đất nước, đặc biệt không bao giờ có “lợi ích nhóm”, điều gì có lợi cho dân thì kiên quyết làm.
Nói tóm lại, theo quan điểm của tôi, tiêu chí của cán bộ cấp chiến lược, đó là phải có bản lĩnh chính trị, trung thành tuyệt đối, có đạo đức tốt, có năng lực và kinh nghiệm…
-Ông hy vọng gì vào Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ” trình Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 khóa XII?
Ông Đào Duy Quát: Tôi có niềm tin rất lớn vào Ban lãnh đạo của Đảng khoá XII vì đã xây dựng các đề án với tinh thần khoa học, trách nhiệm… Đặc biệt là Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ”.
Với đề án này, Bộ Chính trị đã cho thành lập Ban chỉ đạo xây dựng đề án 2 năm nay. Ban chỉ đạo đã tiến hành tổng kết 20 năm của chiến lược cán bộ NQ TƯ 3 khoá VIII đến nay, thông qua thực tiễn 20 năm chiến lược cán bộ và nhiều hội nghị khoa học, kể cả thực hiện các khảo sát, điều tra dự luận xã hội về công tác cán bộ.
Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo đã xây dựng dự thảo đề án và đưa ra lấy ý kiến của nhiều cấp, địa phương, và nhiều ngành, tổ chức hội thảo với sự tham dự của nhiều chuyên gia.
Chính vì vậy, dự thảo đề án được Bộ Chính trị thông qua và trình Trung ương vốn đã kết tinh trí tuệ, thể hiện sự dân chủ khoa học…
Tôi tin tưởng Trung ương sẽ thảo luận, cho ý kiến và chắc chắn đề án sẽ được thông qua.
-Xin cảm ơn ông!
Hà Giang