(Tổ Quốc) – Đây là những lời chia sẻ thật lòng của NSƯT Lâm Tùng nhân cuộc trò chuyện xoay quanh nghệ thuật, đồng nghiệp... với báo điện tử Tổ Quốc
+ Năm vừa qua, Nhà hát Kịch Việt Nam đã mời đạo diễn người Singapore - Chua Soo Pong để dựng vở “Hồng lâu mộng” gây được nhiều sự chú ý, khi làm việc với đạo diễn người ngoại quốc, anh thấy có gì khác biệt?
- “Hồng lâu mộng” là tác phẩm nổi tiếng của Tào Tuyết Cần nhưng đạo diễn Chua Soo Pong đã biên tập lại để dựng thành một vở diễn mang dấu ấn riêng của sân khấu Việt Nam nói chung và Nhà hát kịch Việt Nam nói riêng.
NSƯT Lâm Tùng |
Một tác phẩm kinh điển nhưng đạo diễn Chua Soo Pong đã xuất sắc cắt được những lát cắt, đó là chuyện tình giữa Lâm Đạo Ngọc, Giả Bảo Ngọc và Tiết Bảo Thoa, để gói gọn tác phẩm trong hai tiếng trên sân khấu. Công tác biên tập thành công, gọn nhẹ.
Chủ đề là xung quanh mối tình oan trái giữ Lâm Đại Ngọc và Giả Bảo Ngọc khi hai người yêu nhau thực sự. Cặp đôi là duyên trời định nhưng chính tính toán của gia tộc đã chia lìa họ, đồng thời cắt đứt đi sự hy vọng để chữa bệnh cho hai người. Bởi hai người này sinh ra đã bị bệnh đặc biệt và khi họ gặp nhau thì tình yêu đã có động lực để họ sống được. Vậy mà dòng họ Giả lại se duyên Giả Bảo Ngọc cho Tiết Bảo Thoa.
Một cảnh trong vở ''Khát vọng'' của đạo diễn Lâm Tùng |
Trước đó ông Chua Soo Pong đã từng sang Việt Nam dựng 5 tác phẩm. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên đạo diễn người Singapore cộng tác với Nhà hát kịch Việt Nam.
Đạo diễn Chua Soo Pong là người khá lớn tuổi nhưng sức làm việc không hề già, có thái độ làm việc, sức cháy rất lớn.
Ở mỗi một đạo diễn đều có phương pháp làm việc khác nhau. Nếu để so sánh rất khập khiễng. Nhưng tôi thấy, ông Chua Soo Pong có cách làm việc rất riêng, ông đã giúp cho diễn viên tự tin từ khi bắt đầu dàn dựng, đã nhìn thấy bước đi chắc chắc, phương thức, lý luận và giải mã nhân vật mình đảm nhận, cũng như có cách để thúc đẩy mọi người đều cố gắng. Thực sự khi làm việc với ông Chua Soo Pong tôi cảm thấy rất hào hứng.
Nghệ sĩ Lâm Tùng (phải) và bạn diễn |
+ Trong vở diễn “Hồng lâu mộng” anh không có quá nhiều đất diễn nhưng đạo diễn Chua Soo Pong đã dành cho anh rất nhiều lời khen, vậy anh có thể tiết lộ, chất liệu nào để anh tạo nên thành công cho nhân vật Giả Chính mà mình đảm nhận?
- Tôi không có quan niệm mình sẽ nhận vai diễn nhỏ hay bé. Quan trọng là mình sẽ phải làm gì với thường lượng mà quy định của vai diễn, kịch bản để đốt hết mình trên sân khấu.
Ở đây, chưa bàn tới việc diễn tốt hay dở. Khi diễn, tôi đã rất tự tin, mặc dù ngoại hình của tôi không ăn với nhân vật. Nhưng tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu để khắc phục mọi trở ngại sao cho đạt yêu cầu của đạo diễn.
Thật ra, vai diễn Giả Chính của tôi là một chiều. Một người cha nghiêm khắc trong việc dạy con cái. Chỉ qua một lớp diễn nhưng thể hiện văn hóa, thế lực... thời đó. Từ việc trau chuốt lời ăn, tiếng nói nhưng lại có đứa con đi ngược với sự mong muốn. Vậy nên người cha Giả Chính đã rất thất vọng nên phải dạy dỗ lại, dù đủ mọi cách, từ ngon ngọt, khuyên răn...thậm chí dùng cả vũ lực với chính người con của mình.
Người cha Giả Chính và nghệ sĩ Lâm Tùng ngoài đời rất khác nhau, không có điểm tương đồng nên tôi phải cố gắng rất nhiều. Ngoài đời, tôi còn là một người khá nhút nhát. Khi nhận vai tôi đã đọc khá nhiều sách và tìm hiểu văn hoá lối sống thời xưa để vai diễn hấp dẫn và hay nhất.
+ Trở lại với vở kịch “Khát vọng” do anh làm đạo diễn và đã giành khá nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, anh có thể chia sẻ cảm nhận của mình?
- Tôi thực sự rất vui mừng. Ban đầu tôi dựng vở kịch “Khát vọng” để làm bài tốt nghiệp. Sau đó, hội đồng nghệ thuật Nhà hát thấy chất lượng vở kịch tốt nên đã lấy về làm kịch mục cho nhà hát.
Vở kịch dựa theo tác phẩm “Mùa hoa cải ven sông” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, được Tạ Xuyên biên tập thành kịch sân khấu. Trong vở kịch đã khắc họa sức mạnh tình yêu, tuổi trẻ dám phá bỏ cái cũ để làm cái mới tươi đẹp hơn.
Khi mang vở tham gia các cuộc thi, liên hoan sân khấu ở Trung Quốc. Tôi cảm thấy rất vinh dự và hạnh phúc. Đây cũng chính là sự trải nghiệm thú vị cho tôi. Đồng thời, đây cũng là bước đi của Nhà hát Việt Nam, đã có sự giao lưu, chia sẻ những người yêu thích sân khâu trên thế giới. Năm qua, chúng tôi cũng đã có nhiều chuyến lưu diễn khá thành công ở nhiều nơi như Pháp, Đức...
+ Đi khá nhiều như vậy thì anh thấy khán giả đón nhận kịch Việt Nam thế nào, qua đây, anh có học hỏi được gì thêm?
- Khi đưa một tác phẩm nào ra nước ngoài thì chúng tôi đều phải có sự lựa chọn kỹ càng từ hội đồng nghệ thuật ở Nhà hát. Không thể đưa tác phẩm có giá trị nghệ thuật thấp, bản thân bên kia cũng xem qua băng đĩa vở kịch mà mình mang đi diễn. Ngược lại, họ cũng sẽ mang những tác phẩm tiêu biểu để mang qua giới thiệu với nước bạn.
Khi tham dự các các cuộc giao lưu, tôi thấy sự chuyên nghiệp và thấy mình phải luôn sáng tạo. Ngoài chuyện học hỏi, tôi còn thổi thêm luồng sinh khí bởi sự sáng tạo, nhiệt huyết.
+ Anh đã dành rất nhiều lời khen với thế hệ trẻ, nhưng mỗi lần dựng vở mới thì hầu hết các nhân vật đều được giao cho những nghệ sĩ kỳ cựu, có gương mặt ở Nhà hát?
- Điều nay là đương nhiên. Một nghệ sĩ gạo cội sẽ có sức hút hơn hẳn so với những bạn trẻ là gương mặt mới. Tôi nói ví dụ như bên Nhà hát kịch Hà Nội, gương mặt của NSƯT Công Lý sẽ có sức hút với khán giả hơn một trăm lần so với những bạn trẻ mới vào nghề. Đây cũng là một trong những tên tuổi đảm bảo được vé bán.
Ngoài tiếng tăm của người nghệ sĩ thì những nghệ sĩ hoạt động lâu trong nghề sẽ đã có sự trải nghiệm. Kỹ thuật, đài từ đều chắc chắn.
Tôi không thể thú vị với kiểu làm việc của một số bạn trẻ, đạo diễn vừa nói xong đã vội vàng cầm điện thoại chơi facebook.
Tôi hy vọng các bạn hãy dành thời gian nhất định cho công việc, nên tôn trọng đến nghề thì nghề chắc chắn sẽ không phụ các bạn.
- Được làm việc với những đồng nghiệp "nổi tiếng" như NSND Anh Tú và NSƯT Xuân Bắc. Nếu được nói về họ, anh sẽ nói gì?
+ NSND Anh Tú và NSƯT Xuân Bắc đều là những người đồng nghiệp tôi rất yêu quý, cũng như gắn bó nhiều năm.
NSND Anh Tú bắt đầu làm việc tại Nhà hát kịch Việt Nam từ năm 2012, nhưng trước đó chúng tôi đã nhiều lần hợp tác. Đây là một người anh tôi rất trân trọng về nghề lẫn lối sống và nhiệt huyết trong công việc. Tôi từng chứng kiến NSND Anh Tú cầm cả vốc thuốc nhưng vẫn làm việc nhiệt tình.
Còn NSƯT Xuân Bắc, tôi biết từ năm 1994, tuy Xuân Bắc kém tôi 2 tuổi nhưng tôi rất tôn trọng bởi lối sống, cách làm nghề và quan hệ đồng nghiệp.
+ Xin chân thành cảm ơn NSƯT Lâm Tùng và chúc anh sẽ gặp nhiều thành công trong cuộc sống!
Ngọc Hà Lê (Thực hiện)