• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Niềm hy vọng sống của những bệnh nhân ung thư

Sức khỏe 18/12/2018 08:21

(Tổ Quốc) - Những năm trở lại đây, Việt Nam là một quốc gia có sự gia tăng lớn về số ca mắc bệnh ung thư. Theo thống kê của WHO, số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam không ngừng tăng, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010. Năm 2018, số ca mắc mới tăng lên gần 165.000 ca/96,5 triệu dân, trong đó gần 70% trường hợp tử vong, tương đương 115.000 ca.


dsc_3685
dsc_3685
dsc_3677
dsc_3677
dsc_3688
dsc_3688
dsc_3695
dsc_3695

Những bệnh nhân đang điều trị tại Khoa kiểm soát và điều trị ung bướu của bệnh viện y học cổ truyền Trung ương.

Số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam không ngừng tăng

Theo Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu ung thư trực thuộc Liên Hợp Quốc (IARC) nhận định: ung thư đang là mối đe dọa ngày một nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân trên toàn toàn cầu. Tính trung bình trên thế giới, cứ 5 nam giới thì có 1 người và 6 phụ nữ thì có 1 người mắc chứng bệnh ung thư trong cuộc đời của mình, và 1/8 số nam giới và 1/11 số nữ giới tử vong do căn bệnh này.

Những năm trở lại đây, Việt Nam cũng đang là một quốc gia có sự gia tăng lớn về số ca mắc bệnh ung thư. Theo thống kê của WHO, số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam không ngừng tăng, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010. Năm 2018, số ca mắc mới tăng lên gần 165.000 ca/96,5 triệu dân, trong đó gần 70% trường hợp tử vong, tương đương 115.000 ca.

Nếu như khoảng hơn 10 năm trước đây, khi nói về ung thư, người ta thường có câu cửa miệng "đây là bệnh của nhà giàu" hay "ung thư máu chỉ có trên phim Hàn Quốc"….Vậy nhưng, hiện tại, vấn đề bệnh ung thư, đang thực sự là chủ đề nóng của rất nhiều gia đình Việt. Người ta nói với nhau về chuyện người này mới phát hiện ung thư, người kia đã tử vong vì ung thư…rồi người ta rỉ tai nhau những bài thuốc điều trị ung thư hiệu quả… hay muốn chữa khỏi ung thư thì phải đi nước này, nước kia...

Ung thư đã và đang là đề tài nóng mà mọi tầng lớp người dân trong xã hội đều quan tâm. Tuy nhiên, chữa bệnh ung thư hay điều trị ung thư bằng phương pháp y học cổ truyền - chân chính… chứ không phải là các bài thuốc lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc xuất xứ từng khiến không ít người bệnh "tiền mất, tật mang" lại không được mấy người dân biết đến.

Ngay đến bản thân tôi, nếu không được người quen giới thiệu thì cũng không biết đến việc Hà Nội có một địa chỉ điều trị ung thư cho bệnh nhân bằng phương pháp y học cổ truyền. Địa chỉ mà tôi đang nhắc đến đó chính là Khoa kiểm soát và điều trị ung bướu của bệnh viện y học cổ truyền Trung ương.

Niềm tin mãnh liệt của những con người mang đầy tuyệt vọng

Những ngày cuối năm, tôi có dịp tới thăm Khoa kiểm soát và điều trị ung bướu của bệnh viện y học cổ truyền Trung ương. Tại đây, tôi đã may mắn được gặp gỡ, trò chuyện với những bệnh nhân ung thư đang điều trị phục hồi chức năng. Mỗi câu chuyện là một mảnh đời với nhiều cung bậc cảm xúc. Nhưng tất cả đều toát lên một niềm vui, hạnh phúc cùng sự lạc quan, tin tưởng mãnh liệt về sự sống, tương lai và sức khỏe…

dsc_3679
dsc_3679
dsc_3713
dsc_3713

Những nụ cười lạc quan của người bệnh


Mở đầu câu chuyện này tôi được bác Phí Thị Diệt (67 tuổi, quê Thạch Thất, Hà Nội) chia sẻ về câu chuyện xúc động của mình. Theo đó, năm 2012, bác Diệt phát hiện ra mình bị ung thư cổ tử cung. Ngay sau đó, bác đã được điều trị tại bệnh viện K Hà Nội. Sau thời gian điều trị tại đây với phương pháp hóa trị, xạ trị bác Diệt được xuất viện trở về gia đình. Từ năm 2016 đến nay, bác Diệt bất đầu gặp phải những biến chứng…mới đây nhất bác bị gãy xương mu, cơ thể suy yếu, không thể đi lại được, chỉ nằm một chỗ, không nói chuyện cũng như ăn uống được..mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có người thân hỗ trợ. Dù đã được gia đình đưa tới thăm khám tại một số bệnh viện lớn, tuy nhiên các bác sĩ đều lắc đầu và nói gia đình về lo chuẩn bị hậu sự.

"Khi bị các bệnh viện trả về, tôi và gia đình đều chuẩn bị tâm lý. Người nhà đã chọn đất, đào huyệt, xem ngày, mời thầy…tất cả chỉ chờ đợi từng ngày. Thế rồi con trai tôi đã liên hệ với các bác sĩ tại Khoa kiểm soát và điều trị ung bướu của bệnh viện y học cổ truyền Trung ương. Với hy vọng còn nước còn tát, tôi đã được gia đình đưa tới đây để điều trị. Đến nay, sau 2 tuần nằm điều trị và theo dõi tại đây, tôi đã có thể tự đi lại được, hàng ngày ăn được mấy bát cơm… họ hàng người thân ai cũng ngạc nhiên, vui mừng trước sự tiến triển của tôi", bác Diệt vui vẻ chia sẻ.

Cùng bị ảnh hưởng về sức khỏe sau những đợt hóa trị, xạ trị như bác Diệt, trường hợp của chị Phạm Thị Hội (Sn 1979, Hải Dương) cũng vậy, gia đình, người thân cũng đã chuẩn bị tâm lý để lo hậu sự.

"sau 6 đợt điều trị bằng hóa chất, tôi bị chảy máu trực tràng, máu chảy rất nhiều…lúc này các bác sĩ bệnh viện K đã cho tôi chuyển sang Khoa kiểm soát và điều trị ung bướu của bệnh viện y học cổ truyền Trung ương. Lúc này, cả gia đình tôi ai cũng chuẩn bị tâm lý, bởi bệnh viện mà chuyển đi sang đông y thì không còn hy vọng gì nữa. Thế nhưng, đến nay sau 3 tuần điều trị, tôi đã được ra viện về nhà, da dẻ hồng hào, ăn uống tốt. Đặc biệt, hiện tượng chảy máu trực tràng của tôi đã tiến triển tới khoảng 80%. Mọi người ai cũng vui mừng trước sự tiến triển của bản thân. Lần này tôi quay lại bệnh viện để theo điều trị đợt hai, mong muốn là sẽ khỏe hẳn để được trở về với gia đình, con cái. Cá nhân tôi rất hy vọng và cảm thấy phấn chấn trước những tiến triển rất tốt của cơ thể hiện nay", chị Hội tươi cười cho hay.

Trong những câu chuyện này, câu chuyện của bác Hà Xuân Hạnh (67 tuổi, Hà Nội) khiến tôi thật sự xúc động. Bác Hà Xuân Hạnh bị ung thư phổi, di căn não và bị chèn vào dây thần kinh nên bị liệt nửa người. Sau 3 năm điều trị ung thư tại Úc, bác Hạnh được các bác sĩ tại đây khuyên về Việt Nam chữa đông y, phục hồi chức năng. Hiện tại, sau 4 tuần điều trị, bác Hạnh đã có thể đi lại được, ăn uống được, tinh thần lạc quan, phấn chấn

" Tôi rất hạnh phúc và cảm ơn đội ngũ y bác sĩ đã tận tình chăm sóc. Sau 4 tuần điều trị, tôi không nghĩ mình có thể bắt đầu đi lại và nói chuyện được. Đây là một điều kỳ diệu mà thành tựu y học cổ truyền đã đem lại cho tôi", bác Hà Xuân Hạnh phấn khởi nói.

Sự tiến triển tốt của những bệnh nhân đang điều trị tại đây không chỉ là niềm vui vô bờ bến với chính người bệnh cùng người thân của họ mà còn là sự động viên, khích lệ lớn đối với đội ngũ y bác sĩ Khoa kiểm soát và điều trị ung bướu của bệnh viện y học cổ truyền Trung ương. Điều này cũng góp phần tạo ra cơ sở và niềm tin mới đối với những người bệnh mắc phải căn bệnh hiểm nghèo – ung thư./.

Bài, ảnh: Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ