(Tổ Quốc) - "Tôi nghỉ lâu như thế chỉ để đi học vì thầy của tôi là ba Năm Châu và má Phùng Há ngày đó dạy tôi rất kỹ lưỡng" – NSND Bạch Tuyết nói.
Mới đây, NSND – tiến sĩ Bạch Tuyết đã có mặt tại buổi họp báo ra mắt chương trình Ngân nga Việt Nam. Tại đây, NSND Bạch Tuyết đã xúc động tâm sự về nghệ thuật cải lương dân tộc.
Theo nghề 60 năm, nghỉ 20 năm đi học
Tôi rất xúc động mỗi khi nghe thấy hai tiếng "cải lương". Tôi hoạt động trong nghệ thuật cải lương đến nay là 60 năm, nhưng có những khoảng thời gian nghỉ hát để đi học.
Thời gian tôi đi học mất khoảng 20 năm, như vậy tính thời gian hát trên sân khấu khoảng 40 năm. Tôi nghỉ lâu như thế chỉ để đi học vì thầy của tôi là ba Năm Châu và má Phùng Há ngày đó dạy tôi rất kỹ lưỡng. Hai người bảo tôi rằng:
"Con ơi, người ta gọi cải lương là nghệ thuật truyền thống nhưng như thế chưa đủ. Cải lương là sự tiếp nối truyền thống, tức là cải cách hát ca theo tiến bộ, lưu truyền tuồng tích sánh văn minh. Nói cách khác, cải lương là lưu truyền nghệ thuật truyền thống dân tộc một cách văn minh, cải cách.
Con phải học để hiểu, làm việc cho đàng hoàng, không có lỗi với tổ tiên".
Tôi đi học và biết rằng, cải lương của đất nước mình ra đời khi bị người Tây đô hộ. Trong quá trình đó, họ xây dựng ở nước mình nhiều nhà hát hiện đại, đưa các đoàn Opera tới biểu diễn.
Ông cha mình là những nhà bác học làm việc cho họ mới đau đáu vận nước, nghĩ làm sao để đưa chèo, tuồng, hát bội vào hát ở nhà hát Tây, lưu truyền văn hóa dân tộc sang cả Tây, thể hiện lòng yêu nước.
Trong quá trình đó, chèo chưa phát triển, hát bội từ Hán Việt nhiều quá, lớp thanh niên trẻ không hiểu được. Ông cha ta mới nghĩ ra cách lấy âm nhạc truyền thống kết hợp với Opera phương Tây để biểu diễn, từ đó sinh ra cải lương là loại hình nhạc kịch giống Opera nhưng lại hát theo lối truyền thống dân tộc.
Tôi phải đi thực địa khắp các nước Đông Nam Á
Tôi đi học nên cũng biết thêm, mỗi dân tộc đều có sân khấu ca kịch của riêng họ. Khi làm luận án tiến sĩ, tôi phải đi thực địa khắp các nước Đông Nam Á để biết ca kịch của họ như thế nào.
Họ cũng có ngũ âm và những nội dung chịu ảnh hưởng từ thế giới, kết hợp với tuồng tích truyền thống để làm nên sân khấu ca kịch.
Ông cha ta rất hay, cũng kết hợp các loại hình nội dung đó với tích lịch sử dân tộc để sáng tạo nên cải lương, mục đích chống ngoại xâm và bảo tồn văn hóa. Cải lương đã hoàn thành hai nhiệm vụ này của ông cha.
Thậm chí, cải lương còn theo sát hiện thực xã hội, hội nhập với các phong trào thời sự trên thế giới. Cải lương còn có những vở đối mặt trực tiếp với kẻ thù trên chiến trường.
Tôi đi khắp nơi học và thấy có điều hơi buồn là không nghe thấy âm nhạc Việt Nam trên máy bay, trong nhà hàng. Vì vậy, bây giờ tôi vui khi thấy cải lương trên một số kênh mạng xã hội, TikTok. Tôi cảm động vì bây giờ chúng ta đã có đường đi cho nghệ thuật dân tộc.
Cải lương, dân tộc, yêu nước, bảo vệ giữ gìn Tổ quốc chính là cái cốt lõi của nghệ thuật cải lương mà tôi muốn nhắc thế hệ trẻ ngày nay.