(Tổ Quốc) - Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực tế đang tồn tại luồng tư tưởng khi được giao một việc gì đó, nhưng điều đầu tiên mà không ít cán bộ nghĩ tới là “ta có được lợi gì trong đó, có kiếm chác được gì không, người nhà của mình, lợi ích nhóm thân quen của mình có lợi gì trong đó và làm thế nào để làm được việc đó".
- 06.05.2018 Năm bài học rút ra sau 20 năm thực hiện Chiến lược cán bộ
- 07.05.2018 Hội nghị Trung ương 7 khóa XII: Bàn quyết sách về cán bộ chiến lược và cải cách tiền lương
- 07.05.2018 “Không để những người không xứng đáng, chạy chức chạy quyền, vào Ban chấp hành TƯ”
- 07.05.2018 Toàn cảnh khai mạc Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
- 07.05.2018 Hội nghị Trung ương 7: Tổng Bí thư gợi mở nhiều vấn đề về công tác cán bộ
- 07.05.2018 “Lựa chọn cán bộ cấp chiến lược phải thực hiện một cách chặt chẽ, chỉn chu và bài bản hơn“
- 08.05.2018 Hội nghị TƯ 7 bàn Đề án cán bộ cấp chiến lược: Cần thiết và kịp thời, thỏa lòng mong ước của nhân dân
- 08.05.2018 Cần cơ chế giám sát người đứng đầu để ngăn chạy chức, chạy quyền
- 08.05.2018 Hình ảnh Hội nghị TƯ 7 thảo luận về đội ngũ cán bộ các cấp
- 08.05.2018 Diễn biến ngày làm việc thứ 2 Hội nghị Trung ương 7
Chưa có đơn vị nào thay thế cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ
Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng (Nguồn: vietnamfinance) |
Trao đổi với VietNamNet về đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ mà Hội nghị TƯ 7 đang thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, có một số cán bộ đang biến quyền lực của nhà nước, thực chất là quyền lực của nhân dân, thành quyền lực cá nhân, lạm dụng để ban phát cho người này, người kia, trong khi trước những vấn đề mới của đất nước lại bảo thủ, trì trệ.
Thực tế đang tồn tại luồng tư tưởng khi được giao một việc gì đó, nhưng điều đầu tiên mà không ít cán bộ nghĩ tới là “ta có được lợi gì trong đó, có kiếm chác được gì không, người nhà của mình, lợi ích nhóm thân quen của mình có lợi gì trong đó và làm thế nào để làm được việc đó". Ít ai nghĩ rằng việc này có nên ủng hộ hay không, có làm được hay không, muốn làm được thì phải làm thế nào.
“Thậm chí nhiều lãnh đạo tỉnh có cả DN sân sau đặt trụ sở ngay tại nhà mình, không nghĩ phát triển cho tỉnh mà chỉ nghĩ đi xin Trung ương, được dự án nào thì nghĩ cách tạo lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm ủng hộ tùy tiện nhà thầu này, nhà thầu kia...”, ông dẫn chứng và cho rằng điều này đang khiến cho người dân xem thường cán bộ, lãnh đạo.
Nhất trí với việc đề án nâng cao chỉ tiêu đào tạo, đánh giá và đề bạt cán bộ trẻ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, người đứng đầu phải mạnh dạn tin vào lớp trẻ. Có nhiều cán bộ trẻ được đào tạo rất tốt nhưng chúng ta chưa được mạnh dạn đề bạt, trừ cán bộ của TƯ Đoàn.
"Nếu vẫn theo lối cũ, đánh giá trọng kinh nghiệm, tuổi tác thì không bao giờ có được sự cống hiến của lớp cán bộ trẻ”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Ông đề nghị có giải pháp quyết liệt thực hiện chỉ tiêu đề bạt cán bộ trẻ, để có một thế hệ trẻ đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới hiện nay.
Bộ trưởng KH-ĐT cũng đề nghị mở rộng và bổ sung cơ chế khuyến khích cán bộ phát huy năng lực; dám thay đổi và có cơ chế thay đổi được những người không hoàn thành nhiệm vụ, coi đây là khâu đột phá và phải làm quyết liệt.
“Hiện nay, chúng ta có tình trạng 'lên rồi không xuống' hoặc đi ngang, có chỗ rồi cứ ngồi đó, bản thân cán bộ đó không có động lực để tiến bộ và thế hệ kế cận cũng không có cơ hội. Không răn đe thì khó chọn người tốt, tâm huyết trách nhiệm”, người đứng đầu ngành KH-ĐT nhấn mạnh.
Ông nêu thực tế chưa có đơn vị nào thay thế cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, do còn nể nang, né tránh trách nhiệm, khi bình bầu, lấy ý kiến trong quá trình bổ nhiệm lại thì qua loa, dễ dãi.
“Tôi đã từng công tác ở địa phương và đã thấy tình trạng này. Nếu theo cách làm cũ sẽ không tạo động lực cho người không hoàn thành nhiệm vụ đổi mới, phấn đấu, tiến bộ, cũng như không khuyến khích các cán bộ đã làm tốt rồi thì cũng phải có ý thức tiếp tục làm tốt hơn nữa”, ông đúc kết và đề nghị lần này chúng ta phải làm mạnh hơn.
Hài hòa tiêu chí tốt, hiền với tiêu chí sáng tạo
Nói về tiêu chuẩn của cán bộ quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhất trí với tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực, bản lĩnh, nhấn mạnh các tiêu chuẩn như phải có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, có khát vọng, có tâm sáng, có trái tim lửa và nhiệt huyết, trên hết là vì lợi ích của đất nước, của quốc gia dân tộc và lợi ích của người dân.
“Chúng ta không hội tụ những con người có những phẩm chất như vậy thì rất khó đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới”, ông nói và nêu thực trạng, cán bộ hiện nay, một số rất tích cực nhưng một số rất trì trệ.
Về tiêu chí, ông lưu ý cần hài hòa tiêu chí tốt, hiền với tiêu chí sáng tạo. Nếu chỉ có tốt và hiền thì không có tư duy sáng tạo, không có đóng góp cho đất nước. Còn nếu chỉ có năng động, sáng tạo thôi thì rất dễ sai lầm, khuyết điểm.
“Thực tế cho thấy, ở đâu người đứng đầu có tư duy đổi mới, có khát vọng, lăn lộn thì ở đó có phát triển, có cải cách đổi mới”, ông phân tích.
Ông cũng chỉ ra bất cập khi cấp trưởng không có quyền đề nghị cấp phó: “Như bản thân tôi trước đây, tuy là Bí thư tỉnh ủy nhưng cũng chỉ là 1 phiếu trong ban thường vụ thôi. Bây giờ tôi là Bộ trưởng muốn đề bạt thứ trưởng cũng chỉ là 1 phiếu, thẩm quyền của người đứng đầu trong lựa chọn là không đáng kể”.
Bộ trưởng cho rằng cách làm như thế không bao giờ chọn ra được người tốt. Bởi chỉ người đứng đầu mới biết cấp dưới ai là người tốt, ai có năng lực đáp ứng yêu cầu công việc. Dân chủ phải tập trung, chứ không phải chỉ dựa vào tập thể, bỏ phiếu thì không tìm được người tài./.
Hà Giang