Khi nhìn thấy bức ảnh chân dung của cố NSƯT Văn Hiệp, người mà Tự Long gọi thân thương là “bố Hiệp”, anh ngồi trầm ngâm rồi bật khóc. Còn NSND Lan Hương không sao quên được kí ức “Bố Hiệp nằm trên giường bệnh vẫn nghĩ về công việc”.
Trong chương trình Ký ức vui vẻ do nhà báo Lại Văn Sâm dẫn dắt, NSND Lan Hương, NSND Tự Long đã có những giây phút sâu lắng khi nhớ lại những ký ức về cố NSƯT Văn Hiệp.
NSND Lan Hương từng nhiều năm công tác chung với NSƯT Văn Hiệp ở Nhà hát kịch Việt Nam. Nhìn lại những bức hình của nghệ sĩ quá cố, NSND Lan Hương bùi ngùi chia sẻ: "Chú Hiệp là một trong những nghệ sĩ thuộc "thế hệ vàng" của Nhà hát kịch Việt Nam. Chú Hiệp và chú Trần Tiến là một cặp diễn "Nghêu sò ốc hến" rất tuyệt vời. Chú gắn bó với Lan Hương suốt cả cuộc đời trước khi ra đi".
NSND Lan Hương bùi ngùi xúc động khi nhớ lại những kí ức về cố NSƯT Văn Hiệp - người nghệ sĩ được đồng nghiệp và khán giả vô cùng yêu mến.
Nghệ sĩ xúc động nhớ lại: "Vào một buổi sáng, tôi nhận được một cuộc điện thoại gọi tới báo rằng có người nhà đang ở bệnh viện Thanh Nhàn. Khi vào tôi mới biết đó là bố Hiệp.
Buổi sáng hôm đó, bố đi thu ở đài bằng xe máy. Tuy nhiên vì sáng chưa kịp ăn nên bố bị tụt huyết áp và ngã xuống khi xe còn đang chạy. Lúc đó, bố gãy chân và không còn biết gì cả".
"Đến đêm khuya, bác sĩ đánh thức được bố tỉnh dậy, tìm ra số điện thoại và gọi cho Lan Hương nói rằng: "Sáng mai cháu đến đài thu đi nhé". Lúc nằm viện, bố vẫn nghĩ đến công việc, không thể để nhỡ, đó là đạo đức nghề nghiệp của người làm nghề".
Khi tôi vào thăm, bố đang bó bột chân, vẫn hỏi: "Cháu đã đến đài thu chưa", NSND Lan Hương rưng rưng kể.
Khi nhìn thấy bức ảnh chân dung của nghệ sĩ Văn Hiệp, nghệ sĩ Tự Long ngồi trầm ngâm rồi bật khóc. Tự Long kể anh và các nghệ sĩ miền Bắc thường gọi Văn Hiệp là "bố Hiệp".
"Ngoài Bắc nghệ sĩ không có nhiều như nghệ sĩ miền Nam nên sống quây quần lắm. Bố Hiệp sống mộc mạc, giản dị, chân thành, ra đi cũng tự nguyện. Gánh hài miền Bắc đến thăm, khuyên bố vào viện nhưng bố gạt đi: "Tớ vào mãi rồi, vào nữa thì khổ các con lắm. Thôi, cứ để tớ ở nhà. 3 hôm sau thì bố ra đi", Tự Long nghẹn ngào xúc động.
"Đây là một con người hết lòng vì nghệ thuật, ai gọi gì cũng làm, nửa đêm về sáng cũng đi, tiền bạc cũng không trở thành vấn đề quan trọng nữa. Khi nhắc đến ông trưởng thôn Văn Hiệp, không chỉ riêng Tự Long mà nghệ sĩ miền Bắc nào cũng rất yêu mến", Tự Long chia sẻ.
NSƯT Văn Hiệp qua đời vào năm 2013 ở tuổi 71. Nhiều năm liền, ông bị suy thận, tràn dịch màng phổi...
Nghệ sĩ Văn Hiệp tên đầy đủ là Nguyễn Văn Hiệp, sinh năm 1942. Ông quen thuộc với khán giả các vai diễn trưởng thôn trong các bộ phim truyền hình cũng như sân khấu kịch ở Hà Nội.
Sau khi tốt nghiệp khóa đầu tiên Trường Sân khấu - Kịch nói, ông được nhận về công tác tại Nhà hát kịch Việt Nam. Là người hạn chế về chiều cao nên vai diễn đầu tiên của nghệ sĩ Văn Hiệp là chú bé con trong phim Vợ chồng A Phủ.
Trong sự nghiệp diễn viên 40 năm của mình, ông tham gia tới 1.000 tác phẩm kịch, phim truyện. Đặc biệt, từ khi có chương trình truyền hình Gặp nhau cuối tuần, nghệ sĩ Văn Hiệp trở thành gương mặt quen thuộc và dễ mến với khán giả qua vai diễn nổi tiếng ông trưởng thôn.
"Bác trưởng thôn" Văn Hiệp còn được khán giả yêu mến gọi là "ông đơn giản, gọn nhẹ".
Trong mắt mọi người ông là một người có lối sống giản dị, chừng mực và rất hòa đồng với những người xung quanh. Đặc biệt, mỗi khi chuyện trò, bao giờ ông cũng thêm những câu nói hài hước khiến người đối diện có thể cười nghiêng ngả. Và ở đâu, ông cũng gắn bó với cây điếu cày như một người bạn.