• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

NSND Thanh Huyền: Bậc thầy quan họ với tiếng hát vàng ròng, kỹ thuật điêu luyện

Giải trí 22/06/2023 15:56

(Tổ Quốc) - Qua tiếng hát vàng ròng của NSND Thanh Huyền, quan họ ngày càng thăng hoa hơn, trở thành một dòng nhạc "level" cao, với những kỹ thuật khó.

Quan họ là một di sản văn hóa, âm nhạc của người Việt. Dòng nhạc dân ca Bắc Bộ dung dị, mộc mạc này đã tồn tại lâu đời qua tiếng hát của nhiều nghệ nhân, ca sĩ. Và qua tiếng hát vàng ròng của NSND Thanh Huyền, quan họ ngày càng thăng hoa hơn, trở thành một dòng nhạc "level" cao, với những kỹ thuật khó.

Tiếng hát vàng ròng của dân ca quan họ Bắc Bộ

NSND Thanh Huyền không thuộc loại giọng hiếm. Chất giọng light lirico soprano thuần kim của bà phổ biến ở hầu khắp giọng nữ tại Việt Nam. Nhưng bà lại sở hữu âm sắc giọng đẹp và vang bẩm sinh, nên nghe rất lộng lẫy, hấp dẫn, xứng danh tiếng hát vàng ròng, vài chục năm mới xuất hiện một lần.

Chất giọng này giúp NSND Thanh Huyền đạt tới đủ 4 yếu tố của dân ca quan họ là vang, rền, nền, nảy. Bà hát to thì vang lộng khắp bốn phương, hát nhỏ lại mềm mại, êm ái và ngọt như tiếng ru hời.

Ông nội NSND Thanh Huyền là một nhà nho, thường xuyên mời các đoàn hát văn đến hát vào mùng 1 và các ngày giỗ. Bởi vậy, từ khi còn bé, Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng bởi những điệu hát văn dân tộc và sớm bộc lộ năng khiếu thiên phú, hát văn như người lớn. Hồn của những điệu hát văn đã theo suốt cuộc đời, ảnh hưởng trực tiếp tới lối hát của bà, luôn mang âm hưởng dân ca quan họ.

NSND Thanh Huyền: Bậc thầy quan họ với tiếng hát vàng ròng, kỹ thuật điêu luyện - Ảnh 1.

Ở độ tuổi thiếu niên, NSND Thanh Huyền đã nắm vững được các kĩ thuật hát của những làn điệu dân ca cổ truyền. Trong đó, có nhiều kĩ thuật khó như đổ hột, luyến láy, ngâm. Toàn bộ các kĩ thuật này đều là bà tự học và tự cảm nhận bằng khả năng cảm nhạc của mình.

Sau vài năm học tại Nhạc viện, NSND Thanh Huyền nhanh chóng tiếp thu được các kĩ thuật thanh nhạc cổ điển Tây phương như cộng minh, legato, sử dụng vị trí âm thanh, head voice…

Bằng cảm nhận tinh tế và tư duy âm nhạc vượt trội của mình, NSND Thanh Huyền đã là một trong những người đầu tiên kết hợp nhuần nhuyễn giữa lối hát cổ truyền dân tộc (hát khép tiếng) với lối hát Tây phương (hát mở tiếng).

Từ đó, bà áp dụng vào ca hát để tạo nên một luồng gió mới cho dân ca quan họ Việt Nam, thể hiện quan họ trong tinh thần đầy mới mẻ, sáng tạo nhưng không xa rời truyền thống. Nói cách khác, kể từ khi NSND Thanh Huyền xuất hiện, quan họ Việt Nam đã được khoác một lớp áo mới, vẫn đậm hồn dân tộc nhưng lại đầy tính học thuật, cao cấp và sang trọng, tiệm cận thế giới hơn cả.

Lối hát này ảnh hưởng tới hầu khắp các thế hệ ca sĩ hát dân ca sau này và tác động mạnh tới dòng nhạc quan họ Việt Nam. Không những vậy, NSND Thanh Huyền còn đem lối hát dân ca quan họ vào thể hiện những ca khúc Cách mạng, thổi điệu hồn dân tộc vào nhạc Cách mạng. Từ đó, bà đưa nhạc Cách mạng trở nên thân thương, gần gũi với quần chúng và da diết, xúc cảm hơn.

NSND Thanh Huyền: Bậc thầy quan họ với tiếng hát vàng ròng, kỹ thuật điêu luyện - Ảnh 2.

Các kỹ thuật hát quan họ điêu luyện, sáng tạo

Cữ âm của NSND Thanh Huyền khi hát quan họ rất cao. Bà có thể hát treo liên tục cả bài ở mixed voice C5, D5, E5 một cách nhẹ nhàng, thoải mái. Xuống tới E4 đã là khá thấp với bà. Tuy nhiên, nhờ kĩ thuật điêu luyện, NSND Thanh Huyền vẫn support được xuống tới G3 (lúc về già) và A3 (lúc trẻ).

Không giống nhiều ca sĩ trẻ ngày nay, NSND Thanh Huyền chỉ hát quan họ trong quãng đẹp và được kiểm soát tốt nhất, nên dù quãng giọng của bà không rộng nhưng quãng support lại khá rộng.

Ít có ca sĩ nào hiện nay có thể support mixed voice đẹp lộng lẫy tới tận E5 và xuống tới G3 như Thanh Huyền. NSND Thanh Huyền có cách mixed voice cực kì thư giãn, support, thoải mái nhờ cộng hưởng theo lối head dominant (lối mixed của nhiều diva da màu như Aretha Franklin). Và bà sử dụng cả những mixed voice thượng thừa đó vào quan họ.

Kĩ thuật này tạo âm thanh vang, sáng, tỏa lồng lộng như tiếng chuông khánh nhưng không tạo cảm giác phóng mạnh ra mà nén được lại, âm lượng không đổi, không bị đẩy lên to quá, thể hiện sự kiểm soát âm lượng rất tốt.

Nhờ đó, NSND Thanh Huyền có thể giữ lên tận D5, Eb5, E5 kéo dài vang rền, với tần số rung đẹp, âm lượng vừa phải, nên dù rất cao nhưng nghe vẫn dễ chịu. Bà hát được âm đóng /i/ ở C5. Riêng ở Eb5, bà thắt chặt lại, đẩy lên đỉnh đầu, mà vẫn rền.

NSND Thanh Huyền: Bậc thầy quan họ với tiếng hát vàng ròng, kỹ thuật điêu luyện - Ảnh 3.

Không chỉ full mixed, light mixed của NSND Thanh Huyền cũng rất tốt, giúp bà phát huy được sự ngọt ngào, nữ tính trong giọng hát, để hát thật nhẹ nhàng, bay bổng như khói sương.

Nhờ tiếp thu kĩ thuật thanh nhạc phương Tây, NSND Thanh Huyền dùng head voice khá tốt. Trong một đoạn nhả chữ, bà có thể đẩy head voice vút lên F5, F#5, G5 nhanh nhẹn, linh hoạt. Ở G5, head voice của bà thay đổi nhiều sắc thái, lúc căng tràn đầy đặn, lúc lại nhỏ li ti. Trong một bài quan họ, NSND Thanh Huyền đã dùng head voice phiêu tới G5 căng tràn nhưng vẫn đầy ngọt ngào. Cách áp dụng head voice vào quan họ là một đóng góp lớn của NSND Thanh Huyền.

Đặc trưng kĩ thuật nổi bật của NSND Thanh Huyền khi hát quan họ là độ "nảy" trong giọng hát. Bà có cách ngân rung rất nảy, trên tần số nhanh. Kĩ thuật này khá khó, đòi hỏi một cột hơi vững, support âm thanh tuyệt đối và cân bằng thanh quản.

NSND Thanh Huyền thường hát nảy trên C5, C#5, D5 mixed voice nhẹ nhàng rồi luyến ngọt ngào head voice trên Eb5, Eb5(cũng rất nảy). Kể cả lúc hạ xuống E4, bà vẫn rung nảy.

NSND Thanh Huyền: Bậc thầy quan họ với tiếng hát vàng ròng, kỹ thuật điêu luyện - Ảnh 4.

Điều tạo nên nét độc đáo trong giọng hát Thanh Huyền là dù tiếp thu được kĩ thuật cộng minh, sử dụng vị trí âm thanh của phương Tây, nhưng bà vẫn hát rất đậm hồn dân tộc.

NSND Thanh Huyền thường hát khép tiếng và dùng bạch thanh, hiếm khi cộng minh dựng tiếng. Đây là sự tinh tế trong tư duy xử lí của bà Nhờ đó, bà có thể hát vang, rền mà vẫn giữ được chất giản dị, mộc mạc của dân ca quan họ.

Đây là điều mà ít ca sĩ dân ca nào ngày này giữ được. Nhiều ca sĩ dân ca danh tiếng hiện nay lạm dụng kĩ thuật Tây phương nên hát dân ca rất nhạt, trôi tuột mất cảm xúc.

Long Phạm

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ