• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phân công soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống ma túy

Pháp luật 19/05/2021 21:04

(Tổ Quốc) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống ma túy được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 11.

Cụ thể, Bộ Công an chủ trì soạn thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy (Khoản 5 Điều 11, Khoản 2 Điều 13, Khoản 2 Điều 14, Khoản 3 Điều 17, Điều 18, Điều 19, Khoản 6 Điều 23). Thời hạn trình ban hành Nghị định này trước ngày 15/10/2021.

Bộ Y tế chủ trì soạn thảo Nghị định quy định về cơ sở y tế đủ điều kiện được xác định tình trạng nghiện ma túy, hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy (Khoản 6 Điều 27). Thời hạn trình ban hành Nghị định này trước ngày 15/10/2021. Đồng thời chủ trì soạn thảo Thông tư của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn và quy trình xác định tình trạng nghiện (Khoản 7 Điều 27). Thời hạn trình ban hành Thông tư này trước ngày 15/11/2021.

Phân công soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống ma túy - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì soạn thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy (Khoản 3 Điều 29, Khoản 9 Điều 30, Khoản 5 Điều 31, Khoản 6 Điều 34, Khoản 7 Điều 35, Khoản 1 Điều 36, Khoản 6 Điều 40, Khoản 3 Điều 47 Luật Phòng, chống ma túy và Khoản 3 Điều 110, Khoản 8 Điều 131 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi bổ sung năm 2020). Thời hạn trình ban hành Nghị định này trước ngày 15/10/2021.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo văn bản có trách nhiệm bảo đảm chất lượng, tiến độ xây dựng các nghị định quy định chi tiết các nội dung được Luật giao, trình Chính phủ theo Quyết định này.

Đối với các nghị định vừa để quy định chi tiết điều khoản được giao trong Luật, vừa để hướng dẫn thi hành các nội dung thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ phải tuân thủ đúng trình tự và thủ tục ban hành nghị định theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Ban hành các thông tư quy định chi tiết các nội dung được Luật giao, bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật, không để tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản.

Phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản; thường xuyên đôn đốc, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và người đứng đầu được phân công chủ trì soạn thảo, trình văn bản; công khai nội dung công việc, tiến độ, kết quả cụ thể từng giai đoạn trên Cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ.

Ngày 30/3/2021, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Phòng, chống ma túy (Luật số 73/2021/QH14). Luật được xây dựng và thông qua nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết, khách quan để thể chế hóa quan điểm của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ trong phòng, chống ma túy, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới, đặc biệt là công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện.

Luật Phòng chống ma túy gồm 8 chương với 55 điều, quy định về phòng, chống ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.

Luật Phòng chống ma túy có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

PV

NỔI BẬT TRANG CHỦ