(Tổ Quốc) - Đang bận rộn chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) với hai tác phẩm kinh điển: vở nhạc kịch Người tạc tượng và vở ballet Hồ Thiên nga, song Nghệ sỹ ưu tú Trần Ly Ly- Quyền giám đốc VNOB vẫn say sưa chia sẻ với chúng tôi về những dự án đưa nghệ thuật hàn lâm đến với khán giả.
Đầu tháng 10 tới, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) sẽ tổ chức biểu diễn hai tác phẩm kinh điển của Việt Nam và thế giới gồm vở nhạc kịch Người tạc tượng và vở ballet Hồ Thiên nga. Trước đó, Nhà hát đã gây tiếng vang khi tổ chức thành công "Dạ tiệc âm nhạc - Around the world". Chương trình không chỉ đơn thuần là một vở vũ kịch, Opera… mà được trình diễn theo phong cách hoàn toàn mới, có sự pha trộn giữa opera, ballet và đặc biệt là dàn nhạc giao hưởng chơi live suốt 90 phút. Sự kiện sau đó nhận được phản hồi tích cực từ khán giả. Around the world khiến giới truyền thông dự đoán đây có phải là con đường mà nghệ thuật Nhạc Vũ Kịch cổ điển của Việt Nam sẽ đi để đến gần hơn với công chúng? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng NSƯT Trần Ly Ly để làm rõ hơn về cách mà VNOB đến với khán giả, thu hút khán giả trong hiện tại và tương lai.
NSƯT Trần Ly Ly
+ Thưa NSƯT Trần Ly Ly, ở Việt Nam từng có thời kỳ khán giả rất thích xem ballet nói riêng và các tác phẩm nhạc, vũ, kịch nói chung. Nhưng phải chăng hiện nay, lượng khán giả này đã dần biến mất?
- Trong tất cả các quốc gia phát triển đều có sự nổi bật về các tác phẩm nghệ thuật hàn lâm như Opera, Ballet hay nhạc giao hưởng. Nghệ thuật này có lịch sử phát triển cách đây hàng trăm năm. Đến nay, nó không chỉ là nghệ thuật đỉnh cao mà còn được đánh giá như khoa học. Trong hệ thống biểu diễn, hệ thống đào tạo của các quốc gia lớn trên thế giới, Ballet, Opera và nhạc giao hưởng đều rất được chú trọng. Có lẽ tính đến thời điểm này, chưa có bộ môn nghệ thuật nào đòi hỏi quy trình đào tạo khắt khe như Ballet, Opera và nhạc giao hưởng. Đối với các nước phương Tây nói riêng và các nước phát triển nói chung, nghệ thuật hàn lâm mang tính bắt buộc trong hệ thống đào tạo trường học. Sự khác nhau chỉ là thời gian dành cho học tập nhiều hay ít mà thôi. Đây có thể coi như một bước đầu tư, tạo ra lượng khán giả và tìm kiếm tài năng kế cận cho môn nghệ thuật này. Điều đó cho thấy nhu cầu thưởng thức nghệ thuật hàn lâm của người dân tại các quốc gia này ngày càng lớn. Thậm chí, để xem một vở vũ kịch, họ phải xếp hàng mua vé từ rất lâu trước đêm diễn.
Tại Việt Nam, cách đây vài chục năm, nghệ thuật hàn lâm cũng có đối tượng khán giả của mình. Do điều kiện kinh tế, xã hội thời đó còn nhiều khó khăn, thách thức, nên sân khấu là hình thức nghệ thuật duy nhất con người có thể tiếp cận và thưởng thức. Còn ngày nay, mọi việc đã thay đổi. Con người có quá nhiều sự lựa chọn để giải trí. Đến bây giờ nhiều người đổ lỗi là có quá nhiều thứ để lựa chọn. Nhưng điều đó không khiến người ta quay lưng với nghệ thuật hàn lâm nói chung và Ballet nói riêng. Một trong những nguyên nhân khiến khán giả dần dần rời xa môn nghệ thuật này là bởi vì con người mất dần thói quen lựa chọn loại hình để thưởng thức. Người ta ngại đến những nơi như nhà hát để mà xem ballet chứ không phải là có nhiều thứ để lựa chọn.
+ Trước kia, khi nói đến Ballet là xem nghệ sĩ múa như thế nào. Opera là nghe giọng hát của ca sĩ hay giao hưởng và xem sự hòa quyện của các nhạc cụ trong một tác phẩm âm nhạc đã trở thành thói quen. Nhưng với "Around the world", VNOB và bà lại sáng tạo ra một sự hòa quyện, một sự xen kẽ rất logic nhưng đầy sức quyến rũ của Ballet, Opera và giao hưởng. Sự sáng tạo này đã phần nào hấp dẫn khán giả và gây sự tò mò với giới chuyên môn. Vậy bà có tin các nghệ sĩ của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam nói riêng và nghệ sĩ bộ môn nghệ thuật này ở Việt Nam đã có thể hấp dẫn khán giả thông qua sự thay đổi như VNOB đã làm?
Các nghệ sĩ VNOB tập luyện cho vở ballet Hồ Thiên nga sẽ trình diễn vào ngày 7/10 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội
- Nét đặc biệt của Ballet là khán giả không mua vé để xem nội dung vở diễn, mà xem nghệ sĩ diễn như thế nào. Đơn giản các vở Ballet đều là những tác phẩm kinh điển như Hồ Thiên nga, Kẹp hạt dẻ… với nội dung có sẵn từ lâu. Vì vậy, điều hấp dẫn đối với khán giả khi đến Nhà hát là xem nghệ sĩ biểu diễn, muốn biết Thu Huệ trong vai Clara của Kẹp hạt dẻ có hấp dẫn không hay nghệ sĩ Thu Hằng múa đẹp hơn. Đó chính là nét độc đáo của Ballet và điều đó biến Ballet thành môn nghệ thuật sống. Nghệ sĩ Ballet là người biết sử dụng ngôn ngữ cơ thể hòa quyện với âm nhạc trên một sân khấu. Chính vì vậy, bản thân các nghệ sĩ Ballet khi biểu diễn đều tạo nên những tác phẩm sống.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy ở các nước đang phát triển, không phải ai cũng có sự hiểu biết về nghệ thuật hàn lâm mà chủ yếu là tầng lớp tri thức. Coi việc đi đến Nhà hát nghệ thuật hàn lâm như môi trường để trao đổi, chiêm ngưỡng, hiểu thêm và đặc biệt là để bộc lộ những niềm yêu thích của mình. Khi xây dựng "Around the world", tôi cũng nghĩ rất nhiều. Quan trọng là phải chọn bản nhạc hay trong các tác phẩm kinh điển nào dễ tiếp cận với đa số người dân. Chúng ta không biến đổi chiến lược nhưng thay đổi về hình thức để nhân dân có thể tiếp cận được hơn. Đây là sự mạnh dạn và hơi "liều" vì không biết kết quả như thế nào. Phản hồi khá tốt từ khán giả chính là động lực cho con đường mà tôi và Nhà hát lựa chọn.
Tuy nhiên, Around the World chỉ là một trong những con đường để tiếp cận khán giả một cách hiệu quả mà thôi. Còn về sứ mệnh và tầm nhìn của VNOB, chúng tôi vẫn giữ. Đó là việc xây dựng những vở vũ kịch kinh điển mang quy mô đồ sộ như Hồ Thiên nga vào tháng 10 này. Tất nhiên, để làm trọn vẹn một vở vũ kịch với 4 màn trọn vẹn vô cùng tốn kém và vất vả. Vì đó là nhạc vũ kịch, là nghệ thuật đặc chủng. Không phải chỉ tập ba ngày, năm ngày là có thể diễn được. Vở vũ kịch đòi hỏi thời gian tập luyện của các diễn viên kéo dài tới vài tháng, cùng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các diễn viên Ballet và cả một dàn nhạc lớn tới hơn 60 người. Cái hay nhất và khó nhất của sản phẩm nghệ thuật này là sự kết hợp của rất nhiều con người. Và đó cũng là điều tạo nên sự sống động đặc biệt của nó. Thử tưởng tượng 60 nhạc công chơi nhạc cho 60 người biểu diễn trên sân khấu. Điều đó đòi hỏi sự cảm nhận, giao hòa giữa các nghệ sĩ với nhau. Người chơi nhạc cụ phải tạo ra một không gian âm nhạc để người múa quên đi bản thân, biến thành những nhân vật kinh điển, và để khán giả hoàn toàn mất đi ý thức rằng chúng ta đang sống ở thế giới hiện tại mà đang lạc trong không gian nghệ thuật ấy.
Khán giả sẽ quan tâm, tò mò và dần dần thưởng thức những chương trình nhạc vũ kịch của VNOB bằng cách bỏ tiền ra mua vé chứ không chờ được tặng
+ Với vai trò là người quản lý một Nhà hát nghệ thuật hàn lâm như VNOB, theo bà, nên làm thế nào để thu hút khán giả đến với môn nghệ thuật "khó tính" này?
Điều đầu tiên nên làm là thúc đẩy nhu cầu thưởng thức nghệ thuật hàn lâm từ nhà trường. Ở các nước phát triển, học sinh được học rất cụ thể. Ví dụ bài để thi vào một trường đại học ở Australia là bạn hãy viết một bài luận về tác phẩm nghệ thuật mà bạn xem gần nhất. Như vậy sẽ lộ ra ngay bạn có đi xem nghệ thuật không. Bạn học về nghệ thuật, học về văn hóa mà không xem nghệ thuật thì làm sao biết được điều gì đang xảy ra trong thành phố này. Đó là những điều rất thực tế. Tôi mong muốn như vậy vì điều đó là rất cần thiết để thể hiện góc nhìn nhân sinh quan thông qua một tác phẩm nghệ thuật. Vì tác phẩm nghệ thuật là thể hiện xã hội chúng ta đang sống bằng một hình thức khác. Nhưng đây là giải pháp dài hạn. Còn điều cần làm hiện nay là sáng tạo ra những sản phẩm thu hút được khán giả nhưng vẫn giữ được nét kinh điển của nghệ thuật hàn lâm. Nếu khán giả chưa đến với mình, thì mình chủ động đến với khán giả. Làm sao phải tiếp cận dần nhưng không biến chất về nghệ thuật. Có thể biến một tác phẩm tác phẩm kinh điển thành những phần nhỏ. Vẫn là aria, vẫn là Ballet của vở này nhưng chỉ một chút thôi, đủ để người ta hiểu được một phần của nghệ thuật, chứ không kéo dài cả vở khiến khán giả bị quá tải và nhàm chán. Cũng như đọc một cuốn sách khó vào và rất dài, thì mỗi hôm chỉ đọc được 10 trang, hôm sau lại tiếp tục. Điều này sẽ tạo nên thói quen và sự tò mò trong thưởng thức.
Tôi còn nhớ hồi mới về nước, tôi chỉ chăm chăm làm các tác phẩm kinh điển nguyên bản như những gì học trong nhà trường. Rồi tôi nhận ra làm tác phẩm trí tuệ mà không ai thừa nhận thì cũng vô nghĩa. Tôi đã sốc và mất hai năm không tìm ra con đường để đi. Bây giờ tôi đứng ra xa hơn, nhìn rộng hơn và thấy rằng mọi thứ đều có thể nhờ sự linh hoạt. Quan trọng là cái đích, còn đường đi có nhiều, có thể dài hơn, miễn là đến nơi. Nếu không khổ sở, không vò đầu bứt tai, không có mồ hôi, nước mắt… thì không thể thấy được thiên đường. Thay vì khư khư giữ cái cũ, chúng ta cần tìm sự dung hòa. Không thể sống cuộc đời riêng trong một thị trường đòi hỏi những gì đổi mới. Chúng ta có thể hòa nhập với xã hội mà vẫn giữ được bản sắc riêng của mình.
Tôi mong muốn khán giả sẽ quan tâm, tò mò và dần dần thưởng thức những chương trình nhạc vũ kịch của VNOB bằng cách bỏ tiền ra mua vé chứ không chờ được tặng.
+ Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!