(Tổ Quốc) - Khởi tố vụ án nước sạch Sông Đà bốc mùi, nhiễm dầu thải; Bí ẩn tài sản đại gia 8x đứng sau Nhà máy Nước sạch sông Đà; Bà Như Loan tuyên bố rút khỏi doanh nghiệp do 'Cường đôla' điều hành... là những thông tin gây chú ý trong tuần qua (14/10 -18/10).
Khởi tố vụ án nước sạch Sông Đà bốc mùi, nhiễm dầu thải
Tại cuộc họp báo chiều 15/10, tại Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Văn Dục thông tin, vào hồi 9 giờ sáng ngày 10/10/2019, UBND thành phố Hà Nội nhận được thông tin phản ánh nguồn nước sinh hoạt của một số người dân tại quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông có mùi khét nồng nặc có váng dầu.
Người dân xếp hàng đi nhận nước sạch tam thời từ xe téc về phục vụ sinh hoạt.
Sau khi lập tổ công tác tiến hành kiểm tra, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, kết quả cho thấy, tại khu vực đầu nguồn tại khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình có xảy ra vụ đổ dầu nhớt thải trộm. Chất thải dầu này đã chảy lan ra suối rồi chảy vào hồ Đầm Bài (là hồ chứa nước để cấp cho nhà máy).
Đáng nói là một số cán bộ của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwarsupco) có phát hiện việc này từ sáng ngày 8/10/2019, nhưng đã không có bất cứ báo cáo nào với cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình, cũng như thành phố Hà Nội. Đồng thời, cũng không có bất cứ hành vi ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu này, dẫn đến váng dầu đã chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy vào hệ thống phân phối đến người dân ở các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân.
Sự việc dấy lên làn sóng phẫn uất từ người dân, dư luân. Tuần qua, người dân các khu vực bị ảnh hưởng đã vô cùng khổ sở vì không có nước sinh hoạt, phải đi mua nước đóng bình, đóng chai để uống và nấu cơm...
Ngày 16/10, cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hoà Bình) ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235, Bộ luật hình sự.
Bí ẩn tài sản đại gia 8x đứng sau Nhà máy Nước sạch sông Đà
Công ty cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco) là đơn vị vận hành Nhà máy nước mặt sông Đà, độc quyền phân phối nước nguồn cho Công ty cổ phần Viwaco; Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Đông; Công ty Ngọc Hải; Công ty trách nhiệm hữu hạn Đồng Tiến Thành Hà Nam và Cổ phần Tây Hà Nội...
Theo báo cáo thường niên năm 2018 của Viwasupco, đến ngày 31/12/2018, các cổ đông lớn của công ty gồm có: Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex giữ tỉ lệ 60,46% cổ phần và Công ty cổ phần Cơ điện lạnh với 35,95% cổ phần.
Công ty Năng lượng Gelex là công ty con của Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex). Ông Nguyễn Văn Tuấn giữ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Gelex. Ông Tuấn là doanh nhân thế hệ 8X nổi tiếng trong giới tài chính, sinh năm 1984, tại Hà Nam và xuất thân từ ngành tài chính - ngân hàng.
Gelex có trụ sở chính đặt tại tòa nhà Gelex, số 52 Lê Đại Hành, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Ngoài các lĩnh vực công nghiệp, Gelex đang sở hữu rất nhiều bất động sản "khủng" gồm khách sạn, văn phòng, đáng kể là tổ hợp khách sạn 5 sao Melia Hà Nội và tòa nhà văn phòng HCO; Tòa nhà văn phòng Gelex Tower 52 Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng, Hà Nội, khu đất số 10 Trần Nguyên Hãn và 27- 29 Lý Thái Tổ (Hà Nội), hiện tại Gelex đang lập dự án xây dựng Tổ hợp trung tâm thương mại - khách sạn - văn phòng cho thuê đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao với diện tích lập dự án là 9.934 m2, tổng mức đầu tư dự kiến là 2.161 tỉ đồng....
Bà Như Loan tuyên bố rút khỏi doanh nghiệp do 'Cường đôla' điều hành
Công ty CP Quốc Cường Gia Lai mới đây đã công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị chuyển nhượng toàn bộ 18,6% vốn Công ty Chánh Nghĩa Quốc Cường với giá 132 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp do ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đôla) làm Tổng giám đốc.
Bà Nguyễn Thị Như Loan (Nguồn: Internet)
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc là người được giao tìm kiếm đối tác và đàm phán ký hợp đồng chuyển nhượng.
Theo báo cáo bán niên của Quốc Cường Gia Lai, trong nửa đầu năm nay, tập đoàn này đã đầu tư thêm 82,5 tỷ đồng vào Chánh Nghĩa Quốc Cường nâng tổng vốn đầu tư lên 132 tỷ đồng, tương đương 18,6% vốn điều lệ Chánh Nghĩa Quốc Cường. Tuy nhiên, Quốc Cường Gia Lai cũng mượn 72,5 tỷ đồng tại công ty này.
Theo thông tin doanh nghiệp trên Công thông tin quốc gia, Chánh Nghĩa Quốc Cường thành lập ngày 25/9/2018 và Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này là ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đôla - con trai bà Như Loan).
Hồi tháng 3/2019, Chánh Nghĩa Quốc Cường thông báo đã nâng vốn điều lệ từ 428 tỷ đồng lên 708 tỷ đồng.
Chánh Nghĩa Quốc Cường là chủ đầu tư dự án căn hộ cao cấp C-Sky View tại trung tâm thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Dự án trên lô đất gần 8.600m2, gồm 2 block 36 tầng (quy mô 1.166 căn).
Giá vàng tăng cao, bà chủ "đế chế" PNJ Cao Thị Ngọc Dung thắng lớn
Báo lãi tăng mạnh trong quý III, cổ phiếu của "đế chế vàng bạc đá quý" PNJ cũng liên tục "leo dốc" trên thị trường chứng khoán. Chưa hết, trong bối cảnh giá vàng tăng, PNJ lại đang có gần 5.900 tỷ đồng hàng tồn kho.
Cụ thể, phiên giao dịch ngày 17/10 khép lại với trạng thái tăng - giảm trái chiều trên hai sàn cơ sở. Trong khi sàn HSX bị bán mạnh vào cuối phiên và đột ngột giảm 4,64 điểm tương ứng 0,47% còn 989,82 điểm vào những phút cuối thì HNX-Index vẫn đạt được mức tăng khiêm tốn 0,13 điểm tương ứng 0,13% lên 106,07 điểm dù hầu hết thời gian trong phiên chỉ số này hoạt động dưới đường tham chiếu.
Thanh khoản có phần cải thiện nhẹ trên HSX với khối lượng giao dịch đạt mức 191,55 triệu cổ phiếu tương ứng 4.036,15 tỷ đồng và con số này trên HNX là 17,83 triệu cổ phiếu tương ứng 234,96 tỷ đồng.
PNJ của Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận tuần qua tiếp tục giữ đà tăng, tăng thêm 800 đồng tương ứng 0,98% lên 82.700 đồng/cổ phiếu. Trong 1 tuần qua, PNJ đạt được mức tăng khá 4,55%.
Giá cổ phiếu PNJ đang phản ứng tích cực với thông tin kết quả kinh doanh vừa được doanh nghiệp này công bố. Theo đó, quý III vừa rồi, "đế chế vàng bạc" của bà Cao Thị Ngọc Dung đạt 3.934 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 25% so với cùng kỳ và 208 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 17%.
Cổ phiếu FLC tăng mạnh, "cháy hàng"
Cổ phiếu FLC tăng trần 5 phiên liên tiếp. Nguồn: VNDirect
Phiên giao dịch ngày 15/10, cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC "cháy hàng". Mã này tăng trần lên 3.550 đồng/cổ phiếu và vẫn dư mua giá trần tới 14 triệu đơn vị. Động thái này cho thấy có thể cổ đông và nhà đầu tư đang phản ứng tích cực với thông tin hãng bay của FLC là Bamboo Airways kỳ vọng sẽ niêm yết vào đầu năm tới với vốn hoá lên tới 1 tỷ USD.
Tại FLC, ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch HĐQT) đang nắm giữ trực tiếp hơn 150 triệu cổ phiếu tương ứng 21,19% vốn điều lệ FLC.
Trong phiên giao dịch ngày 16/10, cổ phiếu FLC cũng tăng mạnh trong bối cảnh tập đoàn của đại gia Trịnh Văn Quyết vừa công bố chốt quyền chào bán gần 300 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ chào bán 42,2% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu có quyền mua thêm 422 cổ phiếu phát hành thêm).