(Tổ Quốc) - Chiều 29/5, tại Đà Nẵng diễn ra buổi tọa đàm “Ô nhiễm rác thải và các giải pháp phát triển công nghệ điện rác tại Việt Nam”.
Tham tham gia tọa đàm có lãnh đạo Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI); đại diện Hội đồng Tư vấn về Khoa học, Giáo dục và Môi trường (Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam), bộ ban ngành, đại diện các Hiệp hội ngành, các doanh nghiệp liên quan.
Toạ đàm thảo luận, góp ý về thực trạng, ô nhiễm rác thải, nhằm đưa ra giải pháp thúc đẩy và phát triển dự án công nghệ điện rác tại Việt Nam. Đây cũng là dịp để doanh nghiệp cùng các cơ quan chức năng cùng hiến kế cải cách các thủ tục hành chính, góp phần làm xanh môi trường và thúc đẩy nền kinh tế phát triển bứt phá.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, theo thông kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), mỗi năm Việt Nam thải ra 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó, 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, 70% chôn lấp trực tiếp. Tuy nhiên, do tỷ lệ chôn lấp cao gây nhiều vấn đề xã hội bức xúc cũng như tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Trong những năm qua, Chính phủ, Bộ TN&MT khuyến khích các địa phương đủ điều kiện chuyển sang đốt rác phát điện. Nhưng thực tế tại Việt Nam, hiện có nhiều dự án điện rác ở khắp các địa bàn tỉnh thành nhưng phần lớn không mang lại hiệu quả.
Hiện nay, đốt rác phát điện đang là giải pháp tối ưu trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghệ này được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước phát triển như: Nhật Bản , EU, … bởi vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa cung cấp năng lượng cho xã hội.
"Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các dự án điện rác tại Việt Nam chưa phát triển và chưa đem lại hiệu quả như mong đợi. Các cơ chế, chính sách cần phải điều chỉnh như thế nào cho phù hợp", ông Nguyễn Tiến Quang đặt câu hỏi.
Theo ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), ô nhiễm rác thải sinh hoạt, cả ở khu vực thành thị và khu vực nông thôn hiện nay ở Việt Nam là một vấn đề nóng, gây bức xúc trong các cộng đồng dân cư. Đây là một chủ đề quan trọng được người dân, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, nhiều doanh nghiệp cũng như dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Mới đây, Nghị quyết của Bộ Chính trị số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về các vấn đề phát triển bền vững, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường cũng đã có nhiều nội dung nhấn mạnh đến giải quyết ô nhiễm rác thải bằng các công nghệ hiện đại và phù hợp với Việt Nam.
"Trong tương lai cần nhắm tới chủ đề các công nghệ xử lý rác thải. Trong đó, sẽ tổng kết một cách khái quát thực trạng hiện nay, đánh giá các công nghệ đã và đang được áp dụng tại Việt Nam, phân tích nguyên nhân vì sao ô nhiễm rác thải chưa được giải quyết một cách cơ bản và lâu dài. Từ đó, đề xuất định hướng và các giải pháp công nghệ phù hợp", ông Nguyễn Thượng Hiền nói.
Trình bày tại hội thảo tham luận "Công nghệ INTEC-TCP, CHLB Đức - một đột phá trong công nghệ xử lý rác thải ở Việt Nam", ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Halcom Việt Nam, cho biết, có 4 mục đích khi áp dụng công nghệ này.
Thứ nhất, nhằm từng bước thay thế công nghệ chôn lấp rác, hoàn nguyên các bãi rác cũ thành công viên cây xanh hoặc đất sản xuất công nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, không khí, nước mặt, nước ngầm. Thứ hai, cung cấp năng lượng xanh (điện, than cốc sinh học), tái chế và tái sử dụng vật liệu hữu ích được phân loại từ rác.
Thứ ba, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần chống biến đổi khí hậu. Thứ tư, phát triển tổ hợp công nghiệp 4.0 hiện đại, nội địa bước sản xuất các dây chuyền thiết bị điện rác công nghệ Đức cho Việt Nam và Asean.
Ông Huân cho hay, có bốn hệ thống trong nhà máy: Hệ thống xử lý rác cơ – sinh học; Hệ thống khí tổng hợp – INTEC SG Serie; Hệ thống sản xuất điện; Hệ thống sản xuất điện từ nhiệt.
"Công nghệ xử lý rác này sẽ khử được mùi hồi, không cần phân loại rác tại nguồn. Sản phẩm sau xử lý chỉ còn than cốc và singat. Giảm phát thải khí CO2, bảo vệ môi trường, không cần dùng nguyên lioejeu bên ngoài để nung đốt, lượng tro sỉ chỉ có 2%. Nếu vận hành 24 tháng mà không phát ra điện thì phái bảo hiểm sẽ hoàn tiền lại", ông Huân nói.
Theo TS Mai Huy Tân, Chủ tịch, Giám Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức (VIDEBRIDGE), cần gắn việc năng lực tái tạo với bảo vệ môi trường. Khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân và các dự án đầu tư từ dự án PPP. Đi đôi với bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn thì điện rác cũng là một vòng kinh tế tuần hoàn; Phát triển xử lý chất thải trong sản xuất năng lượng với công nghệ tiên tiến. Khuyến khích phát triển công nghiệp môi trường gắn với ngành năng lượng tái tạo.
Ông Tân cho biết, theo tìm hiểu rác thải hiện nay được thực hiện xử lý theo phương án chôn lấp chiếm 75% và phần lớn là chôn lấp không hợp vệ sinh. Việc chôn lấp hợp vệ sinh chỉ tập trung ở các đô thị mới. Thế nhưng việc chôn lấp hợp vệ sinh đang lộ những khuyết điểm cần sửa chữa. Phần lớn các lò đốt rác ở Việt Nam đều là các lò đốt rác công suất thấp và thải ra nhiều tro gây độc hại.
Thông tin về công nghệ xử lý rác thải không chôn lấp của Trung Quốc tại Việt Nam, TS Mai Huy Tân cho biết, hiện nay có 9 dự án của Trung Quốc đang xử lý rác thải với hình thức liên doanh và Trung Quốc chiếm 95% vốn, trong khi đó Việt Nam chỉ có 5% vốn. Hiện chỉ có duy nhất một dự án ở Cần Thơ phát điện vào năm 2018 là dự án thành công hiếm hoi duy nhất ở Việt Nam...
Tại buổi tọa đàm cũng đã diễn ra phiên thảo luận với chủ đề "Vấn nạn từ rác thải và những rào cản, khó khăn, thách thức khiến các nhà đầu tư về công nghệ điện rác tối ưu chưa được “dụng võ” tại Việt Nam?".