(Tổ Quốc) - 15 năm công tác trong ngành giáo dục thì có gần 10 năm gắn bó với miền viễn biên của Tổ quốc, biên giới Việt Nam - Campuchia, và cũng ngần đó năm đi vận động học sinh dân tộc thiểu số đến trường… Đó là câu chuyện về thầy giáo Võ Hoàng Sơn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Võ Nguyên Giáp, thuộc xã Mô Rai, huyện biên giới Sa Thầy (tỉnh Kon Tum).
Bám bản để "gieo chữ" vùng biên
Trường Tiểu học -Trung học cơ sở Võ Nguyên Giáp được thành lập vào năm học 2015, đây là ngôi trường ra đời muộn nhất ở huyện biên giới Sa Thầy. Được biết, trường thành lập để đào tạo cho các con em công nhân của Công ty đang làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế và bảo vệ biên giới do đơn vị Kinh tế Quốc phòng 78 (Công ty 78, thuộc Binh đoàn 15 BQP) hỗ trợ về kinh phí xây dựng ngôi trường…
Nhà trường có tất cả 31 giáo viên (bao gồm cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên), 18 lớp học với 511 học sinh ở cả 2 cấp - hầu hết các em học sinh đều là người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương cũng như dân tộc thiếu số ở miền Bắc vào sinh sống. Điều đặc biệt, nhà trường có nguồn giáo viên mới ra trường theo dạy hợp đồng, họ đã và đang cống hiến tuổi xuân để mang con chữ đến với trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Chúng tôi tìm đến Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Võ Nguyên Giáp (xã Mô Rai) trong những ngày của tháng 11, giữa tiết trời đầy khắc nghiệt của núi rừng Tây Nguyên. Hành trình tìm đến ngôi trường cũng thật gian nan, bởi lẽ chúng tôi phải vượt qua gần 60km cung đường đèo sạt lở mà người dân đặt tên là tuyến đường sạt lở "huyền thoại", những hạt mưa một lúc càng nặng hạt thêm như muốn nói lên niềm vất vả của những giáo viên đi "gieo chữ" nơi miền viễn biên của tổ quốc Việt – Cămpuchia.
Trước mắt chúng tôi là hình ảnh của ngôi trường nhỏ nhưng cũng đầy khang trang nằm trọn vẹn giữa bạt ngàn cây cao su, và được bao quanh bởi núi rừng nguyên sinh của vùng biên… Tiếp đón chúng tôi là "ông giáo làng" – thầy Sơn, ấn tượng đầu tiên về thầy có lẽ không có gì khác ngoài dáng người nhỏ nhắn với giọng nói đặc sệt của người con xứ Nghệ.
Gặp chúng tôi, thầy Sơn vui vẻ mời vào trường. Qua những lời hỏi thăm được biết "ông giáo làng" quê ở huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An). Vào năm 2004, khi tốt nghiệp trường sư phạm thì thầy Sơn đã chọn Tây Nguyên làm nơi "gieo chữ", sau đó được lãnh đạo phòng GD&ĐT huyện phân công đi "cắm bản" ở điểm trường vùng sâu – vùng xa, để rồi thầy giáo trẻ năm nào giờ đây tóc đã điểm sương nhưng vẫn quyết tâm bám trụ vùng biên cương của tổ quốc.
"Bản thân mình rất may mắn khi được hoạt động trong ngành giáo dục, nhất là được gắn bó với trẻ em nghèo vùng biên giới, cho dù ở đây có khó khăn và thiếu thốn nhưng gặp các em học sinh rồi thì tôi cũng như các đồng nghiệp của mình đều không nỡ bỏ đi", thầy Sơn chia sẻ.
Theo thầy Sơn, từ năm 2011 – 2015 thầy công tác ở Trường THCS Ya Xiern, đây cũng là điểm trường đặc biệt khó khăn của huyện vùng biên Sa Thầy. Nói về quãng thời gian gắn bó với các em học sinh nơi đây, thầy Sơn nhớ lại: "Mình cũng như những giáo viên khác ở vùng sâu – vùng xa thôi, khó khăn thì có lẽ vẫn là quá trình vận động các em học sinh đi học. Mình có một kỷ niệm không bao giờ quên ở ngôi trường này là đi vận động em A Khiên, cứ mỗi lần leo bộ vào rẫy vận động em đi học là em lại bỏ trốn, thậm chí cả ba mẹ em cũng không muốn cho em đi học vì không có tiền. Thế nhưng, với quyết tâm cao thì cuối cùng mình cũng vận động cho em được đi học hết lớp 9, rồi em mới nghỉ học".
Cũng từ năm 2015 đến nay, thầy Sơn lại tiếp tục được nhận công tác ở xã biên giới Mô Rai của huyện Sa Thầy: "Vì đây là xã biên giới nên trách nhiệm cũng như tấm lòng của những người giáo viên như chúng mình càng phải nhiệt huyết và quyết tâm hơn nữa. Các em học sinh ở đây chiếm 99,9% là người đồng bào dân tộc thiểu số với cuộc sống khó khăn, chính vì lý do đó nên cha mẹ các em cũng không muốn cho con đi học. Và rồi chúng tôi là tiếp tục công cuộc đi vận động, đưa các em quay lại trường học, tính đến thời điểm hiện tại thì đã gần như là ổn định.
Đó là những khó khăn về học sinh, còn khó khăn nữa là thiếu cơ sở vật chất – phương tiện dạy học, đồ dùng học sinh đều đi mượn trường khác về dạy học. Chưa hết, nhà trường còn thiếu phòng ở cho giáo viên, đặc biệt là thiếu nước sinh hoạt trầm trọng… Dù có khó khăn, vất vả thiếu thốn đến đâu thì chúng tôi, những người làm công tác giáo dục vẫn cứ động viên nhau, cùng nhau bám bản để "gieo chữ", hơn hết là góp một phần công sức nhỏ bé để bảo vệ biên giới của Tổ quốc", thầy Sơn cho biết thêm.
Chia sẻ yêu thương với học sinh nghèo
Sau khi tâm sự về khó khăn của thầy và trò nơi vùng biên xong, thì thầy Sơn cũng không quên khoe với chúng tôi về những "chiến tích" mà tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đạt được. Đó là mô hình kinh tế, có vườn rau, cây ăn quả, vài bụi măng, rồi nuôi thêm con gà, con vịt… tất cả đều nhằm cải thiện bữa ăn của giáo viên và học sinh nơi đây.
Không chỉ là người thầy, "ông giáo làng" còn được biết đến với vai trò là cha của rất nhiều học sinh nghèo ở ngôi trường này. Khi được hỏi về những hoàn cảnh học sinh khó khăn, thầy Sơn cười rồi nói: "Hầu hết, những em học sinh của trường chúng tôi đều rất khó khăn về kinh tế, nên tập thể giáo viên nhà trường thường trích tiền lương ít ỏi của mình để giúp đỡ các em. Cũng có một số trường hợp học sinh muốn đi học mà không có giấy tờ hợp pháp để đi học nên tôi chấp nhận "làm liều" nhận các em vào học trước rồi làm giấy tờ sau. Đó là trường hợp của 2 em Lý Văn Lộc và Bằng Văn An, cả 2 em đều là người đồng bào Sán Dìu, theo gia đình vào làm công nhân cho Công ty cao su Duy Tân. Có một điều hết sức phấn khởi vì 2 em học sinh này sau khi được nhà trường tạo điều kiện đều có thành tích học tập rất tốt, đứng nhất, nhì trong trường".
Được biết "ông giáo làng" cũng thường xuyên kêu gọi từ thiện như quyên góp quần áo, xin sách cũ… để giúp đỡ các em học sinh nghèo. Đặc biệt là hoàn cảnh của em Y Thu (học sinh lớp 5, đang theo học tại trường) người đồng bào dân tộc thiểu số Rơ Măm: "Em Y Thu có hoàn cảnh hết sức khó khăn, hơn nữa lại mắc bệnh tim bẩm sinh. Vì vậy tôi cũng như tất cả các giáo viên nhà trường đều giúp đỡ em, đồng hành cùng em để vượt qua căn bệnh. Tôi đã đưa Y Thu vào bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng khắm và làm thủ tục… và dự kiến khi nào học sinh tôi mổ tim thì tôi vẫn mong lãnh đạo phòng GD&ĐT huyện Sa Thầy tạo điều kiện cho phép tôi đưa học sinh mình đi mổ tim", thầy Sơn chia sẻ.
Trên thực tế, công việc giảng dạy ở vùng viễn biên nói chung đều rất khó khăn, thế nhưng những khó khăn đó qua lời kể của "ông giáo làng" cũng như các thầy cô giáo nơi đây khiến chúng tôi thấy thật nhẹ nhàng. Bởi lẽ, ở họ - những con người "gieo chữ", bám bản vùng biên đều mang trong mình trái tim nhân hậu.
Có một điều hết sức "lạ" rằng, khi chúng tôi hỏi duy nhất một câu hỏi rằng: nếu được chuyển về trung tâm thị trấn giảng dạy thầy có sẵn sàng về không? Ngay lập tức câu trả lời của thầy Sơn lại là không muốn về, tất cả chỉ vì một lý do duy nhất, đó là: "Tôi cũng như các giáo viên ở đây thương các em".
Thương các em học sinh chỉ có thể xuất phát từ một trái tim biết chia sẻ yêu thương, và sự chia sẻ yêu thương ấy đều có ở tất cả các giáo viên nơi đây. Họ là những con người dám chấp nhận rời xa quê hương, dám cống hiến tuổi xuân nơi viễn biên của Tổ quốc… để rồi cũng chính những người giáo viên ấy đã và đang ươm mầm cho thế hệ mai sau.