• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phải xem điện ảnh là một phần của ngành công nghiệp văn hóa để có cơ chế thúc đẩy, vận hành như một ngành kinh tế

Thời sự 27/08/2021 20:07

(Tổ Quốc) - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần phải xem điện ảnh là một phần của ngành công nghiệp văn hóa, đòi hỏi phải có cơ chế thúc đẩy, vận hành điện ảnh như một ngành kinh tế, tuân theo các quy luật thị trường, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Phải coi điện ảnh là một phần của ngành công nghiệp văn hóa để có cơ chế thúc đẩy, vận hành như một ngành kinh tế - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp.

Sáng nay (27/8), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự và cho ý kiến tại Phiên họp mở rộng Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Cùng dự phiên họp có ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc Hội; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Nhìn nhận điện ảnh là một phần của ngành công nghiệp văn hóa

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc của cơ quan soạn thảo là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, người có kinh nghiệm, các cộng tác viên.

Phải coi điện ảnh là một phần của ngành công nghiệp văn hóa để có cơ chế thúc đẩy, vận hành như một ngành kinh tế - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc của cơ quan soạn thảo là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Theo dự kiến, trong tháng 9/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội. Để chuẩn bị tốt cho dự án Luật trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu dự Phiên họp thẩm tra quan tâm, tiếp tục thảo luận và lưu ý về một số vấn đề.

Ông Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần nhìn nhận điện ảnh ở hai góc độ: là một loại hình nghệ thuật, phải bảo đảm các yêu cầu về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; và là một phần của ngành công nghiệp văn hóa, đòi hỏi phải có cơ chế thúc đẩy, vận hành điện ảnh như một ngành kinh tế, tuân theo các quy luật thị trường, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

"Luật khi ban hành phải phục vụ tốt yêu cầu về sự tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền sáng tạo, hưởng thụ giá trị văn hóa, nghệ thuật của người dân và cộng đồng"- Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) đặt ra vấn đề xây dựng nền điện ảnh Việt Nam hội nhập quốc tế cũng như khuyến khích phát triển thị trường điện ảnh trong nước; Xem xét các quy định về điện ảnh trong bối cảnh khoa học, công nghệ đang phát triển mạnh mẽ và tác động trực tiếp, làm thay đổi thị hiếu người xem; Cần đặc biệt quan tâm đến các chính sách phát triển điện ảnh, xây dựng hệ sinh thái sản xuất phim, khuyến khích xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài cho phát triển điện ảnh; Các quy định về sở hữu trí tuệ và quảng cáo trong tác phẩm điện ảnh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần rà soát các quy định thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước, nhất là liên quan đến thẩm định, cấp phép phân loại phim, xuất khẩu phim, nhập khẩu phim, phát hành phim; cấp phép đối với liên hoan, giải thưởng, cuộc thi phim… trên tinh thần phải đổi mới, thông thoáng hơn, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh, khuyến khích toàn xã hội tham gia phát triển điện ảnh.

Phải coi điện ảnh là một phần của ngành công nghiệp văn hóa để có cơ chế thúc đẩy, vận hành như một ngành kinh tế - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, Ủy ban sẽ tổng hợp các ý kiến tại phiên họp để Ban soạn thảo tiếp thu, tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Luật, đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra.

Để hoàn thiện dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, các cơ quan tổ chức về điện ảnh, tham khảo kinh nghiệm của các nước có nền điện ảnh phát triển.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng yêu cầu Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục nghiên cứu sâu, tiếp thu các góp ý; thực hiện việc thẩm tra dự án Luật đúng quy trình, quy định với chất lượng cao nhất, đồng thời, tiếp tục tổ chức xin ý kiến góp ý trên tinh thần "xin ý kiến càng rộng, càng sâu càng tốt", nhất là ý kiến các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đối tượng chịu tác động trực tiếp của Luật để có đầy đủ cơ sở lý luận, thực tiễn trong việc chuẩn bị báo cáo thẩm tra, báo cáo tiếp thu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua đạt chất lượng, tiến độ đề ra.

Nghiêm túc, đúng quy trình trong soạn thảo dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Bày tỏ cảm ơn và xin tiếp thu các ý kiến nhằm tiếp tục hoàn thiện dự Luật, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong thời gian qua, Bộ VHTTDL đã triển khai nghiêm túc việc soạn thảo dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), thực hiện đúng quy trình theo quy định pháp luật.

Phải coi điện ảnh là một phần của ngành công nghiệp văn hóa để có cơ chế thúc đẩy, vận hành như một ngành kinh tế - Ảnh 4.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại phiên họp.

Trong quá trình này, Ban soạn thảo đã bám sát các nhóm chính sách, đặc biệt là 4 quan điểm xây dựng dự án Luật nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nền điện ảnh vừa là một ngành nghệ thuật, vừa là một ngành kinh tế. Từ khâu sản xuất, phát hành và phổ biến phim, tiếp cận ở góc độ văn hóa, có thể nhìn nhận đây là quá trình sản xuất một sản phẩm, nhưng là sản phẩm nghệ thuật đặc thù.

Bộ trưởng nhìn nhận, dự thảo Luật vẫn cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung, mục đích để có được một bộ luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Đặc biệt, phải xem xét toàn diện hơn và làm rõ tính tương thích giữa Luật Điện ảnh (sửa đổi) với các luật khác.

"Thực tiễn rất phong phú, yêu cầu đặt ra ngày càng cao. Cơ quan chủ trì soạn thảo mong muốn các Ủy ban, các Bộ, ngành có sự chia sẻ và đóng góp ý kiến cụ thể để tiếp tục hoàn thiện, trình Quốc hội dự Luật sát nhất với yêu cầu đặt ra…", Bộ trưởng phát biểu.

Nêu một số vấn đề xuất phát trong thực tiễn của lĩnh vực điện ảnh thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, điện ảnh Việt Nam qua các thời kỳ luôn khẳng định được vai trò quan trọng của mình với nhiều tác phẩm đi cùng năm tháng. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay đang cho thấy có nhiều vấn đề cần nhìn nhận và điều chỉnh phù hợp. Chẳng hạn như chính sách Nhà nước đặt hàng sản xuất phim; cơ chế khuyến khích, thu hút các nhà làm phim tham gia hoạt động điện ảnh...

Bên cạnh đó, việc quản lý phim trên không gian mạng, quy định sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước…là những vấn đề rất khó và trên thực tế cũng là những nội dung có nhiều ý kiến trái chiều. Ngoài ra, vấn đề lựa chọn hình thức sản xuất phim Nhà nước theo hình thức giao nhiệm vụ và đặt hàng hoặc đấu thầu cũng là việc ban soạn thảo rất trăn trở.

Lãnh đạo Bộ VHTTDL cũng đề cập đến sự cần thiết có Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Đây là mô hình quen thuộc ở nhiều nền điện ảnh trên thế giới. Quỹ Điện ảnh ra đời sẽ góp phần hỗ trợ các lĩnh vực mà Nhà nước chưa đầu tư như: hỗ trợ các dự án phim, phim của tác giả trẻ, mục tiêu để có nhiều tác phẩm điện ảnh chất lượng, đáp ứng nhu cầu của công chúng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, các ý kiến tại phiên họp đều cho thấy sự mong muốn Luật Điện ảnh (sửa đổi) ngày càng hoàn thiện hơn, "tuổi thọ" cao hơn và đáp ứng những yêu cầu đặt ra, không chỉ thuần túy về mặt quản lý Nhà nước mà còn nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật điện ảnh cho nhân dân; hỗ trợ bằng công cụ pháp luật để điện ảnh trở thành một ngành công nghiệp văn hóa phát triển.

Nhiều quy định hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn

Theo Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông trình bày, sau gần 15 năm thi hành, Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) cho thấy nhiều quy định hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn, không tương thích với hệ thống pháp luật liên quan; việc áp dụng một số quy định còn khó khăn, vướng mắc.

Phải coi điện ảnh là một phần của ngành công nghiệp văn hóa để có cơ chế thúc đẩy, vận hành như một ngành kinh tế - Ảnh 5.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và mạng xã hội đã tác động, làm thay đổi cả về quy trình, phương thức sản xuất, phát hành, phổ biến phim và cách tiếp cận, thụ hưởng tác phẩm điện ảnh của người dân, đòi hỏi cần phải sửa đổi Luật.

Về tổng thể, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 52 điều; kế thừa các quy định hiện hành hợp lý; sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới, trong đó bổ sung 1 chương về quảng bá, xúc tiến, phát triển điện ảnh; bổ sung mới 19 điều; sửa đổi, bổ sung nhiều quy định của Luật hiện hành để khắc phục bất cập trong thực tiễn.

Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) nhằm phát triển ngành công nghiệp điện ảnh, xây dựng thị trường điện ảnh theo tinh thần của Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Thường trực Ủy ban cho rằng dự thảo Luật cần bổ sung các cơ chế, chính sách có tính đột phá đối với hoạt động điện ảnh./.

Thế Công - Ảnh: Trần Huấn

NỔI BẬT TRANG CHỦ