(Tổ Quốc) - Nếu đến với đồng bào Rục ở xã Thượng Hoá (Minh Hoá – Quảng Bình) không phải mùa mưa lũ thì du khách sẽ được khám phá về cuộc sống, sinh hoạt và nét văn hoá riêng của người Rục. Nhưng sẽ rất tuyệt vời cho những trải nghiệm của du khách nếu đến với đồng bào Rục mùa lũ, nơi có cảnh quan đặc biệt sau mỗi trận mưa kéo dài…
Hàng năm, vào khoảng cuối tháng 9 đến tháng 11 mưa lớn làm nước ngập ở khu vực Hung Trâu ở xã Thượng Hóa (Minh Hoá). Muốn đến với đồng bào Rục du khách vừa bơi và lặn cùng với việc di chuyển bằng đường bộ mới có thể ngắm khu rừng ngập nước trong xanh như màu ngọc bích mới đến bản Mò O - Ồ Ồ, tham quan bản làng của người Rục...
Chính vì thung lũng ở Hung Trâu này mỗi năm sẽ bị nước lũ nhấn chìm và hơn 1 tháng nước lũ mới rút hết nên sẽ tạo ra một "kỳ quan" thiên nhiên hiếm gặp giữa trùng điệp núi đá vôi. Phía thung lũng trở thành một hồ nước rộng lớn, trong vắt, xanh màu ngọc. Ở mặt hồ, những cây cổ thụ bị nhấn chìm phần gốc, còn phần ngọn nổi trên mặt hồ trong khoảng một tháng.
Với vẻ đẹp tự nhiên đó, du khách có thể đến tham quan, trải nghiệm bằng việc chèo thuyền trên dòng nước lũ trong veo, bơi và lặn ngắm khu rừng dưới nước tại khu vực Hung Trâu sau đó tham quan bản làng của người Rục.
Đến với đồng bào Rục, du khách sẽ được khám phá hang đá của người Rục từng sinh sống và trải nghiệm thực tế cuộc sống này với "hướng dẫn viên" là những người Rục, bên cạnh đó, du khách sẽ mê mẩn với những món ăn đặc trưng của đồng bào Rục như món Ốc Lèn chấm muối cheo tuyệt vời và nhâm nhi li rượu Đoác.
Có thể thấy rằng, Nước lũ hàng năm ở đây rút chậm, tạo thành một hồ nước trong và lặng sóng, đủ an toàn cho hoạt động du lịch do đó du khách được trải nghiệm thực tế vẻ đẹp thiên nhiên và bản sắc độc đáo của đồng bào Rục là một trải nghiệm ấn tượng không bao giờ quên…
Đồng bào Rục sinh sống ở ba bản Ón, Mò o ồ ồ và Yên Hợp xã Thượng Hóa huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Bản làng của đồng bào nằm biệt lập bởi những dãy núi đá vôi bao bọc, giáp với biên giới nước bạn Lào. Vào với đồng bào chỉ có con đường độc đạo duy nhất, con đường nhỏ được bê tông hóa, hai bên đường vách núi cheo leo, cây rừng xanh mướt.
Với hơn 600 nhân khẩu, bà con đồng bào Rục có cách sống đơn giản, suy nghĩ của họ như tờ giấy trắng, dựa vào rừng để sinh tồn, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng đồng bào luôn lạc quan, yêu đời và luôn tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Trước khi rời hang đá, cuộc sống của người Rục dựa vào thiên nhiên, họ để tóc dài quá lưng, không mặc áo quần, dùng lá cây làm dụng cụ che thân, thức ăn chủ yếu là lá cây, quả cây rừng, các loại động thực vật trong rừng như chuột, ốc lèn, ếch nhái. Họ vẫn làm ra lửa để nướng thức ăn, lấy đá làm dụng cụ chặt cây, dùng cây rừng làm dụng cụ săn bắt hái lượm. Đặc biệt, đồng bào Rục sáng tạo ra cách làm rượu Đoác bằng cây rừng tự nhiên, đây là cây có hình dáng như cây dừa.
Sau khi rời hang đá về sống ở bản làng, thời điểm ấy kinh tế vẫn còn khó khăn nên đồng bào Rục chưa được sự đầu tư nhiều của Đảng, Nhà nước, do đó mặc dù về sinh sống trong những căn nhà gỗ nhỏ, đơn sơ do bộ đội biên phòng và Nhà nước hỗ trợ xây dựng, nhưng đồng bào vẫn giữ lối sống săn bắt, hái lượm.
Đồng bào dần biết trồng lúa trên rẫy, nhưng khi trồng lúa họ chỉ gieo hạt xong rồi thả đó, không chăm sóc mà bỏ mặc cho tự nhiên, đến mùa lúa chín vào thu hoạch, nên năm được mùa, năm lại mất mùa. Nhiều gia đình vẫn lén trốn vào hang đá để sinh sống, lấy lá chuối rừng làm chiếu, làm chăn đắp trong những ngày mùa đông.