• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

NSƯT Đăng Dương: Người học trò xuất sắc của NSND Quang Thọ, kỹ thuật hàng đầu nhạc Cách mạng hiện nay

Giải trí 24/08/2023 10:06

(Tổ Quốc) - Trong dòng nhạc Cách mạng hiện nay, Đăng Dương không chỉ là người giữ lửa bền bỉ mà còn sở hữu kỹ thuật điêu luyện, khiến nhiều người nể phục.

Người học trò xuất sắc của NSND Quang Thọ, với kỹ thuật Opera đáng nể

"Tam ca đỏ" Đăng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàn từ lâu đã nổi tiếng và ghi dấu trong lòng công chúng. Họ là bộ ba giọng nam chuyên hát nhạc Cách mạng, với sự vẹn toàn cả về kỹ thuật lẫn giọng hát.

Ở bộ ba này, mỗi người đều có một thế mạnh, tài năng và cống hiến riêng. Nhưng nếu để chọn ra một người có kỹ thuật thanh nhạc nổi bật thì hầu hết khán giả lẫn giới chuyên môn đều gọi tên Đăng Dương.

Đăng Dương là người duy nhất trong cả ba có xuất thân là một ca sĩ Opera - dòng nhạc đòi hỏi sự hàn lâm, bác học và khó nhất về các kỹ thuật thanh nhạc lẫn thể lực.

Đa số người Việt hiện nay không phân biệt rõ ràng giữa Opera và nhạc cổ điển, thính phòng nên hễ ca sĩ nào hát cổ điển, thính phòng cũng gọi là ca sĩ Opera. Trên thực tế, số ca sĩ Opera ở Vịệt Nam hiện nay rất ít vì Opera là nhạc kịch cổ điển, đòi hỏi ca sĩ phải vừa hát vừa diễn, hóa thân vào nhân vật trong cả một vở diễn chứ không đơn giản là lên sân khấu hát một vài bài aria. Sự nghiệp của ca sĩ Opera được tính bằng kịch mục, số vai diễn Opera họ tham gia, nên rất khó theo đuổi.

Để hát được Opera với cơ địa người Việt không hề dễ dàng. Đăng Dương tâm sự: "Giữa việc hát Opera và nhạc thính phòng, Cách mạng có sự khác nhau. Opera là nhạc kịch nên phải vừa hát vừa diễn và không dùng micro. Để hát được trong Nhà hát lớn mà không dùng mic, tôi phải dùng đến kỹ thuật đặc biệt cùng cổ điển. Để làm được điều đó, chẳng có cách nào khác ngoài học. Cơ địa bẩm sinh của người châu Á vốn thua kém thể lực so với người phương Tây, nên để hát được Opera lại càng phải học nhiều hơn nữa".

NSƯT Đăng Dương: Lời khen của diva Thanh Lam và những điều ít biết về bậc thầy kỹ thuật nhạc cách mạng - Ảnh 1.

Bộ ba Việt Hoàn, Đăng Dương, Trọng Tấn

Bởi vậy, những ca sĩ Opera như Đăng Dương rất hiếm hoi. Ngay từ thời trẻ, Đăng Dương đã tham gia một số vai Opera như vai Tamino trong vở Die Zauberflöte, vai Rodolfo trong vở La Bohème. Để đảm nhiệm được những vai diễn này, người ca sĩ như Đăng Dương phải có thể lực tốt và kỹ thuật chuẩn chỉ, mới có thể hát không mic suốt cả tiếng đồng hồ.

NSND Quang Thọ từng kể, đến giờ ông vẫn chưa quên được kỷ niệm về lần đầu tiên khi Đăng Dương được hát trong một vở nhạc kịch Opera. Vai diễn trong vở đó rất khó và đòi hỏi giọng rất cao, hơn thế nữa là phải vừa đi lên cầu thang, vừa hát, vừa bế một nàng công chúa nặng tới 60kg. Ấy thế mà Đăng Dương vẫn hoàn thành một cách xuất sắc.

Xuất phát điểm của một ca sĩ Opera với nền tảng kỹ thuật vững chắc, lại thêm thể lực bẩm sinh tốt cùng khả năng tự học hỏi, Đăng Dương đã sớm đạt tới đẳng cấp master khi chuyển sang hát nhạc Cách mạng, bán cổ điển. Nói cách khác, trong số các giọng nam chuyên về nhạc Cách mạng hiện nay, Đăng Dương có thể xem là một trong những chuẩn mực top đầu.

Khi nghe tam ca đỏ trình diễn, khán giả dễ dàng nhận thấy thế mạnh của từng giọng ca. Nếu Trọng Tấn mềm mại, sáng rực, uyển chuyển, Việt Hoàn ấm áp, trữ tình thì Đăng Dương lại hùng tráng và cuộn trào khí thế nhất với những nốt cao vang dội (nhờ áp dụng các kỹ thuật thanh nhạc cổ điển).

Bản thân Đăng Dương từng chia sẻ: "Trong bộ ba, phần của tôi nghiêng về chính ca. Trọng Tấn hơi thiên về dân ca một chút, anh Việt Hoàn thì đa năng, hát nhiều thể loại. Ở những màn tam ca chính ca, thường thì tôi đảm nhiệm quãng cao".

Ở Đăng Dương, từ hình thể tới kỹ thuật bên trong đều chuẩn cổ điển. Khẩu hình của Đăng Dương thường bị nhiều người chê xấu, khó nhìn, nhưng đó lại là khẩu hình chuẩn thanh nhạc cổ điển. Khi hát, Đăng Dương tạo độ trề môi cho khẩu hình (giống với khẩu hình của các ca sĩ Opera như Pavarotti, Domingo, Joan Sutherland…) để khuếch đại cộng hưởng một cách tốt nhất, giúp âm thanh nổi trên dàn nhạc, vang xa hơn.

Đăng Dương cũng áp dũng kỹ thuật về "small core" của ca sĩ Opera, nói nôm na là điểm đích càng nhỏ thì âm lượng và độ vang phóng ra càng lớn. Theo cách hát chuẩn thanh nhạc cổ điển này, khi hát, ca sĩ mở miệng nhỏ nhưng âm thanh phóng ra mạnh, lực bắn lớn do có support từ các cơ, bộ phận phát âm bên trong. Cách hát này giúp ca sĩ hát nhẹ, ít tốn sức mà vẫn tạo ra luồng âm thanh lớn, điển hình như danh ca Birgit Nilsson. Trong những ca khúc hát tam ca nhạc Cách mạng, Đăng Dương thường mở đầu bằng khẩu hình rất khẽ nhưng âm thanh tạo ra vẫn mạnh.

NSƯT Đăng Dương: Lời khen của diva Thanh Lam và những điều ít biết về bậc thầy kỹ thuật nhạc cách mạng - Ảnh 2.

Đặc biệt, Đăng Dương còn thực hiện được một phần nhỏ kỹ thuật về điểm tựa trong thanh nhạc cổ điển (đặc biệt là trường phái Opera kịch tính). Nói nôm na, khi hát, ca sĩ muốn lên quãng cao thì phải cảm giác người mình hơi trùng xuống. Muốn âm thanh squillo to thì phải có cảm giác cơ lưng tựa về phía sau, cơ thể hơi rướn lên, giống như có một điểm tựa đỡ phía sau lưng (nhưng không phải ngả người về sau). Nhờ đó, cột hơi sẽ vững hơn, support âm thanh tốt hơn, giúp phóng ra luồng âm thanh lớn một cách dễ dàng, không căng cứng. Những giọng kịch tính huyền thoại như Joan Sutherland, Birgit Nilsson áp dụng thành công phương pháp này.

Ở Việt Nam, phương pháp này chưa được ca sĩ nào áp dụng thành công, nhưng có thể thấy phảng phất một vài nét ở Đăng Dương. Cụ thể, khi hát, Đăng Dương có xu hướng hơi tựa về sau và rướn cơ thể lên để lấy đà và giữ cột hơi, giúp âm thanh phóng ra chắc khỏe, dồi dào.

Đó là lí do vì sao Đăng Dương bình thường nói chuyện rất nhỏ nhưng hát lại tạo âm lượng lớn, đồ sộ, khiến ai cũng bất ngờ. Nam ca sĩ chia sẻ rằng, đó là thành quả của việc rèn luyện kỹ thuật cộng minh trong suốt 10 năm trường lớp, cộng thêm việc tự học hỏi từ những danh ca lớn. Anh nói:

"Tôi phải học mất 10 năm mới hát được như vậy và tới bây giờ vẫn phải rèn luyện hàng ngày. Về thanh nhạc, không thể chỉ học trên trường lớp mà còn phải tự học ở nhà mỗi ngày.

Ngoài hai thầy Trung Kiên và Quang Thọ, tôi phải nghe rất nhiều, cả những nghệ sĩ trong nước lẫn quốc tế. Ở nước ngoài, tôi hay nghe những divo nổi tiếng như Pavarotti, Domingo, Corelli và nhiều người khác. Ở trong nước, tôi hay nghe những bậc tiền bối như bác Trần Khánh, bác Kiều Hưng, bác Doãn Tần… Tôi nghe cả giọng nữ, trong đó, cô Thanh Huyền là người tôi hâm mộ nhất, tiếp đó là cô Lê Dung".

Về âm sắc, giọng Đăng Dương tuy cùng lả tenor nhưng lại khác màu của Trọng Tấn. Nếu Trọng Tấn là leggiero tenor với màu giọng mảnh, sáng, bay, linh hoạt thì giọng Đăng Dương lại vốn dày và ấm, rất nam tính, thích hợp với những vai hoàng tử, tráng sĩ trong Opera. Đây cũng là thành quả kết tinh được từ quá trình học tập với NSND Quang Thọ (giọng nam trung) và NSND Trung Kiên (giọng nam cao).

Đăng Dương tâm sự: "Trong quá trình học của tôi, cả thầy Quang Thọ và thầy Trung Kiên đều có công hướng dẫn nhưng thầy Trung Kiên là chủ yếu về sau này, khi tôi học đại học rồi tới cao học. Tôi học được ở cả hai thầy về kỹ thuật cơ bản, trong đó có sự khác nhau giữa hai thầy.

Thầy Trung Kiên là giọng tenor, cùng type giọng với tôi, còn thầy Quang Thọ là baritone nên có sự khác nhau về cách thị âm, cách hát. Là học trò, tôi phải nhạy cảm, học được thế mạnh, cái hay của mỗi thầy".

NSƯT Đăng Dương: Lời khen của diva Thanh Lam và những điều ít biết về bậc thầy kỹ thuật nhạc cách mạng - Ảnh 3.

Có lẽ vì được chắt lọc tinh túy từ hai người thầy lớn nên giọng hát Đăng Dương vừa có độ dày, ấm (của Quang Thọ), lại vừa lên được quãng cao sáng, vang (của Trung Kiên).

Chuyển mình tinh tế để trở thành bậc thầy nhạc Cách mạng hiện nay

Khi chuyển sang hát nhạc Cách mạng, anh vẫn giữ được âm sắc này. Diva Thanh Lam từng khen ngợi Đăng Dương về sự nam tính trong cách hát.

Nghệ sĩ ưu tú, giọng soprano Opera hàng đầu Việt Nam Hà Phạm Thăng Long cũng nhận định: "Anh Đăng Dương có giọng tenor trữ tình, quãng giọng rộng, màu giọng ấm, ngọt, thích hợp cho các bài, vai trữ tình".

Đăng Dương có quãng giọng khá rộng, rơi vào khoảng hơn hai quãng tám. Anh từng chia sẻ với chúng tôi: "Trong giọng thật, khi hát aria Opera, tôi có thể lên tới C5 vì đó là bắt buộc. Nhưng khi hát ca khúc nhạc Việt, tôi chỉ hát tới A4 thôi vì hát quá cao nghe rất mệt. Tôi xuống thấp tới G2, A2 và chủ yếu hát giọng thật, ít giả thanh".

Đây là quãng giọng thích hợp với một giọng tenor cổ điển điển hình, hát chủ yếu bằng giọng thật. Để có được quãng giọng này là cả một quá trình khổ luyện trường kỳ của Đăng Dương. Nhạc cổ điển yêu cầu hát nốt nào phải chuẩn nốt đó (bao gồm dựng tiếng, cộng minh, không strain) nên lên cao hay xuống thấp một nốt cũng là cả vấn đề. Đăng Dương lên được tới C5 giọng thật khi hát không mic là điều đáng nể.

Đến hiện tại, khi đã ở tuổi U50, nhưng Đăng Dương vẫn tự tin rằng, nếu có cơ hội được dựng vở, anh vẫn cố gắng hát Opera. Tinh thần tự học của Đăng Dương rất lớn.

Chuyển sang nhạc Cách mạng, Đăng Dương không lên quá cao hay xuống quá thấp, cũng không phô diễn nhiều kỹ thuật cổ điển mà tinh giản một cách chọn lọc, sao cho phù hợp tai nghe đại chúng, vừa đảm bảo kỹ thuật chuẩn chỉ, lại vừa dạt dào cảm xúc. Để làm được điều này không hề dễ dàng vì nhiều ca sĩ Opera khi hát nhạc Cách mạng bị khô cứng, nặng về kỹ thuật.

Đăng Dương chia sẻ: "Trong quá trình chuyển từ cổ điển thính phòng sang những ca khúc Cách mạng, để hát mềm mại, cảm xúc hơn, tôi phải tự lắng nghe giọng hát của mình và học hỏi".

Như đã nói, ở dòng nhạc Cách mạng hiện nay, Đăng Dương thực sự là một giọng ca hàng đầu, sở trường thể hiện những khúc tráng ca hùng tráng với dàn nhạc giao hưởng. Kỹ năng của một ca sĩ Opera giúp anh cộng minh được ở mọi nốt hát ra, từ thấp tới cao.

Giọng hát Đăng Dương có chất sử thi, hùng tráng, mạnh mẽ do sở hữu sự chắc khỏe, nam tính, vững chãi, dày, lực hát rất mạnh, cộng thêm cách hát dồn lực bắn vào chữ tạo vũ bão, thể lực tốt, thích hợp nhất với tráng ca. Anh có cách cộng hưởng đặc trưng là om âm thanh vào một vùng trong xoang mặt để tạo độ nổ rồi bắn ra phía trước.

Vị trí âm thanh Đăng Dương chọn là cộng hưởng vùng xoang mặt, kết hợp dựng âm lên đỉnh trán ở một số đoạn hát, tạo độ vang, sáng và tròn trịa cho giọng khi lên cao.

Cụ thể, Đăng Dương support ở quãng thấp C#3, vibrato đẹp, G3 cũng tạo vang được do cộng hưởng tốt, vị trí âm thanh đúng (thường thì ca sĩ Pop không tạo vang được khi hát thấp).

Không chỉ ở những đoạn ngân dài, ngay trong một cú nhả chữ tầm C4, Đăng Dương cũng cộng minh được khá dày và hát tròn trịa. Ở tầm Eb4 và G4, anh tạo được độ rền, mang hơi hướm sử thi cho giọng hát. Khi hát cressendo cao trào, anh có thể kết hợp cùng glissando để phóng âm thanh cuồn cuộn, dữ dội, thể hiện được sự vũ bão, hừng hực khí thế của bài tráng ca.

Cái tinh tế ở Đăng Dương là rất chú trọng vào việc phát âm từng con chữ và truyền tải sắc thái cho nó. Chẳng han, khi hát tiếng "Hồ Chí Minh", anh phát âm đóng trên Eb4 sáng rực, thể hiện tình yêu bất diệt với lãnh tụ. Hay, khi hát chữ "tất thắng", anh tạo độ vang dữ dội kéo dài để thể hiện sự hân hoan, hứng khởi. Lúc khác, anh lại dồn hết lực vào một chữ trên F4 rồi cộng hưởng mask, bắn thẳng độ vang ra ngoài. Những lúc kết bài, Đăng Dương lại thường ngân dài trên G4 để kéo dài âm hưởng hùng tráng đó vang xa.

NSƯT Đăng Dương: Lời khen của diva Thanh Lam và những điều ít biết về bậc thầy kỹ thuật nhạc cách mạng - Ảnh 4.

Có thể nói, trong tam ca đỏ, Đăng Dương có giọng hát mang âm lượng, độ vang lớn nhất và có tính sử thi, hùng tráng nhất nên thường được đảm nhiệm hát phần cao trào.

Hiện tại, Đăng Dương vẫn miệt mài tập luyện thể dục thể thao để giữ cho mình thể lực tốt. Với một ca sĩ hát dòng nhạc chính thống, thể lực là điều quan trọng để giữ giọng hát luôn khỏe khoắn, giàu năng lượng. Ngoài ra, anh vẫn giữ trong mình tình yêu với nhạc Cách mạng, dòng nhạc anh đã theo đuổi suốt sự nghiệp. Có lẽ, tình yêu này giúp anh hát ngày càng đậm, hay và cảm xúc hơn.

Và trên hết, Đăng Dương vẫn trung thành với con đường độc đạo mình chọn để làm người giữ lửa bền bỉ cho nhạc Cách mạng, dù danh tiếng và thu nhập có thể không bằng được các đồng nghiệp.

Long Phạm

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ