• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2021: Vinh danh những tác phẩm góp phần phát triển VHNT Việt Nam

Văn hoá 10/05/2023 08:00

(Tổ Quốc) - Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2021 sẽ được Bộ VHTTDL tổ chức nhân dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2023). Có 128 tác giả, đồng tác giả được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT, trong đó có 16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Tôn vinh 128 tác giả, đồng tác giả

Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT lần này sẽ được tổ chức trang trọng, tiết kiệm. Đặc biệt, sự kiện cũng được nhân lên nhiều ý nghĩa khi tổ chức đúng dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19.5, diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội và dự kiến sẽ có khoảng 500 khách mời tham dự, gồm lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Bộ VHTTDL, các Ban, Bộ, ngành Trung ương, địa phương. Đặc biệt là các tác giả, đại diện gia đình cố tác giả có tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT.

Trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2021: Vinh danh những tác phẩm góp phần phát triển VHNT Việt Nam - Ảnh 1.

Cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT

Được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này là 8 tác giả: Chu Chí Thành với bộ ảnh Hai người lính (gồm 4 ảnh); Tác giả Võ Nguyên Nhân (Võ An Khánh) với bộ ảnh Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang (gồm 10 ảnh); Đồng tác giả, NSND Đặng Hùng (Đặng Phải, Bồng Sơn) với các tiết mục múa Nước về, Vũ khúc Raklây, Óng ánh tơ vàng; Đồng tác giả, NSND Vũ Việt Cường với tiết mục múa Mâm vàng, tổ khúc múa Sài Gòn ngày ấy, kịch múa Chuyện tình non sông; Đồng tác giả, NSND Lê Văn Khình (Lê Khình) với các tiết mục múa Những bông hoa đỏ của rừng, Những cô gái Phiêng Hào; Đồng tác giả, PGS.TS.NSND Ứng Duy Thịnh với các tác phẩm kịch múa Đất nước, Ngọn lửa và sách Con đường dân gian đến sáng tạo múa chuyên nghiệp; Đồng tác giả, PGS.TS.NSND Nguyễn Thị Hiển với tác phẩm thơ múa Hoa phong lan trên đỉnh Truông Bồn, tiết mục múa Xuân về trên bản Khơ Mú, Bức tranh thôn nữ.

Trong số 8 tác giả được trao tặng Giải thưởng lần này có nhạc sĩ Hồng Đăng (Phan Hồng Đăng) với cụm tác phẩm Lênh đênh, Đêm hành hương về huyền thoại, Buổi tối chuyện một căn nhà nhỏ, Khao khát, Gửi một câu hát cho Tokyo. Ông đã qua đời ở tuổi 86, khi chưa kịp đón nhận Giải thưởng.

8 tác giả, đồng tác giả được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh là nhạc sĩ Văn Ký (Vũ Văn Ký) với giao hưởng thơ Ru con, hành khúc Tiến lên thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh, Hà Nội mùa xuân; Tác giả Nguyễn Văn Chước (Bùi Trang Chước) với thiết kế mẫu Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ ChíMinh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, Quốc huy Việt Nam và tác phẩm Khu gang thép Thái Nguyên; Tác giả Hoàng Châu Ký với sách Tuồng cổ, kịch bản sân khấu Thanh gươm chủ chiến, Trần Quý Cáp; Tác giả Nguyễn Xuân Trình với kịch bản sân khấu Quê hương Việt Nam, Bạch đàn liễu, Đợi đến mùa xuân; Tác giả Nguyễn Xuân Đức với kịch bản sân khấu Ám ảnh, Những mặt người thấp thoáng, Nhiệm vụ hoàn thành, tuyển tập kịch Chứng chỉ thời gian; Tác giả Hoàng Trung Thông (Đặc Công, Bút Châm) với các tập thơ Đường chúng ta đi, Những cánh buồm, Đầu sóng, Tiếng thơ không dứt; Tác giả Bùi Hiển với các tập truyện Trong gió cát, Hoa và thép, Tâm tưởng; Đồng tác giả, NSƯT Phan Thế Dõng (Trần Nhu, Nguyệt Hải) với các phim tài liệu Du kích Củ Chi, Hạt lúa vành đai, Đội nữ pháo binh Long An.

Có 87 tác giả, đồng tác giả được trao tặng Giải thưởng Nhà nước và 25 tác giả, đồng tác giả được truy tặng Giải thưởng Nhà nước đợt này.

Trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2021: Vinh danh những tác phẩm góp phần phát triển VHNT Việt Nam - Ảnh 2.

Bức ảnh trong bộ ảnh Hai người lính- Tác phẩm đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh của tác giả Chu Chí Thành

Trong số đó có nhạc sĩ Đoàn Chí Bổng (Đoàn Bổng) với các ca khúc Hà Nội những kỷ niệm trong tôi, Dòng sông quê anh, dòng sông quê em, Hát về Người; Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn với ca khúc Tổ quốc gọi tên mình (nhạc Đinh Trung Cẩn; thơ Nguyễn Phan Quế Mai), ca khúc Biển nghiêng; Đồng tác giả, NSƯT Trần Ly Ly với cụm tác phẩm tiết mục múa Thiền, Mầm đất, Hạn hán, Dũng sĩ Rừng Sác; NSND Lê Hồng Chương với các phim tài liệu Thang đá ngược ngàn, Muốn được sống, Còn lại với thời gian; Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Á (Nguyễn Á) với sách ảnh Họ đã sống như thế…

Đặc biệt, hai tác giả là anh em ruột cùng được nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT dịp này là nhà văn Nguyễn Văn Thọ với tác phẩm Quyên và NSND Nguyễn Thước với cụm tác phẩm phim tài liệu Không chỉ là thương hiệu, Đất lạnh, Cỏ xanh im lặng.

Trong số 25 tác giả, đồng tác giả được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT đợt này có nhà văn Nguyễn Huy Thiệp với cụm tác phẩm: Truyện ngắn Tướng về hưu, tập truyện ngắn Những ngọn gió Hua Tát; NSƯT Lý Thái Bảo (đồng tác giả) với cụm tác phẩm: Phim truyện điện ảnh Trên vĩ tuyến 17 (đồng đạo diễn), phim tài liệu 2 tập Những chặng đường cách mạng vẻ vang (biên kịch và đạo diễn)…

Góp phần phát triển VHNT Việt Nam

Với nhiều điểm mới trong công tác tổ chức, lễ trao tặng sẽ được phát sóng trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Ngoài ra, trong khuôn khổ sự kiện còn có triển lãm tác giả, tác phẩm được tặng Giải thưởng tại sảnh Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nghệ thuật cũng có sự xuất hiện của các tác phẩm được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước.

Hai anh em Nhà văn Nguyễn Văn Thọ và Đạo diễn Nguyễn Thước được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT dịp này

PGS.TS, Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Phó Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng cho biết, so với đợt xét giải thưởng năm 2016 thì lần này được thực hiện theo một số quy định mới tại Nghị định số 133/2018/NĐ-CP. Theo đó, tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đối với những tác phẩm được công bố, sử dụng từ năm 1993 trở về trước được quy định: Có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển VHNT Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có giá trị đặc biệt xuất sắc về VHNT, về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật…

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng Nhà nước đối với những tác phẩm được công bố, sử dụng từ năm 1993 trở về trước được quy định: Có tác dụng tốt trong giáo dục, xây dựng con người mới, nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân, góp phần đáng kể vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển VHNT Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có giá trị xuất sắc về VHNT, về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật.

Công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2021 được thực hiện theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng và các Nghị định số 90/2014/NĐ-CP; Nghị định số 133/2018/NĐ-CP và Kế hoạch xét tặng Giải thưởng. Quy trình xét tặng được thực hiện chặt chẽ, minh bạch theo 3 cấp Hội đồng: Hội đồng cấp cơ sở; Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước và Hội đồng cấp Nhà nước.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ