• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nói không với linh vật ngoại lai: Chuyên gia hiến kế

Văn hoá 16/10/2017 17:35

(Tổ Quốc) - Sau 3 năm triển khai thực hiện công văn 2662, đã có những chuyển biến tích cực trong việc làm lành mạnh hóa môi trường văn hóa, thẩm mỹ. Nhiều di tích đã kiên quyết nói không với linh vật ngoại lai.  Nhận thức của nhân dân đã nâng lên rõ rệt. Bản sắc văn hóa truyền thống được gìn giữ, phát huy.

Để tiếp tục triển khai công văn 2662 trong đời sống một cách hiệu quả, các nhà nghiên cứu cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông. Bởi trong thời gian gần đây, việc tuyên truyền này chưa mạnh mẽ.

Còn những tồn tại

Song song với những mặt đã đạt được, thì qua 3 năm triển khai công văn 2662 vẫn còn tồn tại những vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý nhà nước, tuyên truyền vận động cũng như nhận thức của người dân.

Với các di tích phải kiên quyết không nhận cung tiến là các linh vật ngoại lai (ảnh minh họa)

Theo đánh giá của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, hiện nay, vẫn còn một bộ phận người dân (có cả cán bộ làm công tác quản lý nhà nước) không biết, không phân biệt được tượng, hiện vật ngoại lai, nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm ngoại lai, các sản phẩm truyền thống của Việt Nam. Phần lớn nhân dân không biết việc cúng tiến tượng linh vật, đồ thờ vào di tích lịch sử văn hóa mà chưa được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước là vi phạm Luật Di sản văn hóa.

Thời gian qua, nhiều sách giới thiệu hoa văn trang trí, tượng… truyền thống của nước ngoài, đặc biệt của Trung Quốc được phát hành với giá thành rẻ. Nghệ nhân dễ dàng tiếp cận các ấn phẩm này, mua về và lấy mẫu sử dụng để chế tác các sản phẩm của mình. Từ đó sản phẩm mang yếu tố của nước ngoài được nhân bản và phát triển mạnh. Trong khi đó, ở nước ta việc xuất bản các sách giới thiệu về hoa văn, tượng, sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam còn thiếu.

Hiện nay cán bộ quản lý còn buông lỏng, ngại va chạm, ngại đụng chạm vấn đề tâm linh, chưa sâu sát với di tích và cộng đồng địa phương để tìm cách tháo gỡ, tuyên truyền vận động cũng như thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa theo tình thần của công văn 2662.

Trước những tồn tại này, nếu không tiếp tục thực hiện tinh thần của công văn 2662, việc linh vật ngoại lai tiếp tục tái xuất hiện, lấn át linh vật thuần Việt tại các khu di tích là hoàn toàn có thể xảy ra.

Cần chiến lược truyền thông

Vì vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng, cần có chiến lược truyền thống cho vấn đề này.

Sau khi đã hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện và tuyên truyền đến nhân dân, cần có những biện pháp hành chính để quản lý vấn đề này (ảnh Hồng Hà)

Nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn- Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhận định: “Bộ VHTTDL đã ban hành công văn 2662- một văn bản hợp lòng người. Khi nó ra đời, góp phần giữ bản sắc của dân tộc, giữ biểu tượng dân tộc. Nó không chỉ có ý nghĩa văn hóa mà còn có ý nghĩa chính trị, đó là khẳng định bản sắc dân tộc. Sau khi công văn ra đời, nhiều di tích đã làm tốt, nhiều nơi đã loại bỏ những linh vật ngoại lai, không phù hợp ra khỏi di tích. Điều hay hơn nữa là ý thức người dân đã nâng lên rõ rệt khi không còn tình trạng cung tiến linh vật ngoại lai vào di tích, và Ban quản lý các di tích cũng kiên quyết nói không với những linh vật ngoại lai, không phù hợp”.

Để làm tốt hơn nữa tinh thần của công văn 2662, theo ông Trần Hữu Sơn, cần tiếp tục tuyên truyền mạnh mẽ, thay đổi nhận thức trong cấp lãnh đạo ở các địa phương và nhân dân.

“Nhiều nơi đang làm sư tử đá do không am hiểu văn hóa dân tộc, thấy hình ảnh đó lại tưởng hay. Nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng này là vi phạm luật di sản, vi phạm di tích. Cần nâng cao quan trí và dân trí để không tái diễn. Với các di tích phải kiên quyết không nhận cung tiến là các linh vật ngoại lai”- ông Trần Hữu Sơn cho hay.

Cũng theo ông Sơn, để phát huy tinh thần công văn 2662, phải kết hợp nhiều biện pháp. Trong đó, phải kiện toàn văn bản quy phạm pháp luật, thậm chí đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định để có căn cứ yêu cầu các địa phương, các Ban quản lý các di tích phải thực hiện nghiêm. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc của các ban, ngành, người dân. Đặc biệt là tạo dư luận xã hội bằng các phương tiện thông tin đại chúng, bằng mạng xã hội để định hướng.

“Tuyên truyền việc không sử dụng linh vật ngoại lai phải có chiến lược truyền thông chứ không thể nói chung chung. Trước hết, thông tin đại chúng phải vào cuộc: Thế nào là ngoại lai để người dân, đặc biệt là giới trẻ hiểu. Ngoài ra, phải tuyên truyền đến từng tổ dân phố. Việc tuyên truyền cũng phải thay đổi hình thức. Không chỉ là mấy tờ rơi, nên mời những nhà khoa học chia sẻ những câu chuyện liên quan đến các linh vật”- nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn chia sẻ.

Ông Sơn cũng cho rằng, dần dần sau thời gian tuyên truyền, cũng phải sử dụng biện pháp hành chính vì trong quản lý xã hội, muốn hiệu quả không thể không áp dụng biện pháp hành chính.

Đồng quan điểm, GS Trần Lâm Biền cho rằng, công văn 2662 ra đời và triển khai trong 03 năm vừa qua tại các địa phương đã làm khá tốt. Tuy nhiên chưa triệt để, đây đó vẫn còn chưa loại bỏ được sư tử đá.

“Việc đưa linh vật ngoại lai, sư tử đá Trung Quốc vào các di tích là sự ngây ngô, không hiểu gì về linh vật, về văn hóa. Việc bê nguyên những con sư tử đá ngoại lai dập khuôn Trung Quốc vào các đền chùa, vốn là những nơi lưu giữ giá trị văn hóa, hồn cốt của dân tộc là điều không thể chấp nhận được, chẳng khác nào một sự xúc phạm, phủ nhận truyền thống”- GS Trần Lâm Biền nhận định.

GS Trần Lâm Biền cũng cho biết, Việt Nam có nhiều linh vật như: Lân, nghê, biểu hiện sức manh tâm linh. Còn sư tử đá là sức mạnh cơ bắp đầy sự đe nạt. Khi đưa linh vật của nước ngoài vào di tích của mình, không làm đẹp di tích hơn lại ít nhiều làm thay đổi tính chất của di tích. “Nếu như nhà mình, mình có đủ lực lượng để trông coi nhưng lại không trông coi, lại giao cho người ngoài. Thế thì mình có tin tưởng được không, hay là tiềm ẩn nguy cơ mở cửa cho người ngoài vào?”- GS Trần Lâm Biền lấy ví dụ.

Theo GS Trần Lâm Biền, chỉ cần hiểu việc này, thì mỗi người dân sẽ tự thấy việc đưa linh vật ngoại lai vào di tích là không hợp lý./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ