• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phát huy giá trị áo dài thời Nguyễn trong đời sống đương đại

Văn hoá 22/12/2022 17:08

(Tổ Quốc) - Ngày 22/12, tại TP Huế, Sở VH&TT Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội thảo "Phát huy giá trị áo dài thời Nguyễn trong đời sống đương đại, xây dựng Huế trở thành kinh đô áo dài Việt Nam".

Hội thảo là một hoạt động khoa học nằm trong Đề án "Huế kinh đô áo dài Việt Nam" do Sở VH&TT Thừa Thiên Huế chủ trì và bắt đầu triển khai từ tháng 8/2021, sau khi đề cương đề án được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt tại Quyết định 2065/QĐ-UBND.

Hội thảo này cũng là sự kế thừa các cuộc hội thảo về chủ đề bảo vệ, phát huy giá trị di sản áo dài Việt Nam do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Sở KH&CN, Sở VH&TT Thừa Thiên Huế chủ trì tổ chức trong các năm trước đây.

Phát huy giá trị áo dài thời Nguyễn trong đời sống đương đại - Ảnh 1.

Quang cảnh tại hội thảo.

Theo Ban tổ chức, hội thảo lần này đã nhận được 23 bài viết và một số ý kiến đăng ký tham luận của các học giả, nhà nghiên cứu, nhà quản lý cùng các nhà thiết kế, doanh nhân, đại diện các đơn vị tổ chức sự kiện... liên quan đến lĩnh vực thiết kế, may đo, trình diễn, phân phối áo dài truyền thống đến từ Hà Nội, Huế và TPHCM. Nội dung các bài viết, tham luận khá phong phú, bám sát chủ đề hội thảo là "Phát huy giá trị áo dài thời Nguyễn trong đời sống đương đại, xây dựng Huế trở thành kinh đô áo dài Việt Nam".

Phát huy giá trị áo dài thời Nguyễn trong đời sống đương đại - Ảnh 2.

Các đại biểu trao đổi, đóng góp ý kiến.

Cụ thể, có các nhóm bài viết với các nội dung: Tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá về nguồn gốc, vị thế, vai trò cũng như giá trị đặc biệt của của áo dài truyền thống trong dòng chảy lịch sử của Thừa Thiên Huế nói riêng, Việt Nam nói chung; Vai trò của các hội đoàn, cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản áo dài trong đời sống đương đại; Thể chế, chính sách và kinh nghiệm quốc tế để bảo vệ, tôn vinh và phát huy di sản áo dài; Vấn đề làng nghề truyền thống, nguyên vật liệu, kỹ thuật, giải pháp để bảo tồn, phát triển nghề may áo dài truyền thống và các phụ kiện liên quan... Ngoài ra còn có bài tổng thuật ý kiến cộng đồng đối với việc triển khai đề án "Huế kinh đô áo dài Việt Nam" do phòng Quản lý Văn hóa & Gia đình thuộc Sở VH&TT Thừa Thiên Huế thực hiện.

Phát huy giá trị áo dài thời Nguyễn trong đời sống đương đại - Ảnh 3.

Các đại biểu tham quan một số mẫu áo dài trưng bày bên lề hội thảo.

Tại hội thảo, các tác giả và đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận để làm rõ hơn một số vấn đề như: Các giải pháp để bảo vệ, phục hồi, nâng cao giá trị và phổ biến, lan tỏa áo dài truyền thống trong bối cảnh hiện nay; Các chính sách, sáng kiến để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết kế, may đo, sản xuất, trình diễn, phân phối áo dài truyền thống; Giải pháp nào để sớm thể chế hóa và xây dựng được các chính sách để bảo vệ, tôn vinh và phát huy giá trị áo dài truyền thống.

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH&TT Thừa Thiên Huế cho hay, việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho Sở VH&TT nghiên cứu, triển khai đề án "Huế - kinh đô ảo dài Việt Nam" là rất phù hợp với xu thế thời đại, phù hợp với chủ trương "phát triển nhanh và bền vững, dựa trên nền tảng của di sản, văn hóa và bảo tồn bản sắc văn hóa Huế" mà Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ về con đường xây dựng và phát triển của Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát huy giá trị áo dài thời Nguyễn trong đời sống đương đại - Ảnh 4.

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH&TT Thừa Thiên Huế phát biểu tại hội thảo.

"Đề án này cũng rất phù hợp với Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt tại Quyết định 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021, trong đó một trong năm quan điểm cơ bản là: "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học". Việc triển khai thành công đề án sẽ là một ví dụ cụ thể, điển hình về việc đóng góp của công nghiệp văn hóa cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước mà Chính phủ phấn đấu sẽ đạt khoảng 7% GDP của quốc gia vào năm 2030", TS Phan Thanh Hải nhấn mạnh.

Lê Chung

NỔI BẬT TRANG CHỦ