(Tổ Quốc) - Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam phát hành bộ tem "Trò chơi dân gian"; Bảo tàng Hà Nội tiếp nhận 8 kỷ vật kháng chiến; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức buổi trò chuyện "Âm hưởng linh thiêng" là những thông tin văn hóa nổi bật.
Phát hành bộ tem "Trò chơi dân gian"
Nhân dịp Tết thiếu nhi 1.6.2020, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam phát hành bộ tem "Trò chơi dân gian" gồm 4 mẫu tem và 1 blốc nhằm góp phần quảng bá và bảo tồn các giá trị văn hóa của trò chơi dân gian Việt Nam.
Bộ tem được thiết kế tràn lề với khuôn khổ 43x32mm nhằm góp phần quảng bá và bảo tồn các giá trị văn hóa của trò chơi dân gian Việt Nam.
Cụ thể, 4 mẫu tem thể hiện 4 trò chơi dân gian phổ biến của Việt Nam là ô ăn quan, nhảy dây, rồng rắn lên mây và bịt mắt bắt dê. Trên blốc là trò chơi kéo co.
Dựa trên phong cách tranh dân gian Hàng Trống, họa sỹ thiết kế tem Tô Minh Trang (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) đã dùng những nét vẽ to khỏe để vẽ viền các khối hình họa nhân vật trẻ em.
Biểu cảm, nét mặt các nhân vật tạo nên những dấu ấn thị giác về một thế giới tuổi thơ trong mỗi người. Những chỗ hở của nền giữa nét viền và hình trẻ em đã tạo nên một không gian ước lệ mang tính dân gian...
Nét nổi bật trong bộ tem là màu sắc sinh động, bắt mắt. Những hình khối ngộ nghĩnh, đáng yêu thu hút mọi đối tượng, lứa tuổi. Khi được đặt cạnh nhau, hình ảnh của cả bộ tem như tái hiện thời kỳ thơ ấu của nhiều người. Đó là những giây phút vui vẻ, chơi đùa bên bạn bè, tuổi học trò hồn nhiên trong sáng...
Trò chơi dân gian không đơn thuần chỉ dành cho trẻ em chơi đùa mà trong đó chứa đựng những nét văn hóa độc đáo và giàu bản sắc của dân tộc ta. Các trò chơi dân gian giúp nuôi dưỡng tâm hồn trẻ em, giúp các em rèn luyện kỹ năng sống, giáo dục thể chất, phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, sự khéo léo.
Qua trò chơi, các em thêm hiểu, trân trọng tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước. Trò chơi dân gian nước ta có nhiều thể loại, phù hợp với các sở thích, cá tính các đối tượng người chơi. Mỗi trò lại có một quy luật riêng, mang những sắc thái khác nhau khiến trẻ em chơi suốt ngày mà không thấy chán.
Sự kiện thiết thực nhằm giới thiệu đến trẻ em trong nước và quốc tế về một nét văn hóa truyền thống đáng tự hào của người Việt Nam.
Tiếp nhận 8 kỷ vật kháng chiến
Bảo tàng Hà Nội vừa tiếp nhận 8 hiện vật từ 7 cựu chiến binh quê gốc Hà Nội hiện sinh sống tại tỉnh Phú Thọ.
Các hiện vật bao gồm: Cáng cứu thương đơn vị trang bị sử dụng khi tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị từ năm 1972 do cựu chiến binh Đỗ Văn Thịnh, sinh năm 1952 trao tặng.
Ca gò từ ống pháo sáng ở chiến trường Quảng Trị, tháng 12-1971, do cựu chiến binh Nguyễn Văn Ấm, sinh năm 1940 trao tặng.
Ca gò từ súng chống tăng B90 (chiến lợi phẩm thu được của Mỹ) ở chiến trường Quảng Trị, tháng 12-1971 do cựu chiến binh Hà Minh Kha, sinh năm 1950 trao tặng.
Lược làm từ xác máy bay Mỹ bị bắn rơi ở Hà Nội, năm 1967, do cựu chiến binh Ngô Văn Dụng, sinh năm 1940 trao tặng.
Áo thun là chiến lợi phẩm thu được của Mỹ ở sân bay Ái Tử, Quảng Trị, năm 1972 do cựu chiến binh Đỗ Quang Nghĩa, sinh năm 1949 trao tặng.
Hộp gạt tàn thuốc lá gắn trên xe Jeep là chiến lợi phẩm thu được của Mỹ trong Chiến dịch Thượng Đức, Quảng Nam, năm 1974, do cựu chiến binh Phạm Quốc Phúc, sinh năm 1955 trao tặng.
Dao găm, ăng-gô đơn vị trang bị sử dụng tại chiến trường Quảng Trị năm 1972 do cựu chiến binh Bùi Văn Bình, sinh năm 1953 trao tặng.
Được biết, trước khi các cựu chiến binh tỉnh Phú Thọ trao 8 hiện vật tặng Bảo tàng Hà Nội thì các hiện vật này đã được cựu chiến binh Bùi Văn Bình sưu tầm về trưng bày tại nhà riêng của ông ở Khu 3, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh từ nhiều năm nay. Nơi đây như một bảo tàng thu nhỏ với hơn 1.500 hiện vật của hơn 255 cựu chiến binh tặng.
Những hiện vật của các cựu chiến binh ở tỉnh Phú Thọ là nguồn tư liệu quý giá, mang đậm tính nhân văn, có ý nghĩa quan trọng đối với công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Đây là nguồn hiện vật bổ sung kịp thời vào những phần còn thiếu trong trưng bày giới thiệu cho khách tham quan, tăng thêm nguồn hiện vật chiến tranh, đa dạng chủng loại hiện vật tại bảo tàng.
Trò chuyện về nghệ thuật hát Văn
Để giúp những người yêu di sản cha ông hiểu hơn về nghệ thuật Chầu văn và hát Then của dân tộc, CLB Tuyên truyền Văn hóa - Lịch sử (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) sẽ tổ chức buổi trò chuyện "Âm hưởng linh thiêng".
Chầu văn và hát Then là hai loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Nhắc tới loại hình nghệ thuật truyền thống này, người ta liên tưởng tới những gì xưa cũ. Nhưng những câu ca, lời hát ấy là lời ru của bà, của mẹ, là ước vọng gửi gắm của ông cha...
Bằng niềm tự hào và mong muốn phát huy giá trị văn hóa dân tộc, CLB Tuyên truyền Văn hóa - Lịch sử tiếp tục mang tới các chương trình mang sắc màu văn hóa dân gian.
Buổi trò chuyện "Âm hưởng linh thiêng" lấy chủ đề là loại hình nghệ thuật Chầu văn và hát Then sẽ là không gian để chúng ta cùng sống trong tiếng ca, tiếng hát ngàn đời nay của cha ông.
Buổi trò chuyện có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân và các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, sẽ diễn ra vào 9h ngày 7.6 tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.