(Tổ Quốc) - Xung quanh sự việc cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà và các cán bộ tại ngân hàng này bị khởi tố, dự án chăn nuôi bò nghìn gần 5.000 tỷ đồng tại Hà Tĩnh đang được dư luận quan tâm.
- 30.11.2018 Việc ông Trần Bắc Hà bị bắt không ảnh hưởng gì tới hoạt động và quyền lợi của khách hàng tại BIDV
- 29.11.2018 Khám xét nhà ở hai “trợ thủ” của ông Trần Bắc Hà ở Hà Tĩnh
- 29.11.2018 BIDV khẳng định hoạt động ổn định sau thông tin bắt cựu Chủ tịch Trần Bắc Hà
- 29.11.2018 Khởi tố ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch Ngân hàng BIDV
Số lượng bò nhập về của Bình Hà giảm dần theo từng năm. (Nguồn: VNE)
Ngày 29/11, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Bắc Hà để điều tra về tội "vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" theo điều 206 Bộ luật hình sự năm 2015.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, trước mắt, ông Trần Bắc Hà bị bắt vì có những sai phạm liên quan đến việc BIDV cho Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà (Bình Hà) ở Hà Tĩnh vay tiền để triển khai dự án chăn nuôi bò.
Cụ thể, dự án nuôi bò giống và bò thịt của Công ty CP chăn nuôi Bình Hà được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 15/4/2015 với quy mô 254.200 con/năm, tổng mức đầu tư 4.582 tỉ đồng.
Dự án được triển khai trên diện tích 2.163,5 ha tại 3 xã, gồm: Cẩm Quan (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) và xã Kỳ Tây (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Ban đầu, mục tiêu của dự án là quy hoạch phát triển chăn nuôi, trồng cỏ. Hàng trăm héc ta diện tích đất rừng sản xuất, đất trồng hoa màu, trồng lúa của người dân các xã Cẩm Mỹ, Cẩm Quan (huyện Cẩm Xuyên) và Kỳ Tây, Kỳ Hợp (huyện Kỳ Anh) được thu hồi để triển khai dự án này.
Khi đó, theo đề án của Công ty CP chăn nuôi Bình Hà, dự án chăn nuôi này được coi là siêu dự án không chỉ tại Hà Tĩnh mà cả khu vực miền Trung, khi sử dụng nguyên liệu cỏ, con giống và công nghệ đều được nhập khẩu từ nước ngoài và thực hiện trên quy mô lớn.
Dự án này được BIDV chấp thuận cho vay 3.162 tỉ đồng. Trong đó, vốn tín dụng dài hạn là 2.190 tỉ đồng, vay ngắn hạn để nhập khẩu bò giai đoạn 1 và 2 là 970 tỉ đồng. Đến thời điểm đầu năm 2016, BIDV đã giải ngân 810 tỉ đồng.
Sau khi được BIDV giải ngân vốn, Bình Hà đã xây 65 chuồng trại, 19 hệ thống kho chứa và các công trình phụ trợ trên 68ha đất, trồng 678ha cỏ để nuôi bò…
Sau 2 năm, từ tháng 5/2015 đến tháng 6/2017, Bình Hà đã nhập về 43.387 con bò thịt nhưng đến năm 2018, số bò còn lại chỉ còn 782 con. Theo báo cáo của Bình Hà, dự án nuôi bò năm 2016 lỗ hơn 200 tỉ đồng.
Hiện toàn bộ diện tích trồng cỏ đã bị phá dỡ, chuyển qua trồng chuối.
Lý giải vấn đề này, Công ty Bình Hà cho rằng việc trồng và phát triển cánh đồng cỏ chưa phù hợp với thổ nhưỡng, không đạt yêu cầu về sản lượng và chất lượng phục vụ chăn nuôi, vì thế đã tái cơ cấu, chuyển đổi trồng chuối, dự kiến là 575ha.
Được biết, hiện Bình Hà đã trồng được 202ha chuối nhưng là tự phát.Việc làm này không đúng với chấp thuận đầu tư của tỉnh.
Ông Hoàng Văn Sơn, phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Tĩnh, cho biết Công ty Bình Hà báo cáo chuyển đổi diện tích đất trồng cỏ nuôi bò sang trồng chuối nhưng chưa được tỉnh chấp thuận. Ông Sơn cũng cho rằng, công ty này trồng chuối nhưng chưa có chủ trương. Việc trồng chuối ở vùng đất này sẽ không chịu được mưa bão.
Liên quan đến dự án này, Công an Hà Tĩnh đã khởi tố bị can, bắt ông Đinh Văn Dũng (cựu Tổng giám đốc Công ty Bình Hà) và cấm đi khỏi nơi cư trú với ông Nguyễn Xuân Lương (Giám đốc Công ty Tân Đại Việt) để điều tra tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, theo điều 355 Bộ luật hình sự 2015.
Theo tài liệu điều tra, trong quá trình thực hiện dự án nuôi bò Bình Hà tại hai huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên năm 2015-2016, ông Dũng và phía công ty đối tác do ông Lương đứng đầu bị cho rằng đã nâng khống khối lượng dự án, chiếm đoạt 110 tỷ đồng.