(Tổ Quốc) - Đời sống văn hóa, văn nghệ trải qua hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 với không ít khó khăn thử thách. Tuy nhiên, chúng ta đã có một bước tiến dài trong phòng chống dịch bệnh và nhiều người hoạt động văn hóa gửi gắm những kỳ vọng tốt đẹp sẽ đến trong năm 2022.
Nhà văn, nhà nghiên cứu Ngô Thảo (Nguyên Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam)
Nhìn lại năm 2021 dịch bệnh Covid -19 gần như bao vây đời sống, hạn chế hoạt động của văn học nghệ thuật. Nhưng trong những khó khăn thì tôi cho rằng lại có những việc rất đáng suy nghĩ. Đó là việc tập trung thời gian cho những ai làm công tác sáng tạo có điều kiện để suy nghĩ, chau chuốt, bỏ thì giờ bia bọt, chém gió, đi lại giao lưu… cũng tốn một quỹ thời gian khá lớn. Nếu ai có thực lực công việc, có suy nghĩ thì đây cũng là cơ hội để họ làm việc.
Trong thế giới của công nghệ, của mạng, của các kênh truyền thông… nhờ thế chúng ta đẩy nhanh được tiến trình công nghệ. Thời gian vừa qua, các đoàn nghệ thuật cũng phải diễn qua mạng, qua truyền hình... Điều này cho thấy, người nghệ sĩ buộc phải tiếp cận ngay công nghệ mới, nếu không sản phẩm sáng tạo, nghệ thuật không thể đến được với công chúng. Qua công nghệ, công chúng cũng tiếp cận được nhanh. Tôi thấy bây giờ không có đơn vị nghệ thuật nào hoàn toàn nói không với công nghệ hiện đại.
Đối với các đơn vị truyền thông như BHD năm vừa qua, 10 cụm rạp chiếu phim suất chiếu rất ít nhưng vẫn phải duy trì tồn tại (dù phải nuôi một đoàn quân không hoạt động). Điều này đặt ra chúng ta phải tìm tòi, nghĩ ra những cách làm khác thì mới tồn tại được, như phát triển các chương trình trên mạng.
Tôi cũng rất mừng là thế hệ trẻ sau khi học xong ở nước ngoài đã bắt đầu trở về nước làm việc. Họ là đội ngũ giúp cho sinh hoạt nghệ thuật trong nước có những bước tiến nhanh hơn. Đây cũng là lợi thế trong khó khăn. Không ai muốn bị đẩy vào hoàn cảnh, nhưng khi trong hoàn cảnh nào đó nó cũng giúp có những điều mới.
Kỳ vọng năm 2022 của tôi là chúng ta phải làm quen, thích nghi với dịch bệnh Covid -19. Chúng ta phải có cách chung sống. Bên cạnh đó, sau một thời gian sáng tạo những người có thực lực nghệ thuật sẽ làm hoạt động văn hóa nghệ thuật chất lượng khá hơn lên.
NSND Công Lý (Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội)
Nhìn lại năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid -19, tôi thấy có quá nhiều biến động trong đời sống văn hóa, văn nghệ, giải trí. Ngay như ở Nhà hát Kịch Hà Nội, để phòng chống dịch bệnh, nhiều vở diễn đã phải tạm hoãn, thu nhập của không ít người cũng bị giảm theo. Tuy nhiên, điều đáng mừng là các nghệ sĩ vẫn yêu nghề, không bỏ nghề.
Ngay cả bản thân tôi trong năm 2021 cũng có biến cố khi sức khỏe bị ảnh hưởng một thời gian, một số dự án nghệ thuật phải tạm gác lại một thời gian vừa do ảnh hưởng từ dịch bệnh, vừa cả về sức khỏe. Nhưng cũng từ biến cố này tôi nhận ra tình yêu của khán giả, đồng nghiệp dành cho mình vẫn còn rất lớn. Bản thân tôi cũng thấy mình rất nhớ nghề, vẫn còn đau đáu với nghề. Đó là động lực để tôi tiếp tục được đến với khán giả, được hết mình với nghề nghiệp mà tôi đã lựa chọn.
Năm 2021, tôi cũng có thêm thời gian để sống chậm, để suy nghĩ nhiều hơn về cuộc sống, về sân khấu và phim ảnh. Tôi mong rằng nhiều nghệ sĩ cũng có được những cảm nhận tương tự này để sống tốt hơn.
Tôi hi vọng năm 2022 dịch bệnh được khống chế, tôi sẽ cùng với các nghệ sĩ được tiếp tục cống hiến cho khán giả với những tác phẩm có nội dung sâu sắc, chất lượng hơn và được công chúng đón nhận.
TS. Bùi Thế Đức (Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương)
Bước vào năm 2022, trong bối cảnh vừa có những thuận lợi đan xen với những khó khăn thách thức, nhưng dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng XIII của Đảng và những ký kiến chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào tháng 11/2021 nên tôi có kỳ vọng và tin tưởng công tác văn hóa, văn nghệ sẽ có những bước phát triển mới để phát triển xứng đáng với vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội. Toàn Đảng, toàn Dân, toàn quân ta, nhất là những người làm công tác văn hóa, văn nghệ, đội ngũ trí thức và nghệ sĩ của cả nước sẽ quán triệt sâu sắc, toàn diện, đồng bộ hơn nữa xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Văn học, nghệ thuật là bộ phận tinh tế của văn hóa sẽ có nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao về tư tưởng và nghệ thuật để góp phần thắng lợi vào cuộc phòng, chống Covid -19, phát triển kinh tế, xã hội và thực hiện khát vọng phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Ông Lưu Duy Dần (Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam)
Là người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nhiều năm, sau khi nghỉ hưu thì tôi lại tiếp tục có cơ hội làm việc trong lĩnh vực này, tôi thấy năm 2021 rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tuy nhiên tôi nhận thấy văn hóa Việt Nam rất phong phú, đa dạng, đi vào mọi ngóc ngách đời sống. Tuy nhiên có một vấn đề về văn hóa tôi rất trăn trở, đó là bát hương trên bàn thờ của người Việt Nam. Tôi nhận thấy các tỉnh phía Bắc có nhiều bát hương của nước ngoài, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ.
Vừa rồi Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã ký kết với Ban Văn hóa Phật giáo Việt Nam về vấn đề này. Bởi ở đây không chỉ đơn thuần là chuyện bát hương mà nó thể hiện văn hóa ở mỗi gia đình, làng xã. Vấn đề thờ như thế nào cho đúng, bát hương thuần Việt… cũng cần được đặt ra. Tôi mong muốn có sự ủng hộ của các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu và cả sản phẩm định hướng.
Năm 2022, tôi cũng kỳ vọng dịch bệnh Covid -19 được khống chế. Nếu dịch bệnh vẫn còn phức tạp, lan ra nhiều nước thì chúng ta cũng xác định được hướng đi, cách làm của mình. Bên cạnh đó tôi cũng mong muốn nhiều vấn đề văn hóa như nghệ thuật biểu diễn, chương trình lễ hội, giáo dục tâm linh…có giá trị hơn, đi vào cuộc sống hơn.