• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nữ giới trầm cảm nhiều hơn nam giới

Sức khỏe 09/04/2017 07:00

(Tổ Quốc) - Tại Việt Nam, căn bệnh trầm cảm có chiều hướng ngày một tăng nhanh trong những năm gần đây.

Trầm cảm xảy ra nhiều ở nữ giới

Ngày Sức khỏe thế giới năm 2017 được tổ chức vừa qua với chủ đề "Hãy cùng nói chuyện để phòng, chống trầm cảm" đủ để nói lên thực trạng của căn bệnh trầm cảm tại Việt Nam đang diễn biến rất phức tạp.

Ông Lokky Wai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, theo thống kê trong năm 2015, tại Việt Nam có hơn 3,5 triệu người bị rối loạn trầm cảm, chiếm 4% dân số. Trong đó, 3 nhóm tuổi có tỷ lệ mắc trầm cảm cao đó là học sinh và thanh thiếu niên, phụ nữ trước và sau sinh, người có tuổi. Đặc biệt,  tỷ lệ nữ giới bị trầm cảm thường cao hơn đàn ông.

Học sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội được phát tài liệu tuyên truyền về bệnh trầm cảm vào ngày 7/42017 vừa qua.

Cũng theo ông Lokky Wai, kết quả nghiên cứu năm 2008 ở Việt Nam, gánh nặng bệnh tật do trầm cảm đo bằng DALY (số năm sống điều chỉnh theo mức độ bệnh tật) chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật ở nữ giới. Trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng tàn tật ở nữ giới chiếm tới 29% đo bằng YLD (tổng số năm sống với khuyết tật do mọi nguyên nhân). Với nam giới, trầm cảm là nguyên nhân thứ hai gây ra gánh nặng tàn tật và chỉ chiếm 11% đo bằng YLD.

Trầm cảm gây ra bởi nhiều yếu tố xã hội, tâm sinh lý học và thường xảy ra ở những người bị stress sau khi gặp phải vấn đề khó khăn trong cuộc sống như thất nghiệp, mất người thân, đổ vỡ quan hệ, mâu thuẫn gia đình, thất bại trong học tập hoặc sau khi mắc một số bệnh nặng như ung thư, đái tháo đường, tim mạch, đột quỵ.

Trên 50% số ca tự tử có rối loạn trầm cảm

Hệ lụy đáng lo sợ nhất của căn bệnh trầm cảm chính là có thể dẫn đến tự tử. Nghiên cứu cho thấy, người trầm cảm có nguy cơ tự tử cao gấp 25 lần so với người khác (nguy cơ tự tử trong đời của người trầm cảm là 4%). Đặc biệt, trên 50% số ca tự tử có rối loạn trầm cảm. Trên thế giới, mỗi năm có gần 800.000 người chết vì tự tử trong đó Việt Nam chiếm tới 5.000 người.

Trong thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Việt Nam đã từng bước được quan tâm đầu tư. Theo đó, Dự án bảo vệ sức khỏe tâm thần tại cộng đồng đã được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia. Năm 2011, Thủ tướng cũng đã kỳ quyết định phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 - 2020.

TS.BS Chuyên khoa II La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viên Tâm thần Trung ương 1 (Áo đen ngồi giữa) chia sẻ về căn bệnh trầm cảm tại Hội thảo diễn ra ngày 7/4/2017.

 

Tuy nhiên, hoạt động phòng chống trầm cảm hiện nay mới bước đầu được triển khai tại một số địa phương, vì vậy hầu hết những người mắc trầm cảm trong cộng đồng vẫn chưa được phát hiện, chưa được quản lý, điều trị và tư vấn chăm sóc đầy đủ. Đồng thời, đa số người dân vẫn chưa có hiểu biết đúng về căn bệnh này dẫn đến sự kỳ thị với người rối loạn trầm cảm. Sự phân biệt đối xử lại khiến căn bệnh của họ ngày một nặng hơn.

Theo TS.BS Chuyên khoa II La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, trầm cảm không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối, bất kỳ ai cũng có thể mắc trầm cảm. Vì vậy, để dự phòng trầm cảm hãy trò chuyện cùng mọi người bởi trò chuyện là một trong những biện pháp đơn giản nhất để phòng và điều trị trầm cảm.

"Nếu bạn nghĩ mình bị trầm cảm, hãy chia sẻ với ai đó mà bạn tin cậy về cảm giác và suy nghĩ của minh. Đồng thời, tích cực lao động, luyện tập thể thao và tránh sử dụng đồ uống có cồn và chất gây nghiện" - TS.BS La Đức Cương khuyến cáo.

TS.BS Chuyên khoa II La Đức Cương chia sẻ thêm, trách nhiệm phòng, chống trầm cảm nói riêng và chăm sóc sức khỏe tâm thần nói chung không phải của riêng ngành Y tế bởi vì nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này có rất nhiều yếu tố như kinh tế, xã hội, môi trường. Đó là trách nhiệm chung của tất cả các ngành, lĩnh vực và toàn xã hội, trong đó, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng có vai trò thiết yếu.

Thế Công     

 

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ