• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những thế mạnh của CNTT khi ứng dụng trong thủy lợi

Giáo dục 19/02/2017 11:16

(Tổ Quốc)-Hội thảo "Xúc tiến hợp tác trong nước và quốc tế về nghiên cứu khoa học và đào tạo CNTT ứng dụng trong lĩnh vực thủy lợi" diễn ra hôm 17/2 tại cơ sở mở rộng Trường Đại học Thủy lợi.

Ngày 17/02/2017, tại phòng họp tòa nhà Hòa Bình, cơ sở mở rộng Trường Đại học Thủy lợi - Hưng Yên đã diễn ra Hội thảo "Xúc tiến hợp tác trong nước và quốc tế về nghiên cứu khoa học và đào tạo CNTT ứng dụng trong lĩnh vực thủy lợi".
Nội dung hội thảo đề cập đến những thế mạnh của CNTT khi ứng dụng trong thủy lợi. Sự phát triển của Công nghệ thông tin (CNTT) và những ứng dụng của nó giúp hiện đại hóa hạ tầng thủy lợi, nâng cao năng lực, hiệu quả hệ thống quan trắc và quản lý nguồn tài nguyên nước, giám sát, điều hành hệ thống thủy lợi chủ động; bảo vệ môi trường…
Tham gia hội thảo có GS. Jean Pascal Torreton và GS. Alexis Drogoul , Trưởng đại diện Viện Nghiên cứu vì sự phát triển Pháp (IRD); Ông Đặng Duy Hiển, chủ tịch HĐQT công ty Bắc Hưng Hải; các nhóm nghiên cứu đến từ Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ - ĐHQGHN, Trường Đại học KHTN – ĐHQG TPHCM, Học viện nông nghiệp Việt Nam, Viện Vật lý địa cầu (VAST). Về phía Trường Đại học Thủy lợi có PGS.TS Nguyễn Cảnh Thái – Phó hiệu trưởng; TS. Nguyễn Thanh Tùng – Trưởng khoa CNTT; TS. Nguyễn Ngọc Doanh phụ trách nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế khoa CNTT, cùng đại diện các Phòng, Khoa, Ban, các chuyên gia trong lĩnh vực CNTT trong và ngoài Nhà trường…
Hội thảo "Xúc tiến hợp tác trong nước và quốc tế về nghiên cứu khoa học và đào tạo CNTT ứng dụng trong lĩnh vực thủy lợi" - Ảnh: TLU


Hội thảo được xem là diễn đàn để các chuyên gia trong nước và quốc tế chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong việc nghiên cứu CNTT ứng dụng trong thủy lợi, giúp hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học hiệu quả hơn. Đồng thời, xác định những quan điểm toàn cầu về việc sử dụng CNTT trong lĩnh vực thủy lợi.
Các đại biểu tham dự Hội thảo

Một phần quan trọng của hội thảo nhằm giới thiệu và khởi động “Dự án WARM”. Đây là dự án hợp tác giữa khoa CNTT, Trường ĐH Thuỷ lợi và nhóm nghiên cứu UMMISCO, IRD về trí tuệ nhân tạo ứng dụng cho: Dự báo và ứng phó lũ trên sông; Hệ thống cảnh báo và kế hoạch ứng cứu trong trường hợp động đất kích thích xung quanh hồ đập thủy điện và Tối ưu hóa điều hành các hệ thống thủy lợi. Dự án WARM do TS. Nguyễn Ngọc Doanh khoa CNTT làm trưởng dự án, TS. Lại Hiền Phương khoa CNTT làm Phó trưởng dự án và với sự tham gia của rất nhiều chuyên gia khác đến từ trong và ngoài nước.

Đặc biệt, hội thảo còn được nghe GS. Alexis DROGOUL (IRD) trình bày về phần mềm GAMA – nền tảng mô hình hóa và mô phỏng đa tác tử: một công cụ CNTT hữu ích cho quản lý tài nguyên nước. Phần mềm này được phát triển bởi nhóm nghiên cứu UMMISCO, viện nghiên cứu phát triển IRD, cộng hoà Pháp với mục đích tích hợp các loại mô hình khác nhau và tích hợp với hệ thống thông tin địa lý nhằm mô tả hệ thống một cách chính xác nhất. Các ứng dụng học máy vào việc xây dựng các hệ hỗ trợ quyết định của TS. Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Khoa CNTT; Báo cáo Dự báo lũ trên sông của PGS. Ngô Lê An và Mô hình hóa toán học trong quản lý tài nguyên nước do TS. Lê Bảo Trung – Trường Đại học Thủy lợi trình bày cũng thu hút được nhiều sự quan tâm.

Hội thảo được xem là diễn đàn để các chuyên gia trong nước và quốc tế chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm  - Ảnh: TLU

Hội thảo "Xúc tiến hợp tác trong nước và quốc tế về nghiên cứu khoa học và đào tạo CNTT ứng dụng trong lĩnh vực thủy lợi" tạo ra diễn đàn giao lưu và mở ra cơ hội hợp tác quốc tế giữa các nhà khoa học, các chuyên gia về ứng dụng CNTT trong lĩnh vực thủy lợi hay trong việc hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với Trường Đại học Thủy lợi.
Trong chiều cùng ngày các phiên thảo luận song song bàn về 4 nội dung, đó là: Hợp tác đào tạo và nghiên cứu thạc sĩ và tiến sĩ; Dự báo và ứng phó lũ trên sông; Tối ưu hóa điều hành các hệ thống thủy lợi; Hệ thống cảnh báo và kế hoạch ứng cứu trong trường hợp động đất kích thích xung quanh hồ đập thủy điện cũng được diễn ra và thu hút sự quan tâm của nhiều diễn giả.
Buổi hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp. Với những ý kến đóng góp , những bản báo cáo thành công của các nhà khoa học, chúng ta có thể đặt hi vọng rằng trong thời gian sắp tới sẽ có nhiều đề tài nghiên cứu, những giải pháp hiệu quả hơn nữa trong ngành thủy lợi, và có thể áp dụng nhiều công nghệ, thiết bị mới nhất vào ứng dụng trong ngành Thủy lợi tại Việt Nam.
Năm 2012 Dự án mở rộng Trường Đại học Thủy lợi nằm trong khu Đại học Phố Hiến tỉnh Hưng Yên chính thức được khởi động. Sau 5 năm triển khai , đến nay, gần 3000 sinh viên khóa 58 đã được đến học tập, rèn luyện và nghiên cứu khoa học trong kỳ học thứ hai năm học 2016 – 2017.
Cơ sở mở rộng của trường tại Khu Đại học Phố Hiến , tỉnh Hưng Yên - Ảnh: TLU


Cơ sở mở rộng của trường tại Khu Đại học Phố Hiến , tỉnh Hưng Yên có 300 phòng học và Giảng đường, có quy mô từ 40 đến 300 sinh viên, nơi đây đã trở thành không gian học tập lý tưởng cho sinh viên. Thư viện với nhiều đầu sách tham khảo, tài liệu điện tử ebook được cung cấp đồng bộ hỗ trợ việc học tập được hiệu quả.
Nơi đây đã trở thành không gian học tập lý tưởng cho sinh viên - Ảnh: TLU


Quan tâm đến cuộc sống sinh hoạt của sinh viên, Khu ký túc xá của Nhà trường được sắp xếp khoa học, nhiều tiện ích đáp ứng được chỗ ở cho khoảng 4.000 sinh viên. Một trong những vấn đề được Lãnh đạo Trường đặc biệt quan tâm là làm sao phải đảm bảo cuộc sống cho sinh viên tại cơ sở mở rộng tốt nhất. Đó là, yêu cầu về chỗ ăn, chỗ ở và nhu cầu vui chơi giải trí. Nhà ăn tập thể rộng rãi, đã được đưa vào phục vụ đảm bảo cung cấp suất ăn cho sinh viên với giá cả hợp lý, chỉ từ 15.000đ/bữa ăn, vấn đề an toàn về vệ sinh thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt, đối với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, Nhà trường tạo điều kiện dành cho các em những suất ăn miễn phí.
Nhà ăn tập thể rộng rãi, đảm bảo an toàn VSTP - Ảnh: TLU
Ngoài ra, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động vui chơi giải trí, sinh hoạt CLB cũng được Nhà trường đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng như sân bóng đá, cầu lông, khu rèn luyện thể chất, khu sinh hoạt chung đáp ứng nhu cầu về sinh hoạt tinh thần cho cán bộ và sinh viên. Bên cạnh đó, trường còn luôn luôn cập nhật thông tin về các chuyến xe từ cơ sở của trường về các địa phương lân cận để giúp cho sinh viên có điều kiện đi lại dễ dàng.
 
Thủy Bích

NỔI BẬT TRANG CHỦ