• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

PGS Nguyễn Trọng Phúc: Xây dựng được văn hóa liêm chính sẽ đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm

Thời sự 27/03/2023 08:33

(Tổ Quốc) - Trong bài viết "Đấu tranh phòng, chống tiêu cực: một việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược!" đăng ở phần 1 cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần đề cập đến khái niệm "liêm chính" và nhấn mạnh nhu cầu xây dựng "văn hóa liêm chính".

PGS Nguyễn Trọng Phúc: Xây dựng được văn hóa liêm chính sẽ đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm - Ảnh 1.

PGS Nguyễn Trọng Phúc - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng

Để hiểu rõ hơn về liêm chính và văn hóa liêm chính, phóng viên Báo điện tử Tổ quốc đã có cuộc trao đổi với PGS Nguyễn Trọng Phúc - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng.

- Thưa ông, trong cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" vừa được cho ra mắt mới đây, cũng như trong nhiều bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến vấn đề liêm chính. Theo ông, chữ liêm chính ở đây được hiểu như thế nào?

+ Liêm chính là truyền thống của dân tộc ta. Ở trong thời kỳ phong kiến, nhân dân rất trọng những bậc quan thanh liêm, trong sạch, không lợi dụng chức quyền để tham ô, tham nhũng, vơ vét của cải về bản thân. Đó chính là truyền thống văn hóa của dân tộc ta trải qua nhiều đời nay rồi.  

Khi nói đến văn hóa dân tộc Việt Nam, phải nói đến 4 yếu tố, mà ta gọi là một nước văn hiến: thứ nhất là văn hóa; thứ hai là học vấn; thứ ba là đạo đức; thứ 4 là cái đẹp. Bốn yếu tố này làm nên một quốc gia văn hiến.

Có thể thấy rằng, trong truyền thống văn hiến có yếu tố văn hóa, đạo đức. Tôi nghĩ rằng, từ liêm chính có gốc gác từ chuẩn mực văn hóa và đạo đức của dân tộc.

Trong tác phẩm "Đường cách mệnh" năm 1927 của Bác Hồ đã nhấn mạnh 23 điểm tư cách của người cách mệnh, trong đó vấn đề liêm chính cũng đã được đề cập rất rõ. Trong đó, Bác đã nhấn mạnh cụm từ người cách mệnh phải ít lòng tham muốn về vật chất. Có nghĩa là phải giữ trong sạch, thanh liêm như các bậc tiền nhân.

Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" năm 1947, tư cách, phong cách đạo đức của người cách mệnh, thậm chí là tư cách của Đảng cách mệnh cũng đã được Bác đề cập ở cụm từ "Cần kiệm, liêm chính". Sau này, trong thời kỳ lãnh đạo cách mạng, Bác và Đảng ta cũng luôn luôn rèn luyện cán bộ theo chuẩn mực liêm chính được khai thác từ hai khía cạnh đó là đạo đức, văn hóa.

Và ở trong giai đoạn hiện nay, Tổng Bí thư đã nhiều lần nhắc đến từ liêm chính. Đây cũng là tư tưởng chủ đạo của tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" vừa được cho ra mắt. Bởi có giữ liêm chính mới tránh được sai phạm khác.

Việc đề cao liêm chính cũng chính là xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng hiện nay. Một trong những chuẩn mực đó là " cần kiệm liêm chính, chí công, vô tư". Nếu mình "xây" tốt ở các cán bộ quản lý, thì việc xây dựng Đảng về đạo đức sẽ thành công. Qua đó sẽ đẩy lùi được tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lạm quyền để mưu lợi riêng.

Theo tôi, chữ liêm chính cần nhận thức ở trên góc độ cả văn hóa và đạo đức.

- Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến liêm chính trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa như thế nào thưa ông?

+ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến vấn đề liêm chính trong bối cảnh tình trạng suy thoái, tha hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, Đảng viên đang diễn ra hết sức nhức nhối.

Điểm qua một số vụ án tham ô, tham nhũng lớn được Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban đưa ra "ánh sáng" như vụ án liên quan đến Công ty Việt Á, hay chuyến bay giải cứu khiến nhiều cán bộ cấp cao "ngã ngựa" chúng ta có thể hiểu vì sao Tổng Bí thư lại đề cập đến sự liêm chính trong giai đoạn hiện nay.

Tôi cho rằng, trong hoàn cảnh này đòi hỏi Đảng phải hết sức nghiêm về mặt kỷ luật. Phải tập trung xây dựng Đảng về mặt đạo đức một cách chuẩn mực hơn nhằm nâng cao tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, Đảng viên.

Như tôi đã nói ở trên, liêm chính là truyền thống của dân tộc nhưng trong thời kỳ Đảng ta lãnh đạo thì vấn đề này lại được đề cao, phát triển rất mạnh mẽ. Bác Hồ là người đề cao tính "cần kiệm liêm chính, chí công vô tư". Không chỉ trong Đảng, trong 6 lời dạy Công an nhân dân của Bác Hồ, điều đầu tiên đó là "đối với tự mình phải cần kiệm liêm chính" .

Như vậy, liêm chính đó là đạo đức, phẩm giá của người cộng sản, chiến sĩ cách mạng.

Ở khía cạnh thứ 2, tôi cho rằng, bên cạnh với việc đề cao tính liêm chính trong cán bộ, Đảng viên, ngay bản thân Đảng cũng phải hoàn thiện về mặt pháp luật để kiểm soát quyền lực cho tốt, như Tổng Bí thư đã nhiều lần nhấn mạnh đó là "nhốt quyền lực trong lồng cơ chế".

PGS Nguyễn Trọng Phúc: Xây dựng được văn hóa liêm chính sẽ đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm - Ảnh 2.

PGS Nguyễn Trọng Phúc: Xây dựng phẩm chất liêm chính cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là nền tảng để xây dựng Đảng và Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Nếu kiểm soát quyền lực tốt thì việc tự tu dưỡng rèn luyện của cán bộ đảng viên cũng có cơ sở để phát triển. Còn nếu buông lơi thì những tiêu cực có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Liêm chính phải bắt đầu từ hai phía, một là người cán bộ phải thực sự tu dưỡng theo chuẩn mực văn hóa, đạo đức. Ở chiều ngược lại, Đảng cũng phải kiểm soát quyền lực thật tốt để không tạo ra môi trường để tham ô, tham nhũng. Từ đó, cán bộ sẽ không muốn, không dám tham ô, tham nhũng.

- Cán bộ liêm chính là những "khắc tinh" của các ý đồ, hành vi tham nhũng, tiêu cực. Vấn đề đặt ra, làm thế nào để bảo vệ sự liêm chính cho mỗi cán bộ liêm chính để văn hóa liêm chính thực sự thấm sâu, lan tỏa trong cơ quan công quyền?

+ Công việc xây dựng Đảng bắt đầu từ xây dựng đội ngũ cán bộ. Xây dựng phẩm chất liêm chính cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là nền tảng để xây dựng Đảng và Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Xây dựng và chỉnh đốn đội ngũ cán bộ phải bắt đầu từ xây dựng nền tảng đạo đức. Xây dựng nền tảng đạo đức phải đi từ sự liêm chính. Liêm chính không chỉ là đạo đức của cá nhân, của xã hội mà còn là đạo đức của Đảng, phản ánh trí tuệ, văn hóa của Đảng, bảo đảm bản chất tốt đẹp của Đảng. Có liêm chính thì Đảng trong sạch, vững mạnh, Đảng sẽ "là đạo đức, là văn minh".

Mỗi cán bộ liêm chính sẽ góp phần tạo nên đội ngũ liêm chính, hệ thống liêm chính. Việc xây dựng văn hóa liêm chính, chú trọng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lương tâm và danh dự cho mỗi cán bộ, đảng viên đòi hỏi những giải pháp căn cơ, lâu dài. Đây chính là gốc rễ, nền tảng để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Chúng ta đã có quy định để khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, vượt qua khó khăn thách thức vì lợi ích chung.

Những cán bộ quản lý, nếu họ thực hiện được những cái "dám" đó thì phần lớn họ là những người liêm chính, trong sạch, có trình độ và năng lực thực sự. Những người cán bộ như thế ở trong bộ máy Nhà nước của chúng ta rất nhiều.

Làm sao để phát huy, bảo vệ họ bằng cơ chế chính sách chứ không chỉ đơn giản hô hào bảo vệ. Bởi vì, những cán bộ tốt đó thường bị cán bộ xấu tìm cách cô lập, dè bỉu, chê trách, bịa đặt để tạo ra những "cái bẫy" để họ mắc vào các sai lầm, khuyết điểm.

Trong từng tổ chức Đảng, cấp ủy, tổ chức chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị, điều quan trọng nhất để bảo vệ cán bộ liêm chính đó là phải biết nhận diện, phát hiện được những cán bộ liêm chính, biết trọng danh dự, nhân phẩm, tư cách đạo đức người cộng sản. Sau khi nhận diện được họ thì mới nghĩ đến việc ngăn chặn được "phần tử xấu"  làm hại cán bộ tốt.

Bên cạnh đó, để bảo vệ cho văn hóa liêm chính trong bộ máy nhà nước, cũng cần tiếp tục thúc đẩy mạnh công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Đó là những biểu hiện rõ nét của sự liêm chính từ cấp vĩ mô. Phải tăng công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình sẽ đẩy lùi các ý đồ "bất liêm", "bất chính".

Đồng thời, ở góc độ cá nhân, việc nêu gương của cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu đơn vị trong việc giữ gìn phẩm chất liêm chính sẽ là "đầu tàu" mạnh mẽ kéo theo sự tự giác của quần chúng trong cơ quan. Với từng cá nhân đảng viên cần nhấn mạnh ý thức liêm chính - trong đó có danh dự, liêm sỉ, đạo đức của mình - để có bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm và dũng khí chống lại các ý đồ cũng như những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực.

Cùng với đó, việc thông tin, tuyên truyền, giáo dục nhằm vun đắp ý thức trách nhiệm, trọng danh dự sẽ góp phần tôn vinh văn hóa liêm chính của đội ngũ cán bộ và làm tươi mới bầu không khí lạc quan trong cả hệ thống chính trị.

Ở đây còn một điểm nữa đó là chúng ta phải bảo vệ chính trị nội bộ thật tốt. Bộ Chính trị đã có Nghị quyết riêng về bảo vệ chính trị nội bộ. Ở thời kỳ nào thì vấn đề này cũng đều được đề cao để tránh những phần tử cơ hội len lỏi vào bên trong phá hoại bộ máy của Đảng, của Nhà nước. Sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội của Liên Xô đã để lại cho chúng ta một bài học rất thấm thía về công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

Xin cảm ơn ông!

Thế Công (thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ