(Tổ Quốc) – Nam diễn viên của Nhà hát kịch Việt Nam bộc bạch, trong phim "Về nhà đi con" có phân đoạn anh tát các cô con gái đều là tát thật nên khiến bạn diễn rất đau. Anh lý giải, phải tát thật mới có được hiệu ứng thật nhất cho người xem. Thế nhưng anh lại rất ngại vào những có cảnh "đánh đập" phụ nữ.
Khuôn mặt khắc khổ nên hợp với những vai số phận long đong
+ Bộ phim "Về nhà đi con" đang gây bão đối với khán giả, đặc biệt vai ông Sơn do anh thể hiện nhận được nhiều sự yêu mến, thế nhưng ban đầu anh lại từ chối, vì sao vậy?
-Thời điểm nhà sản xuất phim "Về nhà đi con" gửi lời mời thì tôi đang vướng lịch quay của một phim điện ảnh khác. Thêm vào đó, tôi cũng đang có một số công việc riêng cần phải giải quyết. Vì e ngại không có thời gian nên tôi đã từ chối và đề nghị với bên đoàn phim mời diễn viên khác. Nhưng sau đó phía đoàn phim bảo rằng sẽ đợi tôi hoàn thành các công việc rồi gia nhập đoàn sau. Tôi xúc động vô cùng. Vì mọi người đã rất ưu ái và tin tưởng mình, vậy thì tại sao lại từ chối? Mọi người đã dành cho tôi sự yêu quý thì tôi cũng phải đáp lại.
NSƯT Trung Anh trong phim "Về nhà đi con"
+ Khán giả và đồng nghiệp đều ghi nhận diễn xuất của anh, từ vai giang hồ khét tiếng là Lương Bổng đến vai ông bố hiền lành, nhân hậu, sự biến hóa liên tục trong nghề diễn có là một khó khăn đối với anh?
- Đối với người diễn viên thì việc biến hóa nhân vật cũng là một sự thú vị. Ở "Người phán xử", vai Lương Bổng của tôi là một tay giang hồ khét tiếng. Tuy hắn có yếu tố trượng nghĩa, trung thành nhưng vẫn là giết người không hề gớm tay. Tôi giống Lương Bổng ở sự trượng nghĩa, còn những điều còn lại thì không phải rồi (Cười). Còn ở "Về nhà đi con", đây là bộ phim khai thác yếu tố gia đình, kể về tình cảm cha con khi không có mẹ bên cạnh. Phim đang chiếu nhưng tôi nhận được nhiều phản hồi của khán giả lắm. Mọi người bảo là xót cho nhân vật ông Sơn khi chẳng có người phụ nữ nào gần bên. Rồi còn bảo bao nhiêu sóng gió đổ ập xuống quanh 3 cô con gái có làm tôi chao đảo hay không? Tôi vui vì được mọi người quan tâm.
+ Khuôn mặt anh vốn có sự khắc khổ nên hợp với những vai số phận long đong hơn là các vai giàu có, sang trọng. Điều này có khiến anh bị chạnh lòng?
- Tôi không chạnh lòng. Có thể các đạo diễn thấy tôi hợp với vai nào thì mời vào vai đó. Bản thân tôi cũng rất thích đóng phim có những kịch bản hay. Không phải vai khắc khổ nào cũng giống nhau mà ngược lại, chúng có sự khác nhau về số phận, về hoàn cảnh và để mình có thêm trải nghiệm về nhân vật. Khi mình có nhiều kinh nghiệm thì sẽ có thêm chất liệu để sáng tạo cho nhân vật. Trong quá trình làm phim, tôi trao đổi với đạo diễn thay đổi tính cách nhân vật nhưng vẫn giữ được cốt. Nếu giữ nguyên kịch bản thì tôi nghĩ không thể nào ông Sơn ấy có sự can đảm để nuôi 3 cô con gái trưởng thành.
Ban đầu, bộ phim được đặt tên là "Nước mắt gà trống", tôi bàn với đạo diễn nếu giữ tên phim như thế thì ông này sẽ khóc nhiều lắm. Tôi không muốn nhân vật như thế, bởi tính cách như thế không thể nào trụ được ngần ấy năm. Nếu không sửa thì có khi ông ấy phải lấy 3 bà vợ nữa ấy chứ. Dù sửa nhưng một số chỗ đạo diễn yêu cầu phải nhấn mạnh về phần nước mắt. Có 2 đoạn cực kỳ quan trọng tôi dồn diễn xuất nước mắt, trong đó có đoạn hồi tưởng khi vợ chết ở bệnh viện. Ít khi phim nào tôi khóc kiểu như thế, đó là kiểu khóc "bục" ra chứ những phim khác tôi ghìm nước mắt ở lại. Đúng là diễn vai này mệt.
Bộ phim "Về nhà đi con" đã lấy đi của anh khá nhiều nước mắt nên rất mệt sau mỗi đoạn diễn
- Trong phim, khán giả ấn tượng bởi những cái tát của anh với các con, những phân đoạn "tát" này có khó không anh?
- Theo kịch bản ban đầu, ông Sơn sẽ phải tát các con nhiều lần. Tuy nhiên, tôi thấy chỉ nên tát để răn đe và dạy dỗ chứ không nên lạm dụng, bởi bản thân ông Sơn là người rất thương con. Ba cái tát trong phim là vì các con quá hỗn hào và khiến ông Sơn bực tức tột độ. Điều đặc biệt là cả 3 cái tát đều là tát thật chứ không phải diễn. Vì buộc phải tát thật nên tôi biết các nữ diễn viên sẽ rất đau. Nhưng tôi vẫn động viên các con (trong phim - PV) của mình. Tát các diễn viên thật như vậy, tôi cũng thấy đau. Bản thân tôi có con gái nên hiểu chuyện con gái không thể chịu đau được như con trai. Đó là lý do tôi ngại đóng những cảnh "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với phụ nữ.
Không phải việc gì cũng nhận nên không dư giả kinh tế
- Anh từng đóng rất nhiều phim truyền hình và sân khấu, được các đồng nghiệp đánh giá cao về nghề, nhưng phải vài năm trở lại đây, cái tên NSƯT Trung Anh mới được lan tỏa nhiều hơn, anh nghĩ sao?
- Tôi không nghĩ quá nhiều về vấn đề mình làm phim để được nổi tiếng hay không. Tôi làm nghề đơn giản chỉ mục đích là sống trọn với đam mê. Thú thực, các bạn trẻ bây giờ rất năng động, ngoài đóng phim còn làm thêm kinh doanh này kia nhưng tôi thì không thể. Nếu không đóng phim, làm sân khấu thì tôi cũng không biết mình làm được thêm nghề nào khác.
+ Ngày nay, diễn viên truyền hình chỉ cần có bộ vai hay, phim hot sẽ dễ dàng thành sao, kiếm được nhiều tiền. Vậy anh thì sao?
- Tôi không biết các diễn viên khác thế nào, nhưng tôi vẫn vậy. Có thể, hiện nay cái tên Trung Anh được biết đến nhiều hơn, tôi cũng có nhiều lời mời đi sự kiện nhưng không phải việc gì mình cũng nhận và làm.
+ Nhiều nghệ sĩ từng tâm tình, con đường họ đi không may mắn và thuận lợi, còn anh thì sao?
- Con đường nghệ thuật của tôi không trải đầy hoa hồng. Bố tôi làm công tác hành chính ở Nhà hát Kịch Việt Nam, vì thế tôi sớm được tiếp xúc với nghệ thuật. Năm 17 tuổi, tôi học lớp đào tạo diễn viên khóa 1 của nhà hát, cùng Lan Hương, Đỗ Kỷ, Quốc Khánh, Trọng Trinh. Sau 4 năm đào tạo thì tôi lên đường nhập ngũ, đóng quân ở Móng Cái (Quảng Ninh). Khi trở về thì tôi công tác tại nhà hát đến bây giờ. Những ngày mới rời quân ngũ, tôi từng lúng túng trên sân khấu, chỉ được giao vai phụ. Đã có lúc tôi định bỏ nghề để đi xuất khẩu lao động, nhưng chính tình yêu sân khấu đã giữ tôi ở lại./.