• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Norodom Sihanouk với tượng đài trong lòng dân

Thế giới 16/10/2012 08:35

(Toquoc)-Cùng với người dân Campuchia, nhân dân Việt Nam tiếc thương chia tay một người bạn lớn.

(Toquoc)-Cùng với người dân Campuchia, nhân dân Việt Nam tiếc thương chia tay một người bạn lớn.



Ngày 15/10, cựu Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk qua đời ở tuổi 89. Ngài dường như là nhân chứng lịch sử cuối cùng của một kỷ nguyên đặc trưng bởi chiến tranh loạn lạc đầy bi tráng. Norodom Sihanouk là nhân vật lịch sử mà tên tuổi từng đặt cạnh những người khổng lồ của thế kỷ 20 - Jawaharlal Nehru, Mao Trạch Đông, Sukarno, Hồ Chí Minh, Charles de Gaulle, Kim Nhật Thành…

Kể từ năm 1941, khi được đưa lên ngôi vua của Campuchia lúc này còn nằm trong xứ Đông Dương thuộc Pháp, Norodom Sihanouk đã đấu tranh không mệt mỏi để giành lại độc lập cho dân tộc Khơme. Ông kiên trì chèo lái con thuyền nhỏ Campuchia lần theo những luồn lạch an toàn giữa đại dương sóng to gió lớn của chính trị nước lớn.



Quốc vương Sihanouk được đón tiếp trọng thể khi trở lại hoàng cung ở Phnom Penh năm 2002

Ngài là một nhà yêu nước, một người Khơme theo chủ nghĩa dân tộc. Norodom Sihanouk là một nhà chính trị sắc sảo khéo léo giữ gìn độc lập của đất nước ông, tránh bị các nước lớn tranh giành, áp đặt sự lệ thuộc. Với tầm nhìn thời đại, ông đã đưa Campuchia hội nhập vào các trào lưu tiến bộ của nhân loại. Năm 1955, Norodom Sihanouk tích cực đóng góp vào việc xây dựng nên một tinh thần Băng Đung đoàn kết các dân tộc Á-Phi chống chủ nghĩa thực dân, bảo vệ hòa bình và độc lập dân tộc. Sáu năm sau, vào năm 1961, Norodom Sihanouk lại đưa Campuchia gia nhập Phong trào không liên kết, với hội nghị đầu tiên được tổ chức tại Belgrade. Trong chiến tranh lạnh và khi chính trị thế giới bị phân thành hai cực, Norodom Sihanouk nêu cao ngọn cờ trung lập, không liên kết. Những chủ trương thức thời của Norodom Sihanouk đã giữ cho Campuchia thành một ốc đảo hòa bình trong những năm 1960.

Cuộc chiến tranh đặc biệt của Mỹ tại miền Nam Việt Nam phát triển thành chiến tranh cục bộ trên cả hai miền Việt Nam đã đặt nền trung lập Campuchia trước thách thức nghiêm trọng. Tháng 3/1965, Quốc trưởng Norodom Sihanouk đã có sáng kiến triệu tập Hội nghị Nhân dân Đông Dương tại Phnom Penh. Trong bức điện ngày 6/3/1965 gửi tới Quốc trưởng Sihanouk nhân dịp Hội nghị kết thúc thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tôi rất cảm kích được biết Thái tử Norodom Sihanouk, Quốc trưởng Vương quốc Campuchia đã kịch liệt lên án đế quốc Mỹ về hành động khiêu khích mới và hết sức nghiêm trọng của chúng đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nhấn mạnh sự cần thiết đối với nhân dân các nước Đông Dương phải tăng cường đoàn kết hơn nữa trước nguy cơ mở rộng chiến tranh do đế quốc Mỹ gây nên. Quan điểm trên đây của Thái tử Quốc trưởng, mà Hội nghị nhân dân Đông Dương hoàn toàn tán thành, là một bằng chứng tỏ rõ ý chí thống nhất của nhân dân ba nước chúng ta là kiên quyết đấu tranh chống sự xâm lược của đế quốc Mỹ và ra sức bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ”.



Quốc vương Sihanouk và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội năm 1969

Norodom Sihanouk trở thành một người bạn của Việt Nam. Cuộc chiến tranh của Mỹ lan rộng ra khắp Đông Dương. Lực lượng vũ trang của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được Quốc trưởng Norodom Sihanouk cho sử dụng sườn phía đông của Campuchia và cảng Sihanouk Ville phục vụ công tác hậu cần. Đường bay Quảng Châu-Phnom Penh là nơi các nhà lãnh đạo của cuộc kháng chiến tại miền Nam Việt Nam vào nam ra  bắc và đi ra thế giới. Nhân dân Campuchia chia sẻ hy sinh cùng nhân dân Việt Nam khi Mỹ đưa máy bay sang ném bom rải thảm một số khu vực thuộc lãnh thổ Campuchia. Sau cuộc đảo chính của tướng Lon Nol tháng 3/1970, trong cuộc sống lưu vong lần thứ nhất, cựu Quốc trưởng tiếp tục chủ trì Hội nghị nhân dân Đông Dương đoàn kết chống Mỹ cho đến ngày ba nước giành được toàn thắng năm 1975.

Cuộc đời của Quốc vương Sihanouk trải qua nhiều thăng trầm, phản ánh lịch sử của đất nước Campuchia. Những năm sống lưu vong, ông từng kêu gọi đồng bào của ông ủng hộ và hợp tác với lực lượng kháng chiến Khơme Đỏ, nhưng đến ngày thắng lợi của Campuchia, ông trở thành tù nhân của chế độ Khơme Đỏ Pol Pot. Những cánh đồng chết chôn vùi 2 triệu người Campuchia trong đó có 5 người con và ít nhất 16 người cháu của ông. 

Dù trải qua nhiều hoàn cảnh éo le hay những khúc quanh lịch sử của đất nước và cuộc đời mình, với Việt Nam, Norodom Sihanouk xem trọng và đề cao quan hệ có trước có sau. Ông duy trì các liên hệ lâu dài với những người bạn Việt Nam - Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Hoàng Minh Giám... Vị Vua Cha của người Campuchia đã vĩnh biệt trần thế nhưng để lại cho đất nước ông một di sản quý về tình đoàn kết hữu nghị với nước láng giềng Việt Nam. Nhân dân Việt Nam thương tiếc chia tay một người bạn lớn mà những tình cảm tôn trọng nhau, đồng minh chiến đấu, đoàn kết tương trợ lẫn nhau đã được thử thách qua những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chông Mỹ cứu nước.

Trong hồi ức của mình “Từ cuộc chiến chống CIA đến người tù của Khơme Đỏ”, Norodom Sihanouk giành những lời nói tốt đẹp về Việt Nam và vị tướng huyền thoại của Việt Nam Võ Nguyên Giáp mà ông nhiều dịp tiếp xúc. Ông viết: “Tôi không muốn khen các bạn Việt Nam quá lời cũng như không muốn bày tỏ niềm hân hoan quá đáng khi được là bạn đồng minh chiến đấu của Việt Nam… Nhưng quả là các bạn Việt Nam đã lập nên những chiến công đáng kinh ngạc nhờ tinh thần dũng cảm và tận tụy. Và tướng Võ Nguyên Giáp là một thiên tài quân sự, một nhà chiến lược vĩ đại trong mọi thời đại, không còn phải bàn cãi gì nữa”.

Julio Jeldres, nhà viết tiểu sử chính cho cựu Quốc vương, có lần đã phát biểu về ông: “Sihanouk chính là Campuchia”. Nhưng có lẽ nên nói thêm rằng ông đại diện cho những giá trị vượt trội và ưu tú nhất của xứ sở Angkor.

Norodom Sihanouk là một người tài hoa, biết chơi saxophone, một nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ. Ông từng đứng đầu một ban nhạc jazz và tham gia một đội bóng đá hoàng gia. Ông từng làm 19 bộ phim trong đó ông đảm nhiệm hầu hết vai trò vừa đạo diễn, nhà sản xuất, biên kịch, âm nhạc, vừa là vai nam chính. Nhưng đóng góp lớn nhất của ông, vai trò xuyên suốt trong 71 năm hoạt động chính trị của mình, như lời của ông, đó là đã không mệt mỏi “bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và phẩm giá của quốc gia và dân tộc”.

Khi người đời nhắm mắt xuôi tay, mọi buồn vui, khổ đau, hạnh phúc và cả niềm đam mê, hẳn chẳng còn vương vấn. Nhưng điều mà một nhà chính trị - người trị quốc có thể để lại cho đời chính là tượng đài trong lòng dân. Norodom Sihanouk đã lưu lại một tượng đài trường tồn trong lòng người dân Campuchia!



 

TS Nguyễn Ngọc Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ