(Tổ Quốc) - Dù không cần tập nhiều nhưng NSND Út Trà Ôn ca vẫn chỉn chu, sắp đặt câu chữ đâu ra đó, chuẩn mực. Đó là tài năng bẩm sinh của ông.
NSND Út Trà Ôn tên thật là Nguyễn Thành Út, sinh năm 1919 tại Vĩnh Long, trong một gia đình bình dân nhưng từ nhỏ đã đam mê ca hát, đặc biệt là cải lương. Được biết, làng Đông Hậu quê ông ngày đó cũng là vùng đất nổi tiếng với nghệ thuật cải lương nên từ sớm, nam nghệ sĩ đã được theo học cải lương.
Năm 1937, Út Trà Ôn được người quen giới thiệu với Đài phát thanh Sài Gòn và bắt đầu thu âm. Giọng ca truyền cảm, ấm áp, chân thành, đậm chất miền Tây Nam Bộ của ông ngay lập tức đã nhanh chóng được đông đảo khán giả yêu thích.
Với niềm đam mê nghệ thuật và khả năng ca diễn xuất sắc, Út Trà Ôn thường xuyên góp tiếng hát cho Đài phát thanh, thu âm cho các hãng băng đĩa.
Suốt thời tuổi trẻ, Út Trà Ôn đi hát cho nhiều gánh hát tại khắp miền Nam, vào đủ từ kép phụ tới kép chính. Sau khi góp đủ kinh nghiệm, vốn liếng, ông lập ra gánh hát của tiêng mình, quy tụ đông đảo nghệ sĩ danh tiếng.
Tại gánh hát của mình, NSND Út Trà Ôn đã nuôi dưỡng, đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ tài danh sau này. Ông được coi như người thầy của các người thầy.
Tới năm 1997, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và Huy chương Vì sự nghiệp sân khấu vì những đóng góp của ông cho nghệ thuật cải lương.
Năng lực đặc biệt, không cần tập tuồng trước khi lên sân khấu
Nghệ sĩ Diệu Hiền coi NSND Út Trà Ôn là sư phụ. Từ nhỏ, khi mới chập chững biết hát vọng cổ, bà đã mê làn hơi của NSND Út Trà Ôn và nghệ sĩ Minh Trí. Theo bà, NSND Út Trà Ôn sở hữu giọng ca tuyệt vời, ai cũng mê.
Cụ thể, giọng ca của NSND Út Trà Ôn rất đặc biệt, ca đoạn giữa câu vọng cổ rất dài. Diệu Hiền học chính cách ca đó rồi rút ngắn lại, làm thành cách ca của riêng mình. Ai nghe Út Trà Ôn kỹ sẽ thấy được tiếng thở dài trong từng câu ca, dù câu ca chỉ có vài chữ nhưng vẫn rất dài. Điều này khiến nhiều người rất thích và mê nghe Út Trà Ôn.
Được biết, NSND Út Trà Ôn là sư phụ, người thầy đào tạo và trao cơ hội biểu diễn cho rất nhiều nghệ sĩ danh tiếng như Bạch Tuyết, Hồng Nga, Kim Ngọc, Diệu Hiền...
Diệu Hiền kể lại, nghệ sĩ Út Hậu chồng bà cũng là đệ tử của Út Trà Ôn. Khi bà rời khỏi đoàn Hoa Sen, anh hai và mẹ đem bà tới gửi gắm cho NSND Út Trà Ôn.
NSND Út Trà Ôn sinh thời nổi tiếng khó tính và chỉn chu. Trong tủ của ông đặt thứ gì là phải đủ thứ ấy, đủ 5 cái kẹp, 5 cái kim tay, 5 cái ghim, mất một món là không được.
Nhưng NSND Út Trà Ôn cũng là người rất tốt. Khi Diệu Hiền về đoàn của ông, ông biết bà không được học nhiều nên cũng nói: "Con à, hồi đó mình không có điều kiện học. Giờ có điều kiện rồi, để chú mướn cô giáo về dạy thêm cho con.
Con phải ráng chịu khó học, tích lũy kiến thức mới nghiên cứu được tuồng, chứ học ít quá thì đâu nghiên cứu được. Con học đi rồi chú cũng phải học cùng nữa".
Nói rồi, NSND Út Trà Ông huê cô giáo về dạy cho Diệu Hiền rồi cũng học cùng học trò luôn. Dù rất nổi tiếng và đứng đầu một đoàn cải lương lớn, nhưng NSND Út Trà Ôn vẫn rất ham học.
Nhiều người nói NSND Út Trà Ôn không biết chữ, nhưng sự thật là ông có biết chữ. Chỉ là cố nghệ sĩ không thích tự cầm vở tuồng lên đọc mà muốn có người khác đọc cho ông nghe rồi ông mới nhép miệng theo.
Đó cũng là cái tài của ông, không cần phải tập trước bài mỗi khi ra diễn. Trước khi ra sân khấu, ông chỉ cầm tập tuồng lên lướt một mạch rồi ra ca. Vậy mà khán giả bên dưới nghe phải trầm trồ, giống như ông đã tập đi tập lại kỹ càng.
Dù không cần tập nhiều nhưng NSND Út Trà Ôn ca vẫn chỉn chu, sắp đặt câu chữ đâu ra đó, chuẩn mực. Đó là tài năng bẩm sinh của ông.