(Tổ Quốc) - "Má bảy Phùng Há còn tập cho tôi vai đó để tôi diễn. Tôi không ngờ, đó là vai thành công đầu tiên của mình, ghi dấu ấn với khán giả" - NSƯT Kim Tử Long nói.
Vừa qua, tại chương trình Gõ cửa nhà sao, nghệ sĩ ưu tú Kim Tử Long đã tâm sự về sự nghiệp của anh.
Tôi đậu điểm cao nhất
Hồi nhỏ, tôi cũng đi học ở trường như mọi người. Tới lớp 10, tôi thấy mình thích hát nên cũng tập tành thanh nhạc, hát hò tân nhạc. Sau đó, tôi có quen mấy đứa em của NSND Minh Vương nên hay qua nhà anh ấy chơi và thấy họ hát vọng cổ nên lạ lắm. Khi ấy, tôi chưa biết cải lương là gì.
Thế rồi, tôi được các em chú Minh Vương dẫn đi coi chú diễn ở rạp Lao Động. Tôi coi riết rồi mê cải lương lúc nào không hay. Từ đó trở đi, tôi thích cải lương và muốn theo nghề này.
Năm lớp 12, tôi bắt đầu đi hát ở các sân khấu tiệc, sân khấu phường xã. Tiền thù lao dù chỉ đủ mua bát phở nhưng tôi thích lắm, đem về đưa hết cho mẹ. Tôi đi hát suốt.
Một thời gian sau, cô giáo tìm đến nhà tôi trao đổi về chuyện tôi nghỉ học nhiều. Lúc ấy, tôi mới thú nhận với ba mẹ là nghỉ học đi hát. Tôi bị ba đánh quá trời. Ba hỏi tôi đi hát cái gì, ở đâu.
Tôi thấy thế liền ca một đoạn vọng cổ cho ba nghe. Nghe xong, ba giật mình vì tôi hát quá hay, nhưng vẫn bắt tôi phải đi học. Tôi đi học lại nhưng trong đầu chỉ vẩn vơ ca hát, không hiểu vì sao lại thế.
Tôi muốn được đi học hát lắm nhưng ba mẹ không cho, nên phải dành dụm tiền quà sáng từng ngày, rồi đi bán bánh in để có tiền đóng học.
Ba tôi thấy thế mới nói chuyện nghiêm túc với tôi. Ba hỏi: "Giữa hát và đi học, con chọn cái nào". Tôi một mực chọn hát. Thế là ba đi tìm trường cho tôi học hát đàng hoàng. Ba muốn được học hành đầy đủ, chứ không phải cứ thích rồi lên hát.
Đúng lúc đó, trường Trần Hữu Trang mở khóa đào tạo cải lương chính quy 4 năm. Ba bảo tôi nộp đơn thi thử vào trường. Đợt đó có cả ngàn thí sinh nộp đơn mà chỉ chọn ra 60 học sinh. Trong đó, tôi đậu điểm cao nhất.
Mong muốn xây dựng nhà hát cải lương
Tôi học ở trường Trần Hữu Trang suốt 4 năm. Tới ngày ra trường, má bảy Phùng Há phân vai cho tôi đóng vai hề trong một vở cải lương. Tôi đau lòng vì không được đóng kép chánh.
Tôi cầm kịch bản lên gặp má bảy Phùng Há để hỏi thì má bảo tôi: "Con cứ hát đi. Trong một vở cải lương không có vai chính hay vai phụ, chỉ có vai ấn tượng để khán giả nhớ đến. Vai diễn có ấn tượng được hay không phụ thuộc vào người nghệ sĩ.
Má bảy Phùng Há còn tập cho tôi vai đó để tôi diễn. Tôi không ngờ, đó là vai thành công đầu tiên của mình, ghi dấu ấn với khán giả. Tôi ra đường, ai cũng nhớ đến tôi với vai diễn đó. Dần dần, tôi đi hát và được vào kép chánh.
Trong sự nghiệp của mình, tôi có được nhiều thành công nhưng điều khiến tôi tiếc nuối là chưa xây dựng được sân khấu thành công cho mình.
Tôi cầu mong nếu có được kinh tế tốt sẽ thuê một mặt bằng để xây dựng nhà hát cải lương. Từ đó, tôi làm tác phẩm hoặc kêu mọi người chung tay để dựng cải lương. Quan trọng nhất, đó là nơi phục vụ cho cải lương.