• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

NSND Hoàng Dũng: Chiêu trò phải lành mạnh

Giải trí 21/04/2016 08:33

(Tổ Quốc)- "Tôi nghĩ, chiêu trò trong nghệ thuật phải lành mạnh, hãy để cho khán giả đến xem và ngưỡng mộ, tôn trọng diễn viên"

(Tổ Quốc)- “Tôi nghĩ, chiêu trò trong nghệ thuật phải lành mạnh. Tuy nhiên, hãy để cho khán giả đến xem và ngưỡng mộ, tôn trọng diễn viên hơn là đến xem những gì đột biến ngoài nghệ thuật để nhằm câu khách”, NSND Hoàng Dũng chia sẻ.

Hơn 40 năm sống và gắn bó với sân khấu kịch nên NSND Hoàng Dũng thấu hiểu nỗi khổ, vất vả của diễn viên sân khấu hiện nay. Trước những chính sách tạo điều kiện cho nghệ sĩ mà Bộ VHTTDL ban hành trong thời gian qua, NSND Hoàng Dũng trong vai trò là Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội đã chia sẻ về tâm tư nguyện vọng của những nghệ sĩ, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ với những nỗ lực cải cách của Bộ.

Ngoài ra, NSND Hoàng Dũng hé lộ những vai diễn, bộ phim mới cùng lý do ông trở lại màn ảnh nhỏ. Vì đam mê, vì tiền hay còn lí do nào khác?



NSND Hoàng Dũng trong phim chiếu rạp "Vệ sĩ, tiểu thư và chàng khờ"", đóng cùng với Angenla Phương Trinh (ảnh: NSCC)

Nghề diễn và vai diễn không cố định

+ Nhiều năm gắn bó với nghệ thuật sau đó sang làm quản lí, ông thấy nghệ sĩ làm quản lí có gì khác so với những người bình thường khác?

- Tôi có thuận lợi hơn những người khác là từ khi ra trường tôi đã sống ở Nhà hát Kịch Hà Nội, đến nay được 40 năm. Bên cạnh đó, diễn viên trong Nhà hát rất yêu thương nhau và đoàn kết. Đây chính là cơ sở để làm nghệ thuật và quản lí được thuận lợi hơn.

Tôi chưa bao giờ xác định mình là Giám đốc để làm việc với anh em. Ngược lại, tôi luôn xem đây chính là gia đình, người thân của mình. Trong công việc quản lí, tôi có quan niệm, mình chỉ là người tập hợp các anh em. Làm việc trên cương vị người lớn tuổi, có kinh nghiệm cùng với cái tâm của mình nên tôi thấy mọi việc đơn giản.

Trong cuộc sống, tôi không màu mè, hình thức và thẳng tính. Tuy nhiên, cái thẳng đó không gay gắt. Ngoài ra, tôi quan niệm nghệ thuật là phải bộc lộ hết mình, cố gắng làm rõ cái tôi, cái riêng của mình. Còn cuộc sống, công việc thì cần biết dìm cái tôi của mình xuống để có sự hoà đồng, gắn kết.

+ Như ông chia sẻ: “Ai cũng có cái tôi, đặc biệt là nghệ sĩ. Nhưng hãy thể hiện cái tôi đó thật rõ nét trong nghệ thuật”, vậy nếu một nghệ sĩ có cái tôi quá lớn thì cũng là một trở ngại?

- Cái tôi ở đây là cái tôi trong nghệ thuật, đó là mình phải cố gắng, tìm tòi để cho vai diễn của mình sắc nét và rõ hơn, đó cũng là lúc những tích luỹ trong nghề được trổ ra hết. Mỗi một diễn viên đều có lối diễn riêng, từ đó để diễn viên trẻ học tập, phát huy hết sở trường, thế mạnh.

Nếu Nhà hát Ca Múa Nhạc có dàn múa mà càng đồng đều càng tốt thì Nhà hát Kịch cần màu sắc, gồ ghề, tính cách không giống nhau… đó mới là một xã hội.



Một cảnh trong phim "Người phán xử"- NSND Hoàng Dũng đóng vai ông trùm xã hội đen

+ Theo ông, sân khấu kịch của chúng ta có điều gì còn thiếu và có điều gì nên phát huy?

- Hiện nay, khán giả đang bội thực với các chương trình truyền hình đại chúng và những chương trình giải trí. Điều này khiến sân khấu kịch và nhiều loại hình sân khấu khác phải tìm hướng đi riêng. Cũng từng có thời kỳ rộ lên sân khấu xã hội hoá nhưng rồi lại bị bão hoà. Do đó, sân khấu cần được liên tục đổi mới, nhưng tôi nghĩ, khi mình chưa làm được điều đó thì hãy làm tốt những việc ta đang làm.

Nhà hát Kịch Hà Nội có truyền thống là diễn các vở chính kịch. Ngoài ra, còn có nhưng vở hài kịch và sắp tới đây chúng tôi sẽ diễn cả kịch dành cho thiếu nhi. Nhưng các vở diễn đó chỉ là điểm xuyết cho mục kịch của nhà hát được phong phú.

Diễn viên trong nhà hát như NSND Trung Hiếu, NSND Minh Hoà và NSƯT Công Lý… họ đều diễn được bi lẫn hài rất giỏi và được khán giả yêu mến. Đã là diễn viên thì phải diễn được nhiều dạng vai khác nhau và phải dày dặn kinh nghiệm, lối diễn phong phú. Từ đó, cho khán giả lựa chọn.

Phần lớn, khán giả đến xem kịch của Nhà hát Kịch Hà Nội đều động viên và khen. Nhưng giữa cái họ thích, khen sau khi xem xong đến việc họ bỏ tiền ra mua vé xem một vở diễn lại hoàn toàn khác. Khán giả bây giờ trình độ thưởng thức cao hơn nên họ sẽ đi tìm nhiều “món ăn”. Nhưng sân khấu vẫn nên tìm đến cái gốc và chúng tôi đang duy trì cái gốc của sân khấu kịch.

+ Theo đánh giá của ông thì hiện nay khán giả đang bội thực với các phương tiện thông tin đại chúng. Vậy theo ông sân khấu có cần 'chiêu trò' để hút khách?

- Tôi nghĩ, chiêu trò trong nghệ thuật phải lành mạnh. Tuy nhiên, hãy để cho khán giả đến xem và ngưỡng mộ, tôn trọng diễn viên hơn là đến xem những gì đột biến ngoài nghệ thuật để nhằm câu khách.

+ Ông có nhận xét gì về thế hệ diễn viên sân khấu hiện này?

- Hiện nay, thế hệ trẻ khác với lứa của chúng tôi. Thời chúng tôi ít sự lựa chọn và chỉ tập trung cho sân khấu kịch, mãi về sau mới có phim truyền hình. Điều kiện để chúng tôi bộc lộ, thể hiện mình khó khăn hơn nên khi có được cơ hội rất trân trọng.

Còn các bạn trẻ bây giờ có cơ hội để thể hiện và được khán giả biết đến nhiều hơn.

Theo tôi, nghề diễn và vai diễn không bao giờ cố định nên phải biết trau dồi thì mới có được nhiều thứ. Tuy nhiên, một vài bạn trẻ hiện nay chỉ cần có một vài bộ phim và được khán giả biết đến là bằng lòng, ngộ nhận thành công, như vậy mọi chuyện sẽ khác.

Mừng với chính sách của Bộ VHTTDL dành đến nghệ sĩ

+ Trong vai trò Giám đốc của Nhà hát Kịch, ông đánh giá như thế nào về những “hành lang” mà ngành văn hóa đã mở ra cho giới nghệ sĩ trong thời gian qua?

- Đây là một tín hiệu vui và đáng mừng. Tuy nhiên, với đời sống diễn viên, để họ chuyên tâm, sống với nghề, bám lấy sân khấu thì vẫn còn nhiều điều phải bàn.

Ưu đãi của nhà nước so với sự tăng vọt của giá cả thị trường chưa cao. Tuy nhiên, khi ta biết thu xếp thì cuộc sống vẫn ổn.

+ Trước thực tế đáng buồn về sân khấu, ông có mong mỏi gì đối với sân khấu kịch hiện nay?

- Thực sự tôi không biết hiện nay khán giả thích gì, nên chúng tôi chỉ cố gắng hết diễn hết mình trên sân khấu, cống hiến, cháy hết mình cho nghệ thuật.

+ Quá lâu mới thấy ông trở lại phim truyền hình, vậy lí do nào khiến ông nhận lời? Ông có thể hé lộ vai diễn mới của mình

- Có nhiều vai diễn hay nhưng tôi không có thời gian để tham gia như “Tam giác vàng” hay “Ánh sáng trước mắt”... Bên cạnh đó, nhiều kịch bản chưa thực sự ưng ý.

Mới đây, tôi có tham gia hai dự án, trong đó có phim truyền hình dài 50 tập, mua bản quyền của nước ngoài tên phim là “Người phán xử”. Tôi thấy, đây là một trong số ít những bộ phim có được cả nội dung lẫn nhân vật đều hấp dẫn.

Bên cạnh đó, phim chiếu rạp “Vệ sĩ, tiểu thư và chàng khờ” là phim hài, hành động. Tuy nhiên, trong phim có một mảng dành riêng cho mình là một vai tâm lí, ngoài ra có nhiều diễn viên, ca sĩ nổi tiếng tham gia như: Angel Phương Trinh, Hồng Vân, Bằng Kiều...

+ Có tin đồn ông là người kén và khó tính trong việc lựa chọn tác phẩm. Ông nghĩ sao về tin đồn này?

- Tôi không đi đóng phim truyền hình để kiếm sống nên khi lựa chọn vai diễn truyền hình là tôi đi chọn vai diễn để mình nghiên cứu, bộc lộ được khả năng diễn xuất.

Bên cạnh đó, việc xuất hiện nhiều cũng khiến khán giả sẽ chán. Do vậy, tôi phải lựa chọn kịch bản, nhân vật mình đóng để cho khán giả có cái để xem.

Với tôi, sự lựa chọn cũng là cái gương cho các bạn trong nhà hát noi theo./.

+ Xin chân thành cám ơn NSND Hoàng Dũng!

Ngọc Hà Lê (thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ