(Tổ Quốc) - Phát huy giá trị văn hóa vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển du lịch ở Quảng Bình chính là việc kết hợp giữa việc bảo tồn di sản văn hóa vật thể và khai thác chúng để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, nhằm thu hút du khách và mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương. Muốn thực hiện được điều này một cách bền vững thì phải đảm bảo các giá trị văn hóa truyền thống không bị mai một, từ đó mới phát huy giá trị văn hoá phi vật thể để phát triển du lịch…
- 13.11.2024 Cần những giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Chứt ở tỉnh Quảng Bình
- 17.10.2024 Quảng Bình: Nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số
- 05.10.2024 Quảng Bình: Tập huấn cho đội ngũ cán bộ triển khai thực hiện Dự án 6
Có thể thấy rằng, việc xây dựng mô hình trao truyền văn hóa truyền thống cho nội bộ cộng đồng tộc người là phương thức đầu tiên để chính các thế hệ trong nội bộ tộc người trao truyền và tiếp nhận văn hóa truyền thống của mình, trong đó có các tri thức liên quan đến văn hóa vật thể. Thực tế cho thấy rằng, chính tộc người này hiểu hơn về văn hóa của chính mình, khơi dậy niềm tự hào về văn hóa của mình. Có như vậy thì việc bảo tồn văn hóa mới thực sự bền vững.
Tái hiện đời sống của tộc người
Đơn cử từ việc xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm, khám phá cuộc sống trong các hang đá trước đây của người Chứt ở vùng lõi của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là một ý tưởng độc đáo, nhằm mang lại cho du khách những trải nghiệm về lối sống "hang động" của người Chứt trong môi trường tự nhiên đặc biệt. Mô hình này không chỉ giúp bảo tồn văn hóa, mà còn phát huy giá trị du lịch sinh thái và văn hóa.
Mặc dù ngày nay người Chứt không còn sống trong hang đá, nhưng việc tái hiện lại loại hình cư trú này trong mô hình du lịch có giá trị trong việc giữ gìn ký ức lịch sử và văn hóa của tộc người này; đồng thời giúp du khách hiểu khả năng thích nghi của người Chứt với điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên.
Việc tái hiện này giúp du khách sẽ có cơ hội sống trong hang đá, tham gia vào các hoạt động như săn bắt, hái lượm, nấu ăn bằng các phương tiện thô sơ và tìm hiểu về cách người Chứt sử dụng các tài nguyên tự nhiên để sinh tồn; ngủ trên chiếu lá; nấu ăn bằng củi lửa và tham gia vào các hoạt động sinh hoạt truyền thống của người Chứt.
Đây là cách để du khách cảm nhận rõ ràng và sâu sắc về cuộc sống cổ xưa, gắn bó với thiên nhiên hoang dã. Việc tái hiện và giới thiệu cuộc sống trong hang đá của người Chứt không chỉ giúp bảo tồn văn hóa đặc trưng của họ mà còn tạo điều kiện để nâng cao nhận thức của du khách về sự đa dạng văn hóa ở Quảng Bình…
Kết nối cùng du lịch
Có thể thấy rằng, đối với các sản phẩm du lịch dành cho du khách, ngoài việc tái hiện cuộc sống trong hang đá và mô hình du lịch trải nghiệm, có thể kết hợp với các hoạt động khám phá hang động nổi tiếng khác ở Phong Nha - Kẻ Bàng, thám hiểm hang động, leo núi, khám phá rừng nguyên sinh. Điều này sẽ giúp du khách có một trải nghiệm toàn diện về văn hóa gắn với thiên nhiên ở tỉnh Quảng Bình.
Du khách sẽ có cơ hội gần gũi, hiểu hơn về thiên nhiên, từ đây, họ sẽ thúc đẩy họ có các hành động thiết thực để bảo vệ hệ sinh thái độc đáo của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nói riêng và môi trường sống nói chung.
Để thực hiện hiệu quả cần được đào tạo những nhân tố nòng cốt và toàn bộ người dân về kỹ năng bảo tồn văn hóa, sự tự tin trong việc tham gia vào các hoạt động du lịch. Việc tăng cường giáo dục và nhận thức về bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên trước tiên đối với chính cộng đồng người Chứt là vô cùng cần thiết.
Quan trọng nhất vẫn là nguồn từ chính cộng đồng tộc người bản địa để họ trở thành những người hướng dẫn du lịch, người tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hay giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống cho du khách. Tạo nguồn thu nhập ổn định cho cộng đồng người Chứt là động lực để họ tiếp tục bảo tồn và phát huy văn hóa tộc người gắn với di sản thiên nhiên vô giá.
Tuy nhiên, khi phát triển các mô hình du lịch, cần chú ý đến việc bảo vệ di sản tự nhiên và di sản văn hóa của các tộc người trong khu vực. Các hoạt động du lịch cần hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và môi trường sống của các tộc người. Đồng thời cần có những chiến lược quảng bá mạnh mẽ, tích hợp trải nghiệm văn hóa người Chứt vào các tour du lịch sinh thái tại Quảng Bình để thu hút du khách trong nước và quốc tế.