• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phát huy giá trị văn hóa gia đình truyền thống Việt Nam

25/06/2018 14:58

(Cinet)- Những giá trị truyền thống tốt đẹp, được hình thành từ nhiều thế hệ gia đình luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển xã hội..

(Cinet)- Những giá trị truyền thống tốt đẹp, được hình thành từ nhiều thế hệ gia đình luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển xã hội..

Ảnh minh họa. Nguồn: Minh Quyền

Giá trị truyền thống – kết tinh chuẩn mực đạo đức dân tộc

Trong gia đình Việt truyền thống có ba giá trị, chuẩn mực đạo được đề cao, bao gồm “gia đạo”, “gia phong” và “gia lễ”. “Gia đạo” là đạo đức gia đình, tức là những chuẩn mực, quy tắc đạo đức được gia đình coi trọng. Cụ thể có thể kể đến như con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, vợ chồng thủy chung, anh chị em đoàn kết trên thuận dưới nhường. Trong đó, “đạo hiếu” là giá trị được đề cao nhất, là vốn quý của dân tộc được hun đúc gia đình Việt qua nghìn năm lịch sử. Điều đó thể hiện bản sắc của một dân tộc trân trọng cội nguồn, gốc rễ của mình.

 “Gia phong” được hiểu là thói nhà, tập quán và giáo dục trong một gia tộc. Trong một gia tộc, gia phong được hình thành từ ông bà, cha mẹ và giáo dục cho thế hệ con cháu. Đó là việc xây dựng gia đình và tái tạo cho các con cháu sau này những chuẩn mực văn hóa đạo đức. Gốc rễ của gia phong nằm ở đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, thể hiện qua lòng hiếu thảo, phụng dưỡng ông bà cha mẹ, thờ cúng tổ tiên…

“Gia lễ” là những nghi lễ, tập tục trong một gia đình, được thể hiện qua cung cách ăn nói, đi đứng, cách ứng xử trở thành truyền thống gia đình mà ông bà, cha mẹ truyền lại cho con cháu.

Các giá trị truyền thống được coi trọng trong gia đình truyền thống đều xuất phát từ chuẩn mực đạo đức, văn hóa. Từ nền tảng đạo đức, các giá trị truyền thống hướng đến những hành động, ứng xử tốt đẹp của các thành viên trong gia đình. Nhờ vậy, gia đình trở thành khối vững chắc, là hạt nhân quan trọng trong xã hội. Từ gia đình, những giá trị đạo đức được lan tỏa ở những cấp cao như làng xã, Tổ quốc. Chính tại gia đình là nơi “gieo mầm” những tình cảm tốt đẹp như lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường… Vì thế, giá trị truyền thống gia đình là sức mạnh tiềm tàng của dân tộc, là động lực để xây dựng và bảo vệ đất nước trong chiều dài hàng nghìn năm lịch sử.

Trong xã hội hiện đại, những giá trị đạo đức truyền thống vẫn được duy trì và phát huy. Sự phát triển của xã hội hiện đại dẫn đến sự thay đổi cơ cấu và quan hệ trong một gia đình. Tuy vậy, gia đình vẫn là nhân tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa. Đó là nơi đầu tiên con người được học những giá trị đạo đức và hình thành những phẩm chất tốt đẹp. Các công dân tốt từ những nhà khoa học cho đến những người nông dân, đang cống hiến cho sự phát triển của đất nước, đều được nuôi dưỡng từ “cái nôi” là gia đình. Những giá trị đạo đức tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc dân tộc, những đặc trưng làm nên hai tiếng “Việt Nam”.

Phát huy giá trị truyền thống trong sinh hoạt

Gia đình là nơi sum vầy, đoàn tụ, là tổ ấm thân thương và bình yên nhất mà con cháu trở về sau chuỗi ngày làm việc vất vả. Trong cuộc sống hiện đại, gia đình Việt Nam có nhiều thay đổi như giảm dần những gia đình nhiều thế hệ, con cái trưởng thành xây dựng gia đình thường đi ở riêng, tác động của cuộc sống hiện đại, sự bùng nổ thông tin mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế... Thế nhưng, không gian sinh hoạt gia đình đầm ấm vẫn được duy trì. Đặc biệt không khí đầm ấm được kết tinh trong khoảnh khắc đời thường, đó là bữa cơm gia đình.

Ảnh minh họa. Nguồn: baotuyenquang.com.vn

Bữa cơm trước hết là sự tâm huyết, tình cảm của những người phụ nữ với cả gia đình. Từ xa xưa cho đến xã hội hiện tại, dù bận trăm công nghìn việc, những người bà, người mẹ, người chị vẫn dành thời gian để chuẩn bị những món ăn ngon cho cả gia đình. Hiện nay, ngoài phụ nữ, nhiều người đàn ông cũng rất quan tâm đến bữa cơm và cùng chuẩn bị đồ ăn. Bữa cơm trở thành sợi dây gắn kết các thành viên trong gia đình.

Bữa cơm cũng là những khoảnh khắc sum họp. Sự tôn trọng, yêu thương, chăm sóc của mỗi thành viên trong gia đình được hình thành từ những bữa cơm giản dị. Con trẻ thể hiện sự kính trọng với ông bà, cha mẹ qua từng cử chỉ ăn uống. Trong bữa cơm, cha mẹ có dịp hỏi han tình hình học hành của con, trao đổi những ý tưởng, tâm tư với con; vợ chồng thể hiện tình yêu thương, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau; anh chị em hòa thuận... Vì vậy, sau ngày làm việc bận rộn, thưởng thức những bữa cơm không chỉ đơn thuần là nơi mọi người cùng ăn những món ngon mà đặc biệt hơn, đó là sự gắn kết giữa các thành viên, hình thành nên truyền thống gia đình.

Bữa cơm gia đình như chất xúc tác để mỗi thành viên trong gia đình luôn cảm thấy hạnh phúc và bình yên. Và như thế, khi nghĩ về bữa cơm gia đình sau một ngày mệt mỏi, mọi người sẽ mong được về nhà, chỉ đơn giản để tìm những phút bình yên.

Gia đình trong xã hội hiện đại có nhiều thay đổi nhưng những giá trị truyền thống vẫn bền vững qua thời gian, được nhiều thế hệ vun đắp và xây dựng. Đó là điều không thể thiếu để hình thành, phát triển nhân cách cá nhân nói riêng và xây dựng gia đình văn hóa, đất nước văn minh trong bất cứ thời kỳ nào nói chung.

Anh Vũ

NỔI BẬT TRANG CHỦ