(Tổ Quốc) - Theo Nielsen, cả người dân và doanh nghiệp sẽ phải làm quen với một cuộc sống bình thường mới, nơi hành vi và xu hướng tiêu dùng đã có sự thay đổi đáng kể.
Đại dịch Covid-19 đã tác động đáng kể tới mọi nền kinh tế, không chỉ làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu mà cũng thay đổi hành vi tiêu dùng của hàng tỷ người trên toàn thế giới. Khu vực Đông Nam Á (SEA) và Việt Nam nói riêng cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng đó.
Theo báo cáo hồi tháng 2 được đại diện Nielsen tiết lộ tại sự kiện trực tuyến "Innovation Summit 2020" mới đây, ba quốc gia Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 là Philippines, Indonesia và Malaysia.
Đồng thời, trong khi hầu hết các ngành đều ghi nhận sự giảm tốc thì ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại Đông Nam Á lại ghi nhận mức tăng trưởng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái (tăng trưởng năm 2019 đạt 4,4%) do người dân có xu hướng tích trữ lương thực, thực phẩm. Đáng kể nhất là Singapore, với mức tăng trưởng trong khu vực FMCG cao gấp 5 lần năm ngoái.
Tuy nhiên, ngành FMCG tại Việt Nam lại ghi nhận mức tăng trưởng giảm, đạt 5,2% so với 6,3% của năm 2019.
Dẫu vậy, khảo sát thị trường trong nước cho thấy dấu hiệu tích cực khi 65% khách hàng được hỏi có xu hướng tiêu dùng hàng nội địa nhiều hơn. Trong đó, 11% chỉ mua và 54% mua phần lớn các sản phẩm trong nước.
Ảnh chụp màn hình
Báo cáo tháng 2-3 của Nielsen cũng ghi nhận sự thay đổi đáng kể trong hành vi của người tiêu dùng Việt Nam thời đại dịch. 81% người được hỏi cho biết sẽ tránh nơi đông người, 64% giảm tần suất đi chợ và các tiệm tạp hóa, siêu thị, 83% giảm ăn uống ngoài và 50% cho biết giảm lượng tiêu thụ bia.
Ngành bia, đồ uống tăng trưởng âm
Một trong những ngành hàng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là bia và đồ uống. Nếu trước khi xảy ra dịch bệnh, bia và đồ uống là những sản phẩm tăng trưởng nóng nhất trong toàn bộ ngành FMCG thì trong đại dịch, chúng lại chịu mức sụt giảm nghiêm trọng.
Tháng 2/2020, ngành bia tăng trưởng âm -12%. Theo sau là đồ uống - giảm 3% và thuốc lá – giảm 2%. Nguyên nhân dẫn đến xu hướng này được cho là do người dân đã giảm đáng kể việc ăn uống bên ngoài, tại các nhà hàng hay quán nhậu.
Điểm sáng trong ngành FMCG là khu vực thực phẩm và sản phẩm vệ sinh cá nhân. Nổi bật nhất là mặt hàng nước rửa tay, ghi nhận con số tăng trưởng đến 92% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đó là đồ khô, tăng trưởng 33% hay xúc xích, lạp xưởng cũng ghi nhận mức tăng 20%.
Doanh nghiệp Việt Nam nên làm gì?
Nielsen Việt Nam cho rằng, cả người dân và doanh nghiệp sẽ phải tập làm quen với một cuộc sống mới sau đại dịch (the new normal).
Đầu tiên đó là xu hướng tiêu dùng tại nhà. Cũng theo khảo sát hồi tháng 2, 62% khách hàng được hỏi cho biết sẽ ăn ở nhà thường xuyên hơn sau đại dịch. Do đó, doanh nghiệp cần tập trung hơn vào việc thiết kế những sản phẩm phù hợp với nhu cầu "ở nhà" hơn "mang đi" của khách hàng.
Chính sách về giá, khuyến mãi chéo cũng rất cần thiết. Đồng thời, Nielsen khuyến nghị truyền thông nhiều hơn về mặt sức khỏe.
Thứ hai là tính sẵn có của sản phẩm quan trọng hơn bao giờ hết, mục đích đảm bảo lượng cung ứng cho thị trường.
Thứ ba, đa dạng kênh mua hàng cho người tiêu dùng. Các doanh nghiệp nên hoàn thiện những giải pháp phân phối đa kênh, phát triển thương mại điện tử và bán hàng online.
Ảnh chụp màn hình
Thứ tư, rất quan trọng đối với những nhà tiếp thị, đó là các doanh nghiệp cần xem xét đẩy mạnh quảng cáo trên TV, truyền hình vì đây luôn là kênh được người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng.
Cuối cùng, ứng dụng công nghệ để thay đổi hành vi khách hàng như thanh toán điện tử, livestream và giao tiếp qua các mạng xã hội.
Một trong những dẫn chứng nổi bật như chuỗi siêu thị BigC miền Bắc đã ghi nhận mức tăng trưởng các đơn hàng online đạt 80% so với những tháng trước, BigC miền Nam thậm chí tăng trưởng 200%. Cuối tháng 3, Sài Gòn Co.op Mart cũng tiếp nhận hơn 20.000 đơn hàng, chủ yếu thông qua Zalo và Viber.