• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Nhùng nhằng" trong trách nhiệm quản lý thì khó có thể giải quyết được bạo lực học đường, dâm ô trẻ em

Giáo dục 05/04/2019 14:00

(Tổ Quốc) - Bạo lực học đường và xâm hại trẻ em hiện là hai vấn đề nóng trên các diễn đàn cũng như đang nhận được sự quan tâm của mọi người dân trong xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do gia đình chưa làm tròn trách nhiệm đối với con cái.

Vụ trưởng Vụ Gia đình Bộ VHTTDL Trần Tuyết Ánh

Để làm rõ thêm căn nguyên của thực trạng này cũng như vai trò của giáo dục gia đình trong việc hình thành nhân cách con người, phóng viên báo điện tử Tổ Quốc đã thực hiện cuộc trao đổi với Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL Trần Tuyết Ánh.

- Bạo lực học đường, xâm hại trẻ em không phải là vấn đề mới trong xã hội, tuy nhiên thời gian gần đây, các vụ việc này xảy ra liên tục với tính chất ngày càng nghiêm trọng. Đã có những người cho rằng nguyên nhân chính trong các vụ việc này là từ phía gia đình, quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

+ Trong thời gian vừa qua Bộ VHTTDL đã ban hành nhiều văn bản để phối hợp triển khai trên 63 tỉnh thành, hướng dẫn các địa phương tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Trong đó, tuyên truyền các vấn đề về giáo dục đời sống gia đình theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình giáo dục đời sống gia đình đến năm 2020. Chương trình đã được ban hành từ ba năm nay và thực hiện trên phạm vi toàn quốc.

Xảy ra những việc như thế này có trách nhiệm của Bộ GDĐT cũng như toàn bộ các Bộ, ban, ngành, và đoàn thể có liên quan từ trung ương đến địa phương. Để giải quyết tình trạng này không chỉ có các cơ quan, tổ chức, đơn vị riêng trong lĩnh vực gia đình mà phải có sự chung tay của toàn xã hội, phải có sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo, người đứng đầu từng đơn vị, trong đó có đơn vị chịu trách nhiệm chung cho vấn đề này. Phải làm quyết liệt, phải tuyên truyền trên tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng, có những chiến dịch, mở các cuộc tọa đàm, thảo luận, truyền thông cho các đối tượng là thanh thiếu niên, phối hợp các Bộ với nhau để cho các đối tượng là học sinh, sinh viên thêm hiểu biết về các vấn đề này.

Bên cạnh đó, vấn đề trẻ em đang là một vấn đề rất bức xúc mà việc quản lý vẫn chưa thống nhất giữa các cơ quan trung ương thì làm sao mà quản lý hết được, hạn chế được các vụ việc xảy ra… Chừng nào chưa thống nhất trong quản lý, chưa phối hợp chặt chẽ để giải quyết các vụ việc thì chừng đó vẫn xảy ra các vụ việc đau lòng như vậy. Một trong những việc cần làm ngay là phải có một chương trình phối hợp giữa hai Bộ VHTTDL và Bộ LĐTBXH.

Nhùng nhằng trong trách nhiệm quản lý thì khó có thể giải quyết được bạo lực học đường, dâm ô trẻ em - Ảnh 3.

Theo thống kê của ngành công an, trong một năm có khoảng 2.000 vụ bạo lực học đường, trong đó hơn 53% số vụ xảy ra trong trường học.

- Trước thực trạng này, bà có khuyến nghị gì để các gia đình có biện pháp bảo vệ con em mình?

+ Mặc dù trách nhiệm này phải là trách nhiệm chung của cả xã hội, để xảy ra những sự việc như vậy không chỉ là trách nhiệm của nhà trường, của xã hội hay của gia đình. Tuy nhiên nền tảng để từ đó có biện pháp bảo vệ con em mình phải là gia đình, đó chính là nơi sinh ra giáo dục con người. Ngay từ lúc thai giáo đến hình thành nhân cách, trẻ đi học, trưởng thành… trong đó giai đoạn từ 1 đến 6 tuổi là giai đoạn khởi đầu hình thành nhân cách trẻ, hình thành lối sống, đạo đức, tác phong, những tính cách nhân văn… của con người.

Tất cả từ mầm mống, nền tảng trong gia đình vững chắc thì mới tạo cho trẻ có được thói quen. Phải dạy cho trẻ biết thế nào là cách ứng xử, từ ứng xử trong gia đình, cư xử với người lớn, anh chị em, với bạn bè, hàng xóm, với cộng đồng xã hội, với người lạ… Rồi thế nào là nhân văn, thế nào là tốt, thế nào là xấu. Tất cả những kiến thức đó sẽ giúp trẻ hiểu được và mới có thể có cách ứng xử tốt nhất, từ đó sẽ giảm được các vấn đề bạo lực học đường cũng như các vấn đề trong xã hội.

Tôi cũng cảm thấy lo lắng khi các bạn trẻ hiện nay có những thái độ hết sức vô cảm trước các hành vi của bạn mình. Một sự việc như vậy mà các em không can ngăn, cứ để bạn bị đánh, thản nhiên quay clip rồi tung lên mạng. Đó là những việc rất đáng tiếc và chúng ta nên và cần phải nghiêm khắc giáo dục các em.

Đây là những sự việc không nên có trong xã hội chúng ta, nhất là khi xã hội đang phát triển. Ngay cả những nước phát triển khác cũng đang hướng về những gì có tính nhân văn, những sự tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng. Mặc dù những vấn đề này chỉ là một phần nhỏ không thể bao trùm lên cả xã hội nhưng nếu để những tiêu cực này có cơ hội nhen nhóm thì nguy cơ sẽ bùng phát những tiêu cực lớn hơn. Thế nên chúng ta phải lấy cái tích cực để hạn chế, triệt tiêu những tiêu cực này.

- Theo bà thì gia đình, mà cụ thể là cha mẹ học sinh, cần phải làm gì để nâng cao vai trò giáo dục trong gia đình trong cả quá trình giáo dục con cái?

+ Theo tôi, cha mẹ phải tích cực quan tâm hơn nữa tới con cái, dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, qua những bữa cơm gia đình chẳng hạn. Hiện Bộ VHTTDL đang tích cực vận động chương trình Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương trong Ngày gia đình Việt Nam. Đó là dịp để mọi thành viên trong gia đình từ ông bà, cha mẹ, con cái… thăm hỏi, thể hiện sự quan tâm, mong muốn đoàn tụ cùng nhau. Qua những bữa cơm, các hoạt động hàng ngày như vậy, ông bà, người lớn có thể trao truyền, dạy bảo con cháu để từ những điều bé nhỏ đó lan tỏa dần những điều hay, truyền thống tốt đẹp của gia đình, cách đối nhân xử thế…

Vụ Gia đình cũng đã ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, thực hiện thí điểm ở 12 tỉnh thành từ năm 2018 đến nay, nếu thực hiện tốt sẽ triển khai rộng khắp tới 63 tỉnh thành. Đây cũng là một nền móng tích cực trong việc góp phần giúp Bộ thực hiện chức năng quản lý lĩnh vực gia đình, xây dựng lối sống đạo đức, văn hóa ứng xử.

Tôi cho rằng, cần phải có cách nhìn nhận thấu đáo về công tác gia đình. Đây là việc rất cần thiết của cả xã hội. Thế nhưng có lẽ các cấp vẫn chưa thấy và chưa dành sự quan tâm tới lĩnh vực này. Mặc dù thực tế đã xảy ra nhiều sự việc đau lòng, đánh động cả xã hội như vậy, liên quan trực tiếp tới các gia đình… thế nhưng dường như gia đình vẫn chưa được quan tâm đúng mực, chưa được xem như là vấn đề cấp thiết của xã hội. Mà nếu chúng ta không quan tâm thì các gia đình- các tế bào nhỏ nhất trong xã hội- sẽ bị bào mòn, bị hư hại. Phải lấy gia đình làm nền tảng và làm nguồn gốc để giải quyết mọi vấn đề.

Tại Việt Nam, Điều 64 Hiến pháp năm 1992 cũng đã nói rõ, Gia đình là tế bào của xã hội. Các vấn đề gia đình là những quá trình xã hội lâu dài và chúng ta cần phải luôn có sự quan tâm đúng mực.

- Xin cảm ơn Vụ trưởng!

Khánh Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ