(Tổ Quốc) - Tối 27/6, tại TP Đà Nẵng đã diễn ra Lễ công bố quyết định, đón nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm của TP Đà Nẵng và kỷ niệm 5 năm Nghề làm nước mắm Nam Ô được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi cho biết, nhiệm vụ "Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nước mắm Nam Ô của TP Đà Nẵng" thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ Quốc gia đã được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt và chính thức triển khai từ năm 2022.
Sau gần 2 năm thực hiện đến nay, chỉ dẫn địa lý "Nam Ô" cho sản phẩm nước mắm của TP Đà Nẵng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ theo Quyết định số 437/QĐ-SHTT ngày 03/6/2024 của Cục Sở hữu trí tuệ, đây là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của TP Đà Nẵng.
Theo dữ liệu từ Cục Sở hữu trí tuệ có 125 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam cho nhiều loại sản phẩm khác nhau và chỉ dẫn địa lý "Nam Ô" cho sản phẩm nước mắm là 1 trong 3 chỉ dẫn địa lý về sản phẩm nước mắm trên cả nước (gồm nước mắm Phú Quốc, nước nắm Phan Thiết và nước mắm Nam Ô).
"Chỉ dẫn địa lý "Nam Ô" cho sản phẩm nước mắm được bảo hộ sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống Nam Ô nâng cao danh tiếng, phát triển thị trường, bảo vệ giá trị về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm nước mắm truyền thống có lịch sử hàng trăm năm, nâng cao sức cạnh tranh, tạo điều kiện cho sản phẩm nước mắm truyền thống được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước và xuất khẩu", bà Nguyễn Thị Anh Thi cho biết.
Theo Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí, Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Lê Hồng, đây là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của TP Đà Nẵng trong số 139 CDĐL đã bảo hộ tại Việt Nam và là chỉ dẫn địa lý thứ 3 cho sản phẩm nước mắm sau "nước mắm Phú Quốc " và "nước mắm Phan Thiết". Thành quả này thể hiện sự quan tâm chỉ đạo UBND thành phố, các Sở, ngành, sự nỗ lực của doanh nghiệp, người dân trong việc tập trung phát triển, bảo vệ các sản phẩm nông nghiệp và đặc biệt là các đặc sản, gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hóa, truyền thống địa phương. Đây là hướng đi phù hợp với xu hướng của các địa phương trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
"Chúng ta cần phải hoàn thiện quy trình quản lý, kiểm soát chỉ dẫn địa lý để bảo tồn chất lượng và danh tiếng của sản phẩm. Đây là khâu quan trọng, quyết định sự thành công của một chỉ dẫn địa lý và cần sự nỗ lực toàn bộ hệ thống, từ các nhà sản xuất đến các nhà quản lý. Tôi hy vọng rằng UBND quận Liên Chiểu sẽ xây dựng được những giải pháp đồng bộ, hiệu quả về tổ chức sản xuất, tổ chức kiểm soát chất lượng để phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương nói chung và CDĐL nước mắm Nam Ô nói riêng", ông Trần Lê Hồng nói và cho biết, trong bối cảnh thương mại toàn cầu, việc bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý nước mắm Nam Ô sẽ phát huy được giá trị, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, thị trường một cách hiệu quả và bền vững, góp phần ổn định và nâng cao đời sống của người dân tại khu vực địa lý.
Được biết, nghề làm nước mắm Nam Ô đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 2974/QĐ-BVHTTDL ngày 27/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Kết quả sau 5 năm kể từ ngày Nghề làm nước mắm là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Xây dựng và triển khai đề án, kế hoạch bảo tồn, phát triển di sản; hỗ trợ các cơ sở sản xuất nước mắm tại làng nghề trang bị máy móc, thiết bị tiên tiến, đầu tư dụng cụ, bao bì, nhãn mác; tổ chức tư vấn, hướng dẫn cho một số cơ sở tham gia Chương trình OCOP, đạt chứng nhận HACCP; xây dựng chuỗi cung ứng nước mắm an toàn; xây dựng đội tàu 06 chiếc có công suất từ 20-145 CV để đánh bắt cá cơm phục vụ nguồn nguyên liệu cho bà con làng nghề sản xuất nước mắm; xây dựng câu chuyện về sản phẩm nước mắm truyền thống Nam Ô, hỗ trợ vẽ trang trí tranh bích họa giới thiệu về lịch sử hình thành làng Nam Ô...
Song song đó, thành phố và quận cũng đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm nước mắm Nam Ô đến với khách hàng trong và ngoài thành phố, hỗ trợ bà con làng nghề tham gia các đợt hội chợ và giao thương kết nối tại địa phương và các tỉnh lân cận. Cùng với đó, hình thành các điểm bán, trưng bày sản phẩm OCOP, hàng Việt trong đó có nước mắm Nam Ô tại các siêu thị và chợ Hàn, chợ Cồn; kết nối các doanh nghiệp du lịch tiêu thụ sản phẩm làng nghề, đưa sản phẩm nước mắm Nam Ô vào các khách sạn, resort nổi tiếng trên địa bàn thành phố.