(Tổ Quốc) - BS Trương Hữu Khanh-Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cảnh báo như vậy về việc “đồn thổi” chích vắc xin nhiều gây nguy cơ con trẻ bị tự kỷ. Nguyên nhân đến từ rất nhiều nguồn thông tin không chính thống, không rõ ràng với vô vàn lập luận vô căn cứ của hội anti-vacxin.
BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cảnh báo như vậy về việc “đồn thổi” chích vắc xin nhiều gây nguy cơ con trẻ bị tự kỷ |
Ngày 6/7, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM đã diễn ra buổi chia sẻ xoay quanh chủ đề về hậu quả của việc anti vắc xin .
Liên tiếp 3 năm gần đây, ngành y tế liên tục chống chọi với dịch sởi với nhiều ca nguy kịch do biến chứng đường hô hấp. Đầu năm nay, dịch ho gà, bạch hầu bùng phát dữ dội sau nhiều năm yên ắng vắng bóng trên bản đồ bệnh tật.
Theo BS Trương Hữu Khanh, khái niệm anti vắc xin có thể xuất phát và đồn thổi từ nghiên cứu của một bác sĩ người Anh được công bố 1998 đã dấy lên sự lo lắng trong dư luận, về mối liên hệ giữa việc chích ngừa và tự kỷ. Tuy nhiên, sau đó những số liệu trong nghiên cứu bị phát hiện là giả mạo và những kết quả trong nghiên cứu này không còn được công nhận trong y khoa.
Do đó, anti vắc xin không có gì mới và lạ. Tuy nhiên, có những người quan tâm đến anti vắc xin sẽ “sục sạo”, hoặc chỉ cần thấy bài báo nào đó nghi ngờ tác dụng không mong muốn của vắc xin sẽ đưa lên mạng xã hội để tạo hiệu ứng theo mong muốn của bản thân.
Chẳng hạn, một gia đình chính con của họ khi sinh ra có khiếm khuyết nào đó. Những khiếm khuyết này thường là mang tính bẩm sinh. Nhưng trong thời điểm trẻ từ 1 đến 3 tuổi phải tiếp xúc nhiều với vắc xin nên nhiều cha mẹ đã đổ thừa cho chích vắc xin.
Cha mẹ đưa con trẻ đến viện Pastuer TPHCM để chích ngừa vắc xin |
“Cách đây 20 năm, khi tôi mới đi làm thì ho gà, bạch hầu rất nhiều. Thời điểm này tôi có khuyên người ta anti vắc xin thì chẳng ai có nghe. Nhưng giờ bệnh các bệnh này đã rất thấp thì việc anti vắc xin có thể xảy ra. Tuy nhiên, khi dịch bệnh này quay trở lại thì việc trả giá rất đắt, đó là bằng sinh mạng của hàng triệu trẻ” – BS Trương Hữu Khanh nói.
Cũng theo BS Trương Hữu Khanh, mình không thể so sánh với các nước phương Tây. Có những nước hiện họ đã anti vắc xin nhưng họ phải điều chỉnh để trẻ đi chích ngừa. Ở Mỹ còn đặt ra luật không chích ngừa vắc xin thì không đi học và đi học phải có lịch chích ngừa. Tất cả các nước đều có lịch tiêm chủng mở rộng hết, nếu không khi xảy ra dịch thì hậu quả sẽ rất khôn lường.
“Cho đến nay, những vắc xin đưa ra ngoài thị trường và chích ngừa cho trẻ xảy ra một số phản ứng không mong muốn chỉ là mang tính cá thể, cơ địa - nghĩa là cơ địa đó thì mới bị. Về vấn đề này thì không thể bàn được còn nếu vin vào những trường hợp “sốc” vì tính cơ địa mà bỏ chích vắc xin là điều không nên”- BS Trương Hữu Khanh cho biết thêm.