(Tổ Quốc) - Cánh đồng làng Tung (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) là một trong những cánh đồng lúa nước lớn nhất nhì của huyện Đức Cơ và được kỳ vọng sẽ giúp người dân thoát nghèo. Tuy nhiên, nhiều năm liền cánh đồng này liên tục bị bỏ hoang. Năm 2019, với quyết tâm cao của chính quyền địa phương, cánh đồng làng Tung đã được khôi phục và niềm vui đã trở lại.
Giúp dân khai hoang trồng lúa nước
Ông Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Nan cho biết: "Những năm trước đây, Công ty 72 (Binh đoàn 15) đã khai hoang gần 20 ha đất, tiến hành trồng lúa nước, rồi trao cho bà con làng Tung. Ðây thật sự là "chiếc cần câu" để giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần giữ vững an ninh trật tự vùng biên giới. Để giúp bà con sản xuất lúa nước, UBND huyện Đức Cơ đã đầu tư xây dựng đập thủy lợi và hệ thống mương dẫn nước xuống cánh đồng giúp bà con duy trì mô hình trồng lúa nước. Tuy nhiên, chỉ được vài vụ rồi một số hộ dân lại bỏ hoang ruộng đất".
Được biết, tại làng Tung (xã Ia Nam) chỉ có gần 30 hộ gia đình có diện tích đất trồng lúa nước, tuy nhiên ở cánh đồng này thì số hộ trực tiếp gieo cấy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bao nhiêu công sức, mồ hôi của chính quyền địa phương giúp đỡ cũng đành trôi theo dòng nước. Còn người dân làng Tung vẫn cứ thiếu ăn, thiếu mặc, và rồi người dân vẫn cứ bị cái nghèo đeo bám.
Ông Rơ Lan Hiên (người dân làng Tung) cho biết: "Từ ngày có bộ đội giúp khai hoang để trồng lúa nước, người dân trong làng trồng vài vụ rồi bỏ hoang. Họ lấy lý do là thiếu nước nên chăm sóc cây lúa rất khó và thu hoạch không được bao nhiêu. Đến khi huyện đầu tư xây dựng thủy lợi rồi nhưng họ vẫn không chịu làm. Chỉ có gia đình tôi và vài hộ trong làng làm thôi".
Già làng Siu Quý là người rất tâm huyết với cánh đồng làng Tung nhưng già cũng buồn vì cánh đồng này bỏ hoang trong nhiều năm liền. Từ khi có công trình thủy lợi, già Quý cũng như cán bộ xã và các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn luôn tuyên truyền, vận động người dân tích cực làm lúa nước để vươn lên thoát nghèo. Do lười lao động nên nhiều hộ trong làng vẫn cứ đói nghèo.
"Tôi rất buồn vì nhà nước đầu tư công trình thủy lợi, khai hoang đất, hướng dẫn cách trồng lúa nước nhưng nói mãi mà họ vẫn không làm. Trồng cà phê, hồ tiêu thì không biết. Trồng lúa nước sẽ hạn chế nạn chặt phá rừng làm rẫy, cuộc sống sẽ bớt khó khăn nhưng họ vẫn không làm", Già Siu Quý nói trong buồn bã.
Trước việc bà con làng Tung bỏ hoang diện tích đất đai màu mỡ trong nhiều năm, là đơn vị đứng chân trên địa bàn nên Đảng ủy, Ban giám đốc Công ty 72 (Binh đoàn 15) đã triển khai nhiều biện pháp giúp bà con khôi phục cánh đồng. Cán bộ, chiến sĩ, công nhân, người lao động Đội 10 được giao nhiệm vụ hỗ trợ địa phương khôi phục cánh đồng này.
Ngay từ đầu vụ năm 2019, đơn vị đã triển khai cày xới đất, đổ ải và cùng với địa phương tuyên truyền, vận động người dân gieo mạ, cấy lúa. Đại úy Trần Quốc Việt, Đội trưởng Đội 10 cho hay: "Nhiệm vụ của chúng tôi là phối hợp với chính quyền địa phương trước khi bắt đầu mùa vụ thì làm công tác tuyên truyền, vận động để bà con thực hiện. Sau đó, chúng tôi triển khai cày xới đất và giúp bà con tu sửa hàng rào bảo vệ, nạo vét kênh mương để đảm bảo nguồn nước cho sản xuất. Nhờ tích cực vận động nên nhiều hộ đã cam kết thực hiện việc trồng lúa".
Niềm trở lại vui trên cánh đồng làng Tung
Chúng tôi tìm đến cánh đồng lúa làng Tung (xã Ia Nam) trong những ngày giữa tháng 11, đây là thời điểm người dân đang vào mùa thu hoạch lúa. Khắp cả không gian trên cánh đồng lúa đều được bao phủ bởi tiếng cười nói của những người nông dân, đang nhanh tay gặt lúa để mang về nhà… tất cả như minh chứng rằng cánh đồng lúa làng Tung đã được khôi phục và hơn hết là niềm vui đã trở lại.
Được biết, từ cuối năm 2018, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Đức Cơ khóa VI đã xác định: "Phải khôi phục cánh đồng lúa nước làng Tung để giúp bà con trong làng thoát nghèo". Triển khai nghị quyết nêu trên, chính quyền xã Ia Nan đã tập trung nhân lực, vật lực để cố gắng khôi phục cánh đồng này. Với sự hỗ trợ tích cực từ Công ty 72, ngay từ đầu mùa mưa năm nay, xã đã thành lập một tổ công tác đến tận nhà vận động bà con trồng lúa nước.
Theo đó, UBND xã yêu cầu những hộ gia đình có diện tích đất tại cánh đồng này ký cam kết không bỏ hoang, duy trì cấy lúa để xóa đói, giảm nghèo. Với cách làm trên, cánh đồng làng Tung năm nay đã được trồng kín lúa.
Ông Phạm Văn Thủy cho hay: "Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, xã phối hợp với các ban, ngành đoàn thể mà đặc biệt là Công ty 72 giúp bà con cày đất. Từ xưa đến nay bà con ta chủ yếu canh tác lúa rẫy, tuy nhiên với sự vận động tích cực của các đoàn thể, các ban ngành và Công ty 72 đã giúp bà con khôi phục cánh đồng lúa nước. Tới bây giờ diện tích lúa phát triển tốt và đã sắp vào vụ thu hoạch. Vụ lúa kế tiếp, chúng tôi sẽ tích cực vận động bà con tiếp tục phát triển cây lúa nước để ổn định cuộc sống".
Từ khi có công trình đập thủy lợi làng Tung, gia đình ông Ksor Chiếc luôn duy trì việc cấy lúa đều đặn. Để tránh gia súc phá hoại ông đã mua lưới B40 rào cẩn thận quanh khu đất của gia đình. Với diện tích hơn 4 sào, mỗi năm gia đình ông Chiếc thu được từ 10 đến 20 bao lúa.
Mấy năm trước, bà con làng Tung không chịu cấy lúa, nhìn thấy ruộng rẫy bị bỏ hoang, bản thân ông Chiếc cũng thấy buồn. Tuy nhiên, trong vụ mùa năm nay bà con trong làng đã tập trung cấy lúa nên ông cảm thất rất vui. Ông vui vì bà con dân làng đã có nhận thức, vui vì cánh đồng lúa nước của làng đã được khôi phục.
"Từ đầu vụ năm nay, Công ty 72 đã đưa máy cày giúp người dân khôi phục việc trồng lúa. Còn chính quyền địa phương thì hỗ trợ phân bón, hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Giờ tôi thấy người dân đã hiểu được và tham gia trồng lúa đem lại thu nhập cho gia đình. Tôi rất mừng vì người dân trong làng sắp có một vụ mùa bội thu", ông Chiếc tâm sự.
Ông Trịnh Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết: "Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương cùng với các cấp, các ngành nên vụ mùa năm nay cánh đồng làng Tung đã được khôi phục sản xuất lúa nước. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung đưa các giống lúa mới, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sản xuất của bà con nơi đây. Ngoài ra, địa phương cũng sẽ có những hỗ trợ về giống, phân bón, duy tu sửa chữa kênh mương thủy lợi... tạo động lực cho bà con tham gia sản xuất, góp phần cải thiện thu nhập. Bên cạnh đó, với sự giúp đỡ nhiệt tình từ các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn cùng sự cố gắng của người dân, hy vọng rằng về lâu dài người dân làng Tung sẽ không còn đói nghèo".
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!