• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nửa thế kỷ với hai người lính của NSNA Chu Chí Thành

Văn hoá 13/05/2023 07:00

(Tổ Quốc) - Từng là phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Chu Chí Thành đã chụp hàng ngàn bức ảnh về cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong đó, nổi tiếng nhất có lẽ phải kể đến bộ ảnh "Hai người lính" được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2021.

Bức ảnh dự báo ngày hòa bình

50 năm đã trôi xa, hoàn cảnh ra đời của bức ảnh chụp hai người lính ở hai bên chiến tuyến, một người là bộ đội miền Bắc, người kia là lính thủy quân lục chiến của chính quyền Sài Gòn vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của NSNA Chu Chí Thành. Theo ông chia sẻ: "Khi được tin Hiệp định Paris ký kết, là phóng viên ảnh tôi được đơn vị cử đi vào Quảng Trị để làm nhiệm vụ phản ánh tình hình thực tế ở đó, có hai việc chính: Một là cuộc trao trả tù binh lớn nhất trong lịch sử chiến tranh tại Việt Nam, hai là tìm hiểu về việc thi hành Hiệp định Paris ở những nơi giáp ranh được thực hiện như thế nào.

Trong khi chờ đợi các cuộc trao trả tù binh diễn ra bên sông Thạch Hãn, có những ngày nghỉ, chúng tôi đã tranh thủ đi đến vùng giáp ranh để xem xét tình hình. Hôm đó, vào khoảng cuối tháng 3/1973, chúng tôi đến vùng giáp ranh ở chốt Long Quang thuộc xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đến nơi, tôi đã rất bất ngờ khi thấy một tốp lính Sài Gòn sang địa phận quân giải phóng để chơi, và mấy anh bộ đội của ta ra đón, họ bắt tay, bá vai, hồ hởi nói chuyện rất thân thiết. Điều đó, khiến tôi cứ ngỡ là chuyện đùa giữa thời chiến. Và đây cũng là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy khuôn diện cụ thể của một người lính Sài Gòn".

Nửa thế kỷ với hai người lính của NSNA Chu Chí Thành - Ảnh 1.

NSNA Chu Chí Thành bên cạnh tác phẩm Hai người lính

Nhắc về khoảnh khắc có một không hai khi chụp bức ảnh để đời, NSNA Chu Chí Thành xúc động chia sẻ, khi nhìn thấy những người lính Sài Gòn còn bắt tay với các cô du kích của xã Triệu Trạch. Đó là một khoảnh khắc quá đỗi bất ngờ so với suy nghĩ trước đó của ông: Một bên là kẻ địch, một bên là ta, tại sao lại có sự thân thiện đặc biệt như vậy?. Và với sự nhạy cảm của một phóng viên trẻ (28 tuổi), ông đã bấm máy chụp lập tức cảnh các chiến sĩ, nữ du kích của ta bắt tay với những người lính Sài Gòn. Cảnh đó rất vui, đúng nghĩa là tay bắt mặt mừng trong không khí vui vẻ, như không có phân chia thù địch.

"Đặc biệt, khi tôi chụp xong bức ảnh đó, người lính cộng hòa bất ngờ gọi bảo tôi: "Anh nhà báo ơi, chụp cho em một bức ảnh kỷ niệm với anh lính giải phóng". Tôi từ ngạc nhiên tới rất vui liền chụp ngay lập tức khoảnh khắc hai người lính khoác vai nhau với một kiểu ảnh duy nhất. Đó cũng chính là giây phút bức ảnh Hai người lính lịch sử được ra đời" – NSNA Chu Chí Thành nhớ lại.

Hình ảnh hai người lính vô tư khoác vai nhau chính là biểu tượng cho mong muốn hòa bình, theo NSNA Chu Chí Thành cho biết: "Khi chụp xong bức ảnh đó, tôi cảm thấy đây là một minh chứng sinh động cho ước vọng hòa bình, thống nhất đất nước. Một người lính giải phóng quân đầu đội mũ tai bèo và một người lính Sài Gòn trong trang phục rằn ri đứng chung trong bức ảnh, hai người lính đã không còn có sự thù địch. Họ vốn là những người con của đất nước Việt Nam, do hoàn cảnh lịch sử mà bị đẩy vào hai chiến tuyến khác nhau. Và lúc đó tôi nghĩ rằng, ngày Bắc Nam sum họp một nhà đã gần lắm rồi, chiến tranh sắp kết thúc, sẽ không còn những hi sinh bằng máu và nước mắt của cả dân tộc nữa.".

Nửa thế kỷ với hai người lính của NSNA Chu Chí Thành - Ảnh 2.

Tác phẩm Hai người lính, chụp chiến sĩ quân giải phóng (bên trái) và anh lính Sài Gòn

Tuy nhiên, khi bức ảnh gửi về đơn vị đã không được sử dụng vì những yếu tố nhạy cảm thời bấy giờ, nhưng với NSNA Chu Chí Thành, bức ảnh là một hiện thực khó có thể bắt gặp lần thứ hai trong đời nên ông đã xin lại bức ảnh về làm kỷ niệm. Đến nay, trải qua một thời gian dài, bức ảnh Hai người lính của ông Thành tưởng như đã chìm vào quên lãng, nhưng thật may mắn khi ông vẫn lưu giữ bức ảnh đó cho tới tận ngày nay.

Đến năm 2007, tại 2 triển lãm Những thời khắc không quên (Hà Nội) và Ký ức chiến tranh (TP.HCM) của nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành, bức ảnh Hai người lính lần đầu tiên được công bố rộng rãi đến với công chúng. Nhiều người cho rằng đây là "bức ảnh dự báo ngày hòa bình" hay "bức ảnh hướng tới tương lai". Điều này, đã được chính tác giả cảm nhận ngay ở giây phút bấm máy.

Hành trình đến với Giải thưởng Hồ Chí Minh

Cuộc gặp gỡ rất nhanh, rất vui như một cơn mưa rào, nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành khi ấy cũng không kịp ghi lại thông tin về người lính Sài Gòn. Và cho đến tận ngày hôm nay, khi Bắc Nam đã sum họp một nhà hàng chục năm, NSNA Chu Chí Thành cũng đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn canh cánh một nỗi niềm khi thấy mình vẫn còn nợ những nhân vật trong ảnh.

Để tìm lại được hai nhân vật trong bức ảnh, NSNA Chu Chí Thành đã phải nhờ đến sự vào cuộc của cộng đồng mạng, đặc biệt là các báo Tuổi trẻ, Tiền Phong… Với những manh mối ít ỏi, nhưng nhờ sự giúp đỡ của anh em đồng nghiệp, cộng đồng điều tốt đẹp đã đến. Năm 2015, chiến sĩ quân giải phóng Nguyễn Huy Tạo xuất hiện và đến năm 2017, sau nhiều khó khăn và vượt qua cả những mặc cảm, e dè, người lính Sài Gòn Bùi Trọng Nghĩa cũng đã lộ diện.

Nửa thế kỷ với hai người lính của NSNA Chu Chí Thành - Ảnh 3.

Chiến sĩ giải phóng Nguyễn Huy Tạo (bên trái) và người lính Sài Gòn Bùi Trọng Nghĩa gặp lại nhau sau 45 năm tại Quảng Trị vào năm 2018.

"Sau chiến tranh, như hàng triệu người lính, họ trở về với cuộc sống trong hòa bình bên người thân, gia đình ở hai miền đất nước. Khi gặp lại, cả hai đều khá bất ngờ và coi là một kỷ niệm đặc biệt khi nhận thấy mình trong bức ảnh của tôi" – NSNA Chu Chí Thành chia sẻ.

Vào năm 2018, tác giả bức ảnh đã có dịp hội ngộ với hai người lính năm xưa trong một cuộc gặp gỡ đặc biệt. NSNA Chu Chí Thành kể lại: "Vào dịp kỷ niệm 45 năm Hiệp định Paris, tỉnh Quảng Trị có mời tôi và hai anh lính trở lại chiến trường xưa, và chúng tôi đã có cuộc hội ngộ rất cảm động. Lúc đó, tôi cũng cố gắng chụp một bức ảnh hai người lính này lại khoác vai nhau ở mảnh đất chiến trường năm xưa. Về nhà, tôi đã phóng bức ảnh lên quan sát để so sánh, và quá mừng khi nét mặt của của cả 2 đều không thay đổi. Khi bàn tay Tạo đặt trên vai Nghĩa vẫn mở rộng hai ngón y như xưa. Khi ấy tôi mới dám tin rằng đây chính thực là họ, hai người lính tôi tình cờ gặp năm nào".

Nửa thế kỷ với hai người lính của NSNA Chu Chí Thành - Ảnh 3.

NSNA Chu Chí Thành xúc động xem lại các bức ảnh đã chụp

Bức ảnh đã kéo dài câu chuyện đến bây giờ, và nhận thấy bức ảnh có giá trị lịch sử, ý nghĩa rất lớn nên ông đã quyết định đưa bộ ảnh ra xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Theo NSNA Chu Chí Thành cho biết: "Đây là một đề tài tôi ấp ủ rất lâu, tôi nghĩ rằng bức ảnh cũng đã thể hiện được tư tưởng của Bác Hồ là tư tưởng rất lớn. Thứ nhất là tư tưởng giải phóng dân tộc khỏi ách nô dịch của nước ngoài và chính tư tưởng đó đã thay đổi cục diện của đất nước ta, và nước ta đã trở thành ngọn cờ đầu của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Tư tưởng thứ hai là tư tưởng nhân văn của Bác, đã thể hiện được tinh thần của dân tộc Việt Nam như Bác Hồ nói "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một". Từ đó, tôi đã quyết định mang bộ ảnh ra để xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh".

Là một trong 18 tác giả, đồng tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, NSNA Chu Chí Thành bày tỏ: "Tuy bức ảnh của tôi đã được mọi người đánh giá rất cao trong triển lãm vào năm 2007, nhưng khi biết tin mình đạt được giải thưởng cao quý này, tôi vô cùng bất ngờ, vì cách đây 10 năm tôi đã từng đạt Giải thưởng Nhà nước, tôi đã cảm thấy rất vinh dự, nên lần này đạt được Giải thưởng Hồ Chí Minh là một điều ngoài sức tưởng tượng của tôi. Tôi vô cùng xúc động, hạnh phúc khi được giải và tôi còn vui mừng hơn khi bộ ảnh của mình được tất cả mọi người công nhận. Giải thưởng này chính là một vinh dự, niềm tự hào lớn trong cuộc đời của tôi" – NSNA Chu Chí Thành bày tỏ.


Nửa thế kỷ với hai người lính của NSNA Chu Chí Thành - Ảnh 4.

Bức ảnh “Tay bắt mặt mừng”, chụp cảnh người lính Sài Gòn bắt tay nữ du kích xã Triệu Trạch

Sau cùng, sự ghi nhận với bức ảnh Hai người lính không chỉ là giải thưởng hay danh hiệu, mà quan trọng hơn là tư tưởng nhân văn của người Việt Nam được thừa nhận. Hình ảnh về "Hai người lính" mang dấu ấn lịch sử, phản ánh khát vọng hòa bình, hòa hợp dân tộc trong một hoàn cảnh điển hình.

Tác phẩm đã thể hiện sự nhạy bén, cái nhìn có chiều sâu, nhân văn của nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành. Giải thưởng Hồ Chí Minh trao tặng cho tác phẩm này là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp của một nhà báo lão thành cho sự nghiệp nhiếp ảnh, thông tấn nước nhà, và là niềm vui chung của bạn bè, đồng nghiệp./.

Thương Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ