(Tổ Quốc) - Những năm gần đây, diện tích vùng cây ăn quả có múi trên địa bàn thị xã An Khê (Gia Lai) không ngừng tăng nhanh, đến nay có khoảng 30 ha. Bên cạnh đó, để mở rộng diện tích trồng cây ăn quả theo hướng hàng hóa, bền vững cho người dân thì UBND thị xã An Khê đang triển khai xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả có múi theo đúng tiêu chuẩn VietGAP.
Được biết, tại thị xã An Khê có khoảng 30 ha diện tích trồng cây ăn quả có múi, bao gồm các chủng loại quýt, cam, bưởi… trong đó xã Cửu An được trồng nhiều nhất với diện tích cây ăn quả có múi chiếm trên 13 ha, còn lại được trồng ở một số xã, phường khác.
Hầu hết, việc sản xuất của người dân nơi đây còn mang tính tự phát, quy mô chưa lớn, khả năng đầu tư thâm canh chưa cao, việc ứng dụng các kỹ thuật mới còn hạn chế... Sản phẩm sản xuất ra chưa được chứng nhận về chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nên hiệu quả kinh tế chưa cao.
Trao đổi chúng tôi, ông Phan Ngọc Thành - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Khê cho biết: "Do việc trồng cây ăn quả của người dân trên địa bàn còn mang tính tự phát nên không mang lại hiệu quả kinh tế cao, vì vậy, UBND thị xã An Khê đang triển khai dự án "Xây dựng vùng chuyên canh trồng cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn VietGAP" và chọn xã Cửu An để triển khai dự án. Theo ước tính ban đầu kinh phí thực hiện dự án là 815,614 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách thị xã là 335 triệu đồng, vốn dân đóng góp 480,614 triệu đồng".
Cũng theo ông Thành, tham gia dự án có 17 hộ dân của xã Cửu An đã trồng các loại cây: cam, quýt và bưởi từ năm 2018 trở về trước. Cụ thể: cây quýt 11,2 ha, cam 1,5 ha, bưởi 0,3 ha. Đồng thời, khi tham gia dự án các hộ sẽ được tập huấn về kỹ thuật mới trong sản xuất cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn VietGAP và quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Sản phẩm sản xuất ra từ dự án sẽ do nông dân chủ động tiêu thụ.
Bên cạnh đó, UBND thị xã sẽ kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị khi có giấy chứng nhận VietGAP và truy xuất nguồn gốc sản phẩm để có giá cả và đầu ra ổn định giúp nâng cao thu nhập cho nông dân.
Chia sẻ về dự án phát triển vùng cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Huỳnh Ngọc Mỹ-Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Khê cho biết: "Dự kiến đến năm 2020, khi các hoạt động dự án "Xây dựng vùng chuyên canh trồng cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Cửu An" được triển khai sẽ sản xuất ra 54,6 tấn trái cây đạt tiêu chuẩn VietGAP và được truy xuất nguồn gốc, tổng lợi nhuận thu được 927,426,375 triệu đồng. Trong đó 1 ha quýt đường giai đoạn kinh doanh với sản lượng 30 tấn, lợi nhuận thu được 616,643,858 triệu đồng; 1,5 ha quýt đường cho thu bói với sản lượng 12 tấn, lợi nhuận thu được 114,965,787 triệu đồng; 1,5 ha cam sành cho thu bói với sản lượng 10,5 tấn, lợi nhuận thu được 137,465,787 triệu đồng; 0,3 ha bưởi da xanh cho thu bói với sản lượng 2,1 tấn, lợi nhuận thu được 58,35,943 triệu đồng. Đến năm 2021, dự án sẽ sản xuất ra 193,1 tấn trái cây với tổng lợi nhuận thu được 2,778,227,535 triệu đồng".
Để tìm hiểu về việc triển khai dự án "Xây dựng vùng chuyên canh trồng cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn VietGAP", chúng tôi được giới thiệu đến gặp ông Đào Văn Bình, trú tại thôn An Điền Nam, xã Cửu An (ông Bình là một trong những hộ được chọn tham gia dự án).
Gặp chúng tôi ông Bình vui vẻ cho biết: "Được tham gia dự án sẽ giúp gia đình tôi, cũng như những hộ nông dân trồng cây ăn quả có múi không phải lo về tiêu thụ nữa, quan trọng hơn là chúng tôi có cơ hội áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP… Trước đây vào năm 2010, gia đình tôi trồng hơn 1 ha quýt đường, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu, tuy nhiên thường xuyên bị tư thương ép bán sản phẩm với giá rẻ. Nay được tham gia dự án nên tôi có mở rộng thêm 1,5 ha để trồng quýt đường và cam sành".
Dự án "Xây dựng vùng chuyên canh trồng cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Cửu An" đã góp phần giúp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tạo điều kiện phát triển kinh tế cho người dân theo hướng bền vững nhất./.