(Tổ Quốc) - Công Ninh là người thầy của nhiều thế hệ diễn viên nổi tiếng như Ngọc Tưởng, Thanh Thúy, Ngọc Trinh, Lê Khánh, Hòa Hiệp, Tiết Cương, Lê Dương Bảo Lâm, Nam Thư, Trường Giang...
Chặng đường nghệ thuật và giảng dạy, người thầy của nhiều thế hệ
NSƯT Công Ninh sinh năm 1962, được biết đến là một diễn viên nổi tiếng trong thập niên 80, 90. Anh là gương mặt quen thuộc xuất hiện trong nhiều dự án phim ảnh Việt, được khán giả yêu mến với lối diễn chân chất, hiền lành trên màn ảnh nhỏ lẫn màn ảnh lớn.
Công Ninh sinh ra trong một gia đình nghèo khó nhưng lại có máu nghệ thuật từ nhỏ. Anh từng phải nghỉ học từ năm 13 tuổi để đi buôn bán phụ giúp gia đình, từ trà đá cho đến bánh cam, khoai mì. Nhưng một năm sau, anh xin gia đình đi học lại và từ đó khá suôn sẻ.
Năm 18 tuổi, Công Ninh thi vào Trường Nghệ thuật Sân khấu II để theo đuổi đam mê. Trong buổi thi năng khiếu, vì không chuẩn bị tiểu phẩm nên Công Ninh được giám khảo cho trước 1 tiểu phẩm để diễn.
Theo đó, Công Ninh phải vào vai cậu bé đi chợ mua thuốc và khi về đến nhà, mẹ đã chết. Anh diễn bằng tất cả bản năng để lột tả nỗi đau đớn. Nhưng anh càng khóc, bên dưới càng cười. Công Ninh cứ nghĩ mình diễn tệ quá, không thể đỗ được, nhưng hóa ra lại đạt á khoa năm đó. Vì biết bản thân nghèo khó nên Công Ninh luôn nỗ lực hết mình trong quá trình học tập.
Sau 4 năm học, Công Ninh tốt nghiệp loại xuất sắc. Thành tích này giúp anh giành được một trong hai suất học bổng du học. Năm 1984, anh lên đường sang Liên Xô, theo học khoa Đạo diễn sân khấu tại Đại học Sân khấu – Điện ảnh Leningrad (nay là Sankt-Peterburg) và lấy được bằng thạc sĩ sau 5 năm miệt mài.
Năm 1990, Công Ninh trở về Việt Nam với tấm bằng thạc sĩ nghệ thuật. Anh bắt tay vào dựng 2 bài thi tốt nghiệp là Elena thân yêu và Gã giang hồ quốc tế. Cả hai vở đều được các thầy cô cũng như giới chuyên môn đánh giá cao, nhưng anh vẫn trong tình trạng thất nghiệp.
Một thời gian sau, Công Ninh được phân công về làm giảng viên tại Trường Nghệ thuật Sân khấu II. Ở cương vị nhà giáo, anh dồn hết tâm huyết vào công tác giảng dạy.
Công Ninh là người thầy của nhiều thế hệ diễn viên nổi tiếng như Ngọc Tưởng, Thanh Thúy, Ngọc Trinh, Lê Khánh, Hòa Hiệp, Tiết Cương, Lê Dương Bảo Lâm, Nam Thư, Trường Giang... hay đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Quang Dũng, Nhật Trung (Trung Lùn).
Năm 1994, khi câu lạc bộ thể nghiệm sân khấu 5B Võ Văn Tần tìm đạo diễn dựng vở Dạ cổ hoài lang, Công Ninh may mắn được lựa chọn và bắt tay dàn dựng. Vở kịch quy tụ dàn diễn viên sáng giá nhất của làng kịch nói miền Nam thời đó như Thành Lộc, Việt Anh, Hồng Vân và Quốc Thảo. Tất cả cùng đóng góp dàn dựng để tạo nên một tác phẩm nổi tiếng để đời.
Nhờ đó, vào năm 1995, Dạ cổ hoài lang giành huy chương vàng tại Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và Công Ninh đoạt giải Đạo diễn xuất sắc.
Tới năm 1996, Công Ninh được đạo diễn Lê Hoàng mời vào vai lính giải phóng Tấn trong phim Ai xuôi vạn lý. Bộ phim này giúp ông đoạt giải Nam diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12. Đây là một dấu mốc trong sự nghiệp diễn xuất của Công Ninh ngoài giảng dạy, đạo diễn.
Trong suốt sự nghiệp của mình, Công Ninh đã dựng trên 50 vở kịch sân khấu, truyền hình, đóng nhiều tác phẩm điện ảnh và giành một số giải thưởng.
Hiện tại, NSƯT Công Ninh là Chủ nhiệm khoa Đạo diễn của Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM.
Cuộc sống hạnh phúc dù kết hôn muộn màng
Tuy nổi tiếng và thành công trong sự nghiệp, vây quanh là các bóng hồng, nhưng nghệ sĩ Công Ninh lại kết hôn khá muộn, với người vợ không hề nổi tiếng hay nổi bật về nhan sắc.
Tới tận năm 2012, khi đã 50 tuổi, anh mới cưới diễn viên lồng tiếng Trần Thị Tuyết Vân, kém mình tới 21 tuổi.
Mối tình giữa nghệ sĩ Công Ninh và vợ diễn ra rất tình cờ, khi cô Tuyết Vân là học trò của một đồng nghiệp trong trường Sân khấu.
Cả hai gặp nhau lần đầu tại trường Sân khấu, trong một lần Tuyết Vân tới chào hỏi. Và nghệ sĩ Công Ninh đã cảm nắng cô học trò ngay lập tức, cảm thấy ấn tượng, nhớ nhung. Ngay sau đó, anh tìm nhiều cơ hội để tiếp cận, làm quen Tuyết Vân.
Thời điểm đó, Công Ninh đã là một diễn viên nổi tiếng, còn Tuyết Vân lại chỉ là sinh viên ít hơn nhiều tuổi. Vì vậy, ban đầu Tuyết Vân khá e ngại và giữ khoảng cách.
Tuy nhiên, trong quá trình tiếp xúc, Tuyết Vân thấy Công Ninh cũng có những tâm sự, ưu tư, vụng về như một người bình thường, chứ không hề chảnh chọe, nên cô dần mở lòng.
Sau khi kết hôn, vợ chồng nghệ sĩ Công Ninh sinh một con gái xinh xắn. Tuyết Vân là diễn viên lồng tiếng, nhưng công việc có nhiều thay đổi nên thu nhập không cao. Toàn bộ kinh tế, chi tiêu trong gia đình đều do nghệ sĩ Công Ninh gánh vác.
Áp lực cuộc sống, công việc, miếng cơm manh áo khiến nghệ sĩ Công Ninh phải vùi đầu vào lịch quay, lịch dạy, không còn nhiều thời gian ở bên chăm sóc vợ con.
Thậm chí, trong lúc vợ sinh nở, anh cũng vướng lịch quay mà không thể về kịp, tới tận khuya muộn mới vào tới bệnh viện. Công việc nhà, nuôi dạy con cái cũng đều do Tuyết Vân lo toàn. Bản thân nghệ sĩ Công Ninh cũng luôn mong muốn kết thúc công việc thật sớm để mong về nhà đoàn tụ với vợ con.
Ngoài những áp lực kinh tế, vợ chồng nghệ sĩ Công Ninh còn gặp nhiều khoảng cách về tuổi tác, dẫn tới những khác biệt trong cách nuôi dạy con, đời sống gia đình và nảy sinh mâu thuẫn.
Vì thế, mỗi khi bất đồng quan điểm, hai vợ chồng chỉ nói với nhau được vài câu rồi nảy sinh cãi vã.
Nghệ sĩ Công Ninh thường chọn cách giữ im lặng trước những mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình chứ không thể hiện bằng hành động và ngôn ngữ.
Đối với anh, đàn ông phải biết nhường nhịn, anh nói tại chương trình Vợ chồng son "Bao giờ tôi cũng rút lui, để vợ nói hết rồi muốn bảo vệ luận điểm gì thì bảo vệ, vì tôi nghĩ không cần thiết phải tranh chấp. Nhịn ai chứ nhịn vợ mình mà".
Tuy nghiêm khắc và nhiều lúc hơi cứng nhắc, nhưng nghệ sĩ Công Ninh lại là người rất chiều con, thương vợ.
Đến hiện tại, vợ chồng nghệ sĩ Công Ninh đã quen dần với cách sống của nhau, thấu hiểu nhau hơn và cùng chung tay xây dựng hạnh phúc gia đình.