(Tổ Quốc) - Các nghệ nhân, già làng, trưởng bản ở vùng dân tộc thiểu số chính là những hạt nhân, là đầu tầu gương mẫu, có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn, vận động và trao truyền cho con em mình, đồng bào mình bảo tồn kho tàng văn hóa quý báu của dân tộc.
Nghệ nhân- nòng cốt bảo tồn di sản văn hóa
Già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín là những người có kinh nghiệm với vốn sống và đạo đức chuẩn mực, là tấm gương sáng quy tụ, trở thành "trụ cột" của bản làng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển mạnh mẽ của đất nước, các giá trị văn hóa truyền thống bị tác động bởi những giá trị văn hóa mới. Làm sao để giá trị cũ không bị mất đi có vai trò rất lớn của các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Ðứng trước những thách thức của quá trình phát triển, đội ngũ nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng, các già làng, trưởng bản là sợi dây níu giữ các yếu tố bản địa, đặc trưng và sắc thái văn hóa riêng của dân tộc mình không bị hòa tan. Là người kế tục các di sản, là linh hồn của cộng đồng dân cư, những nghệ nhân còn là kho tư liệu đồ sộ, "cơ sở dữ liệu" văn hóa vật thể và phi vật thể, phản ánh, thực hành và truyền dạy các giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa tộc người. Việc nhìn nhận đúng vai trò của nghệ nhân trong bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của cộng đồng tộc người càng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Là chủ thể sáng tạo của di sản, đồng thời là một thành viên trong cộng đồng dân cư, nghệ nhân có thể là những nghệ sĩ, những người thợ giỏi, nắm bí quyết nghề được cộng đồng tin tưởng. Với khả năng thực hành nghệ thuật diễn xướng và cả nghề truyền thống, họ miệt mài cống hiến, sáng tạo, truyền dạy điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống cho lớp cháu con.
Trong xây dựng đời sống văn hóa hiện nay, thông qua lao động, học tập, các nghệ nhân tiếp tục khẳng định vai trò, truyền đạt giúp người dân thay đổi nhận thức, bài trừ và đẩy lùi các hủ tục lạc hậu như ma chay nhiều ngày, tục cướp vợ, hôn nhân cận huyết... Họ còn nắm bắt tâm tư nguyện vọng và tham gia cùng cộng đồng tháo gỡ khó khăn, dạy dỗ, bảo ban thế hệ trẻ lòng tự hào và trách nhiệm về bản sắc văn hóa riêng có của dân tộc mình, từ đó vận động mọi người chung tay xóa đói, giảm nghèo, gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.
Trước xu thế giao lưu và hội nhập mạnh mẽ, số nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng ít dần đi mà không có lớp kế cận. Ðể giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, bên cạnh vai trò quản lý và định hướng của Nhà nước, các chính sách hiệu quả về bảo tồn văn hóa, di sản... cần có những cơ chế đặc thù đãi ngộ, động viên và tôn vinh đội ngũ nghệ nhân kịp thời, để họ phát huy mọi khả năng đóng góp cho công tác bảo tồn văn hóa truyền thống. Những chính sách này sẽ góp phần phát huy vai trò, tính sáng tạo của nghệ nhân trong bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời giúp họ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công tác bảo tồn di sản cho đội ngũ kế cận.
Muốn vậy, cần thường xuyên tạo điều kiện để các nghệ nhân, người có uy tín giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về cách làm hay, mô hình hiệu quả trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc Việt Nam; giúp họ nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của mình trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình, ý thức được tầm quan trọng việc trao truyền cho thế hệ sau, thể hiện bản lĩnh thông qua việc lựa chọn và bảo vệ những giá trị di sản văn hóa tộc người, địa phương trước sự xâm lấn văn hóa.
Làm gì để phát huy vai trò chủ thể văn hóa
Các nghệ nhân dân tộc thiểu số được coi là hạt nhân trong việc giữ gìn, bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc. Cần chính sách đặc thù để bảo tồn hiệu quả văn hóa các dân tộc. Cần thống nhất đưa mục tiêu, nhiệm vụ bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số nói chung, đặc biệt là văn hóa các dân tộc rất ít người vào nghị quyết của các cấp ủy đảng, kế hoạch của chính quyền các cấp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Xác định cơ chế đặc thù riêng để bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc thiểu số từ Trung ương đến cơ sở…
Nghệ nhân Lý Kin Siểu (dân tộc Dao đỏ ở Bát Xát, Lào Cai) cho biết, người Dao đỏ ở Lào Cai có lễ cúng rừng với thông điệp, rừng là mẹ nuôi sống con người và con người cũng phải biết giữ rừng, bảo vệ rừng... là một phong tục đẹp, được ví như một sợi dây tâm linh nối dài qua nhiều thế hệ. Ngày nay, trong lễ cúng rừng người Dao chúng tôi gắn với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đó là có những quy ước bảo vệ rừng, không được chặt phá rừng. Chúng tôi tuyên truyền đến đồng bào người Dao mục đích giữ rừng, có rừng sẽ có nước để cho bà con nhân dân phát triển.
"Trong lễ cúng rừng hằng năm, người Dao đỏ ở Lào Cai được hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự chung tay của các doanh nghiệp, hỗ trợ, tuyên truyền cho người dân tiếp về các di sản văn hóa, truyền cho các thế hệ. Nhờ đó bà con càng nâng cao ý thức bảo vệ rừng"- Nghệ nhân Lý Kin Siểu cho biết.
Nghệ nhân Hoàng Giang Lâm (Dân tộc Cao Lan, tỉnh Vĩnh Phúc) thì mong mỏi có chế độ đãi ngộ đối với những người nắm giữ văn hóa của dân tộc.
"Mong có chính sách tạo điều kiện, kinh phí hỗ trợ cho các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số để chúng tôi có thể hoạt động được. Đồng thời có kinh phí hỗ trợ cho các nghệ nhân hoạt động. Bản thân tôi được Chủ tích nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân từ năm 2015 nhưng đến giờ tôi chưa nhận được một đồng nào động viên cả. Dù nhỏ thôi nhưng là động lực để động viên cho các nghệ nhân cố gắng sưu tầm, đào tạo truyền dạy cho thế hệ sau. Như hiện nay, tôi đi truyền dạy nhưng phải xin con tiền xăng, lại còn đi mất công mất việc. Tuổi chúng tôi thì không nói làm gì nhưng với lớp trẻ là các nghệ nhân kế cận họ phải làm kinh tế, nuôi gia đình"- nghệ nhân Hoàng Giang Lâm chia sẻ.
Đồng quan điểm này, nghệ nhân Lý Thị Lả (dân tộc Thái) cho rằng, muốn giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc phải có chế độ để bồi dưỡng cho các cháu theo học. Nhưng bao nhiêu lần tôi đề nghị với tỉnh, thành phố chưa trả lời có hay không.
Theo nghệ nhân Lý Thị Lả, hiện bà đang duy trì 3 đội văn nghệ gồm 3 lứa tuổi là các cháu thiếu nhi; lứa tuổi từ 30-40 tuổi và từ 50 tuổi trở lên nhưng không có nguồn kinh phí nào cả. Bản thân bà được tỉnh hỗ trợ 2-3 triệu nhưng phải lấy lương của mình ra đề bồi dưỡng cho các học viên.
Nghệ nhân Lý Thị Lả mong muốn có sự hỗ trợ để những câu lạc bộ giữ gìn phong tục tập quán bản sắc văn hóa dân tộc các địa phương có thể duy trì, phát triển.
Nghệ nhân Xìn Văn Phong thì cho rằng, hiện nay, điều đáng lo ngại là tiếng nói, chữ viết, trang phục của cộng đồng các dân tộc đang mai một. Thực tế, nhiều gia đình dân tộc thiểu số, bố mẹ nói tiếng dân tộc mình nhưng các con thì lại không biết. Lý do là các gia đình hiện nay đều cho con học tiếng Phổ thông (tiếng Kinh) chứ không nói tiếng dân tộc mình với các con. Đó là điều rất đáng lo ngại.
Cũng theo nghệ nhân Xìn Văn Phong, mong nhà nước có hỗ trợ kinh phí để làm sách giáo khoa về tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số.