(Tổ Quốc)- Xác định việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là tiêu chí quan trọng để giảm nghèo bền vững và thực hiện tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua, tỉnh Cao Bằng luôn quan tâm, kịp thời triển khai, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chương trình giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới.
Từ các cơ chế chính sách hỗ trợ đã từng bước giúp các hộ nghèo có nhà ở, ổn định cuộc sống, tập trung lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá giả. Trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Cao Bằng giảm từ 42,53% xuống còn 22,06% (giảm 23.894 hộ); bình quân giảm 4,12%/năm.
Quan tâm triển khai công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Trong các nội dung thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Từ cuối năm 2020 đến tháng 4/2021, từ 35 tỷ đồng nguồn hỗ trợ của Bộ Công an và UBND thành phố Hà Nội, Tỉnh đã chỉ đạo thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 884 hộ nghèo trên địa bàn huyện Hà Quảng, trong đó hỗ trợ làm mới 95 nhà tôn lắp ghép, mức hỗ trợ 55 triệu/01 căn nhà; sửa chữa 179 nhà, mức hỗ trợ 30 triệu đồng/01 căn; làm mới 610 nhà, mức hỗ trợ 40 triệu/01 căn, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của địa phương, nâng cao uy tín của cấp ủy, chính quyền các cấp, gia tăng niềm tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Tiếp nối thành công của Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Hà Quảng, Tỉnh ủy Cao Bằng chủ trương huy động mọi nguồn lực cùng với cả hệ thống chính trị trong giai đoạn 2021-2023, tập trung hỗ trợ nhà ở các hộ nghèo và cận nghèo, gia đình chính sách đặc biệt khó khăn về nhà ở, không có nhà hoặc nhà ở không đảm bảo điều kiện sinh sống trên địa bàn toàn tỉnh.
Từ những kết quả hỗ trợ thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát của Tỉnh, trong chuyến công tác và làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng ngày 15/11/2021 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng ý lựa chọn tỉnh Cao Bằng để thí điểm chỉ đạo thực hiện xóa nhà ở tạm, nhà dột nát cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, nhất là tại các huyện nghèo theo tiêu chí giai đoạn 2021-2025 từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025”; Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cao Bằng đã lồng ghép, huy động nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách địa phương và nguồn lực xã hội hóa, quyết tâm vượt qua các khó khăn về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2025.
Để đảm bảo sự thống nhất trong chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng đã ban hành Quyết định số 270-QĐ/TƯ ngày 17/5/2021 thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Cao Bằng để tổ chức triển khai thực hiện chương trình đồng bộ và hiệu quả. Ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện, Ban Chỉ đạo đã xác định công tác thông tin, tuyên truyền, vận động là công tác quan trọng, góp phần quyết định thắng lợi của chương trình. Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng, gửi tài liệu tuyên truyền chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến các cơ quan báo chí, huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến trên địa bàn toàn tỉnh. Các cơ quan báo chí thường xuyên thực hiện việc tuyên truyền về chương trình theo định hướng, chú trọng mở chuyên mục mới và tập trung tuyến tin, bài tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa nhân văn của chương trình; sự tham gia tích cực của các nhà hảo tâm, cộng đồng, dòng họ trong việc ủng hộ, hỗ trợ thêm các hộ gia đình có thêm nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tính đến nay, đã có hơn 700 lượt tin, bài được đăng tải, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng trong tỉnh.
Những kết quả đáng mừng
Qua rà soát, tổng số hộ gia đình được phê duyệt hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 (theo Quyết định số 2175/QĐ-UBND ngày 17/11/2021 của UBND tỉnh Cao Bằng) là 6.602 hộ. Tổng số hộ nghèo, cận nghèo được phê duyệt hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn 07 huyện nghèo thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (theo Quyết định số 1640/QĐ-UBND ngày 10/11/2022 của UBND tỉnh Cao Bằng) là 13.175 hộ (bao gồm 3.728 hộ trong danh sách phê duyệt hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh). Tổng số nhà ở hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách được hỗ trợ về nhà ở đã được UBND tỉnh phê duyệt là 16.049 hộ; với tổng số kinh phí cần huy động là: 588.173 triệu đồng.
Tính từ tháng 4/2021 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã hỗ trợ về nhà ở cho 3.656/16.049 hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách (đạt tỉ lệ 22,78%), với tổng số tiền: 153.688 triệu đồng. Trong đó: Nguồn kinh phí huy động xã hội hóa: 1.199 hộ; số tiền hỗ trợ: 49.928 triệu đồng. Nguồn hỗ trợ từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: 2.275 hộ, số tiền hỗ trợ: 98.980 triệu đồng (trong đó có 1.991 hộ được lồng ghép từ Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh với số tiền hỗ trợ: 74.702 triệu đồng). Nguồn được tạm ứng từ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”: 182 hộ gia đình chính sách người có công với tổng số tiền: 4.780 triệu đồng.
Từ thực hiện chương trình đã có nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở. Anh Lê Văn Sài, xóm Pác Coóng - Bài Siêng, xã Phong Châu (Trùng Khánh) chia sẻ: Trước đây gia đình tôi rất khó khăn, nhà dột nát, mỗi khi trời mưa trong nhà ướt hết, 2 vợ chồng bị mù, đều không nhìn thấy, sinh hoạt bình thường đã khó rồi nên không bao giờ dám mơ có được ngôi nhà đàng hoàng để ở. Khi xã, xóm thông tin được Nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng để làm nhà, hai vợ chồng vay mượn thêm bạn bè, anh em họ hàng tôi quyết định xây dựng nhà mới vững chắc hơn. Giờ có nhà mới gia đình tôi cố gắng làm việc để vươn lên thoát nghèo, chăm sóc con cái tốt hơn. Gia đình tôi rất cảm ơn Đảng, Nhà nước, cảm ơn các cấp chính quyền.
Vui mừng trong ngôi nhà mới, anh Ngô Văn Nó, dân tộc Mông ở xóm Lũng Tu, xã Thượng Thôn (Hà Quảng) hồ hởi cho biết: Đầu năm nay, được huyện, xã lựa chọn đưa vào danh sách hỗ trợ, gia đình rất phấn khởi. Từ đầu tháng 4/2022, gia đình khởi công xây dựng nhà, được sự giúp đỡ rất lớn về ngày công của cán bộ xã và bà con trong xóm, sau gần 2 tháng ngôi nhà được hoàn thiện. Chúng tôi rất biết ơn sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của Đảng, nhà nước.
Trong quá trình thực hiện đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo được triển khai, nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh như: giao lực lượng công an làm nòng cốt bám sát địa bàn, hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ dân; ngoài kinh phí hỗ trợ của chương trình, các huyện, thành phố đã vận động, huy động thêm kinh phí, nguyên vật liệu, ngày công lao động hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, già cả, neo đơn không nơi nương tựa; hướng dẫn, vận động các hộ gia đình xây dựng nhà ở kết hợp thực hiện “nhà tắm, tiêu hợp vệ sinh”, di dời gia súc ra khỏi sàn nhà...
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trùng Khánh Bế Trọng Hàm cho biết: Huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp, nâng cao nhận thức về chủ trương xóa đói giảm nghèo và cuộc vận động “ngày vì người nghèo” do Trung ương phát động trên các phương tiện thông tin đại chúng; thực hiện tốt chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; phát huy tinh thần tương thân tương ái trong hỗ trợ giải quyết nhà ở cho hộ nghèo; chú trọng huy động sự tham gia đóng góp trực tiếp ngày công lao động trong cộng đồng dân cư để nâng cao chất lượng căn nhà được hỗ trợ.
Uỷ ban MTTQ huyện và các tổ chức Hội, Đoàn thể tiếp tục tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, tổ chức kinh tế, các nhà hảo tâm, anh em dòng tộc hỗ trợ tiền, vật tư, ngày công giúp các hộ dân xây dựng nhà ở. Thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, vận động hỗ trợ nhân dân về đất ở theo quy định. Vận động người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập để từng bước tự xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát để ổn định cuộc sống lâu dài. Phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng 100% nhà ở hỗ trợ cho hộ nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn theo đề án của tỉnh trong năm 2023.
Với những kết quả đạt được trong thời gian vừa qua, có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện Chương trình hợp “ý Đảng lòng dân”, có sức lan tỏa sâu, rộng, đáp ứng được sự mong mỏi của nhân dân trong tỉnh từ nhiều năm qua. Với quyết tâm đến năm 2025 Cao Bằng phải xóa xong nhà tạm, nhà dột nát.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Triệu Đình Lê đề nghị tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh, sự phối hợp và tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, nhất là sự tham gia của lực lượng công an các cấp trong triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tăng cường công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng, việc triển khai thực hiện Chương trình. Đa dạng hóa các phương thức, hình thức, nội dung tuyên truyền, bảo đảm tuyên truyền kịp thời, đúng định hướng, đúng đối tượng để tiếp tục nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là ở cấp cơ sở, trong các tầng lớp nhân dân về cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả để nhân rộng; đồng thời để huy động được nhiều hơn nữa các nguồn lực hỗ trợ và làm thay đổi nhận thức, phát huy tốt hơn nữa vai trò chủ thể, sự chủ động nỗ lực cố gắng của chính các hộ gia đình được hỗ trợ.
Các ngành Xây dựng, Lao động- Thương binh và Xã hội và các ngành liên quan khác tiếp tục tham mưu cho Ban Chỉ đạo, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản cơ chế chính sách đặc thù để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình. Các huyện, các xã, trong toàn tỉnh chủ động nắm chắc tình hình các hộ nghèo có khó khăn về nhà ở, phân loại thứ tự ưu tiên để triển khai thực hiện. Lực lượng công an các cấp, nhất là cấp cơ sở thường xuyên nắm chắc địa bàn, hoàn cảnh gia đình từng hộ nghèo; chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp, đồng thời phát huy tốt vai trò nòng cốt, xung kích trong tuyên truyền vận động, trong giúp dân xóa nhà tạm, nhà dột nát trong thời gian tới, gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ giúp dân với giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.
Các cấp các ngành tích cực huy động đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện Chương trình, chú trọng lồng ghép nguồn lực thực hiện từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, đề án, dự án của Trung ương, của tỉnh và huy động các nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; vận động sự tham gia trực tiếp của lực lượng vũ trang, các đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, hộ gia đình được thụ hưởng; đồng thời, phải quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí huy động được. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện thường xuyên, liên tục; đảm bảo sự tham gia giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, người dân trong triển khai thực hiện; thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng để động viên kịp thời các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, mọi tầng lớp nhân dân trong thực hiện Chương trình.
Với một địa phương còn nhiều khó khăn như Cao Bằng, việc hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách đặc biệt khó khăn về nhà ở trên địa bàn toàn tỉnh được hỗ trợ, giúp đỡ làm mới và sửa chữa nhà ở cho thấy nỗ lực, quyết tâm rất cao của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư. Qua đó, đã góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của địa phương, nâng cao uy tín của cấp ủy, chính quyền các cấp, gia tăng niềm tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.