(Tổ Quốc) - “Đối với công tác cán bộ của ta, khuyết điểm lớn nhất là chưa có cơ chế tuyển chọn tốt, ít sử dụng được người tài, chưa có tranh cử dân chủ mà chủ yếu là sắp đặt, thiếu kiểm soát quyền lực để phòng chống thoái hóa”, nguyên Phó Ban tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc.
- 08.05.2018 Cần cơ chế giám sát người đứng đầu để ngăn chạy chức, chạy quyền
- 08.05.2018 Hình ảnh Hội nghị TƯ 7 thảo luận về đội ngũ cán bộ các cấp
- 09.05.2018 Không ít cán bộ được giao việc đã nghĩ tới “ta có được lợi gì trong đó, kiếm chác được gì không?”
- 09.05.2018 Cán bộ cấp chiến lược phải không có “lợi ích nhóm”
- 09.05.2018 Tổng Bí thư và quyết tâm làm trong sạch đội ngũ
- 09.05.2018 Ông Trần Cẩm Tú được bầu làm Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương
- 10.05.2018 Ngay sau Hội nghị TƯ 7, sẽ thực hiện Bí thư cấp ủy không là người địa phương
Khuyết điểm lớn nhất là chưa có cơ chế tuyển chọn tốt
|
Sau 20 năm thực hiện “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đội ngũ cán bộ các cấp của ta có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên; cơ cấu độ tuổi, giới tính, dân tộc, ngành nghề, lĩnh vực công tác có sự cân đối, hợp lý hơn; nguồn cán bộ quy hoạch khá dồi dào, cơ bản đảm bảo sự chuyển tiếp giữa các độ tuổi, các thế hệ.
Phần lớn đội ngũ cán bộ có lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức, lối sống giản dị, “chí công vô tư”, hoàn thành nhiệm vụ được giao; nhiều cán bộ năng động, sáng tạo, thích ứng với xu thế hội nhập, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Đa số cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đoàn thể ở các cấp có năng lực, phẩm chất, uy tín; cán bộ cấp chiến lược có bản lĩnh chính trị, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có tư duy đổi mới, có khả năng hoạch định đường lối, chính sách và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Công tác cán bộ đi dần vào nền nếp, bám sát các quan điểm, nguyên tắc của Đảng và đạt được những kết quả quan trọng.
Dù vậy, trong bài viết “20 năm thực hiện chiến lược cán bộ và những bài học quý giá cho chúng ta” đăng trên VOV ngày 6/5/2018, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhận định, một bộ phận không nhỏ cán bộ có biểu hiện suy thoái, thậm chí vi phạm pháp luật. Chỉ trong 10 năm gần đây, ở các tập đoàn, tổng công ty đã phát hiện hơn 7.000 vụ vi phạm, trong đó có 280 vụ phải xử lý hình sự, hơn 1.700 cán bộ, đảng viên phải xử lý kỷ luật Đảng và 181 người phải xử lý bằng pháp luật.
Công tác cán bộ tuy đã từng bước đi vào nền nếp, ngày càng được hoàn thiện, nhưng vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa chọn được người đủ phẩm chất, năng lực, uy tín. Việc bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân vẫn xảy ra ở một số nơi gây bức xúc, bất bình trong xã hội.
Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhưng chậm được khắc phục; Công tác quy hoạch cán bộ thiếu tính tổng thể, liên thông; Công tác luân chuyển còn một số hạn chế; Chủ trương bố trí một số chức danh lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương thực hiện chưa đạt yêu cầu. Thiếu cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài.
Chia sẻ về vấn đề này với Báo Điện tử Tổ Quốc, ông Vũ Ngọc Hoàng cho rằng, nếu nói những năm qua đất nước có phát triển tức là công tác cán bộ có thành tích thì cũng không sai, có những mặt đúng, nhưng chắc chắn chưa đủ, bởi vì còn mặt khác nữa.
Đất nước phát triển chậm, chưa vững chắc, còn nhiều mặt lạc hậu và tụt hậu, tức là công tác cán bộ có khuyết điểm.
Theo ông Vũ Ngọc Hoàng, việc để mất lòng tin, để cán bộ thoái hóa, ít thấy nhân tài trong bộ máy cũng là khuyết điểm của công tác cán bộ.
“Tôi nghĩ, đối với công tác cán bộ của ta, khuyết điểm lớn nhất là chưa có cơ chế tuyển chọn tốt, ít sử dụng được người tài, chưa có tranh cử dân chủ mà chủ yếu là sắp đặt, thiếu kiểm soát quyền lực để phòng chống thoái hóa”, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ nói.
Điều đầu tiên mà cán bộ cấp chiến lược cần có lúc này là phải tâm huyết với nhân dân và đất nước, không bị cuốn theo lợi ích nhóm tiêu cực, phải có tư duy chiến lược, dám đổi mới và biết đổi mới để đưa đất nước phát triển lành mạnh, không bị tệ nạn tham nhũng hoành hành.
“Quan chức giàu lên nhiều lắm!”
Trao đổi với Dân trí, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng cũng cho rằng, thời nào thì cũng có những cán bộ tích cực, cán bộ bình thường và cán bộ yếu kém. Thời nay khác xưa ở chỗ, cơ chế thị trường hiện đang tác động sâu sắc vào đời sống, làm hoạt động kinh tế - xã hội sôi động lên, cạnh tranh mạnh mẽ hơn nhưng nó cũng sử dụng đồng tiền chi phối mọi hoạt động. Mua chức bằng tiền, mua ghế cũng bằng tiền… Đồng tiền làm cho các mối quan hệ xã hội trở nên phức tạp. Và những người không vững vàng, không liêm khiết đã dùng đồng tiền để mua chuộc và làm hỏng các quan hệ bình thường trong xã hội.
“Quan chức giàu lên nhiều lắm. Ngày xưa, như tôi, làm được cái nhà là tiền gia đình “bỏ ống” cả thôi chứ kiếm đâu ra. Trong khi bây giờ làm cán bộ, giàu lên bằng tham nhũng là phổ biến, không phải ít đâu. Thử nhìn xem, Chủ tịch tỉnh hay Bộ trưởng có ai nghèo không? Tôi khẳng định là chẳng ai nghèo cả. Thời chúng tôi cán bộ cũng như dân thôi, không có gì, ngoài đồng lương ra, nếu nhà có vườn tược, cố gắng làm kinh tế gia đình thì có thêm chút thôi chứ ngoài ra không có gì đâu.
Nói “nếu nghèo, không ai muốn làm Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh” là ngụy biện. Phải làm vì tình yêu nước, vì trách nhiệm với dân chứ nếu vì làm giàu mà phấn đấu thế thì hỏng rồi”, ông Lê Quang Thưởng nhấn mạnh.
Chia sẻ quan điểm về việc cần rút kinh nghiệm như thế nào trong việc lựa chọn, chuẩn bị nhân sự để đưa vào TƯ và Bộ Chính trị khoá tới, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - cho rằng, theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, đó là trong khi lựa chọn, bố trí cán bộ phải hết sức chỉn chu, không được để “lọt” vào Trung ương, cấp Ủy, bộ máy lãnh đạo những người có dấu hiệu cơ hội chính trị, lợi ích nhóm, tham nhũng, những biểu hiện suy thoái, thiếu bản lĩnh, thiếu trung thành…
Qua Đề án quy hoạch cán bộ lần này, nếu được Trung ương quyết định thì sẽ đặt ra vấn đề là lựa chọn đội ngũ cán bộ nói chung, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược phải thực hiện một cách chặt chẽ hơn, chỉn chu hơn, bài bản hơn và phải thẳng thắn hơn, thậm chí phải lựa chọn từng trường hợp cụ thể, quy định cụ thể… mà quy định đó được lượng hóa trong hệ tiêu chí, tiêu chuẩn cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược.
“Vừa rồi chúng ta đã có quy định của Bộ Chính trị về tiêu chí, tiêu chuẩn của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương quản lý. Nếu những quy định này được đưa ra trong Đề án thì sẽ tạo ra bước phát triển mới trong lựa chọn. Đòi hỏi lựa chọn phải chặt chẽ, nghiêm túc, phải có sự lãnh đạo và là việc của toàn Đảng,Trung ương, Bộ Chính trị… thì mới lựa chọn đúng người vào những vị trí chiến lược”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nói.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cũng cho rằng, cùng với đó, phải xây dựng một cơ chế kiểm soát quyền lực. Cán bộ chiến lược đều nắm giữ những vị trí quan trọng trong hệ thống bộ máy Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị… cho nên phải có cơ chế, cách thức… để kiểm soát quyền lực của những người đã được giao chức vụ, quyền hạn…/.
Hà Giang