(Tổ Quốc) - Chiều 18/11, tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Ba Vì, Hà Nội), Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị gặp mặt nghệ nhân và những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số phía Bắc, năm 2022. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Tuần Đại đoàn kết dân tộc- Di sản văn hóa Việt Nam diễn ra từ ngày 18 đến 23/11, tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội).
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hoàng Thị Hạnh; Phó Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung cho biết, Hội nghị hôm nay có sự tham dự của các nghệ nhân tiêu biểu đến từ 17 tỉnh phía Bắc và các nghệ nhân đang sinh sống tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Theo Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, hiện nay, các dân tộc thiểu số ở vùng miền núi phía Bắc còn nhiều khó khăn, dân cư sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại không thuận tiện, đời sống kinh tế còn khó khăn nên khả năng tự bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào còn nhiều hạn chế và đang đứng trước nguy cơ bị phai nhạt, mất dần bản sắc văn hóa truyền thống...
Những đóng góp của nghệ nhân có mặt tại buổi gặp mặt ngày hôm nay góp phần to lớn để văn hóa các dân tộc thiểu số không bị mai một, mà mãi là dòng chảy không ngừng trong nền văn hóa Việt Nam.
Thông qua Hội nghị này, Bộ VHTTDL mong muốn các nghệ nhân, đại biểu đề xuất, góp ý các giải pháp thiết thực, phù hợp thực tế với đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Từ đó xây dựng nội dung, đề xuất các giải pháp bảo tồn cụ thể, thiết thực, từng bước có cơ chế chính sách đặc thù để bảo tồn văn hóa các dân tộc, nhằm giữ gìn và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa dân tộc tránh nguy cơ bị mai một, mất bản sắc.
Đồng thời, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào, giúp đồng bào từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm tự bảo vệ văn hóa của chính mình, góp phần phát triển, ổn định kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vựa phía Bắc trong giai đoạn hiện nay.
"Qua Hội nghị, BTC mong nhận được nhiều ý kiến, thảo luận về giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số của các đại biểu, các cơ quan quản lý, đặc biệt là ý kiến của các chủ thể văn hóa (thông qua các nghệ nhân và những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn văn hóa dân tộc tiêu biểu) để các giá trị văn hóa của đồng bào được bảo tồn vừa đúng bản sắc văn hóa truyền thống, vừa phù hợp với chủ trương, định hướng của nhà nước"- bà Nguyễn Thị Hải Nhung bày tỏ.
Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc đề nghị Hội nghị tập trung các ý kiến, thảo luận về giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số của các đại biểu, các cơ quan quản lý, đặc biệt là ý kiến của các chủ thể văn hóa (thông qua các nghệ nhân và những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn văn hóa dân tộc tiêu biểu) để các giá trị văn hóa của đồng bào được bảo tồn vừa đúng bản sắc văn hóa truyền thống, vừa phù hợp với chủ trương, định hướng của nhà nước.
Cụ thể là các nội dung: (1) Xác định các nội dung văn hóa truyền thống cần được bảo tồn, phục dựng, giữ gìn. (2) Lựa chọn, ưu tiên trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. (3) Xác định hình thức, giải pháp để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trong đời sống cộng đồng và đời sống xã hội như thế nào? (4) Xác định trách nhiệm: Nhà nước cần có những chủ trương, chính sách đầu tư cho lĩnh vực văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và chính sách đặc thù để bảo tồn khẩn cấp văn hóa của các dân tộc thiểu số như thế nào?
Các cơ quan quản lý Nhà nước cần có những giải pháp bảo tồn văn hóa cụ thể, thiết thực nhằm từng bước có cơ chế chính sách đặc thù để bảo tồn văn hóa các dân tộc để đạt được kết quả tốt nhất.
Các cấp, các ngành ở địa phương cần thống nhất đưa mục tiêu nhiệm vụ bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số nói chung, đặc biệt là văn hóa các dân tộc ít người vào Nghị quyết vào các cấp ủy Đảng, kế hoạch ở các cấp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo như thế nào?
Chủ thể văn hóa là các nghệ nhân dân tộc thiểu số trong việc giữa gìn, bảo tồn phát huy văn hóa của dân tộc mình cần phải làm gì?.
(5) Xác định cơ chế đặc thù riêng để bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc thiểu số từ Trung ương đến địa phương cơ sở. (6) Một số Mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống tại các địa phương.
"Với trách nhiệm là cơ quan quản lý về văn hóa dân tộc thiểu số, chúng tôi mong muốn được tiếp thu ý kiến, sáng kiến của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, đặc biệt là những đề xuất, kiến nghị của đồng bào các dân tộc để có căn cứ kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp trên xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp nhằm bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc trong tình hình mới"- Vụ trưởng Nguyễn Thị Hải Nhung chia sẻ.
Tại Hội nghị, các đại biểu, nghệ nhân đã bày tỏ cảm ơn Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị gặp mặt các nghệ nhân và những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số. Các ý kiến đóng góp nêu những khó khăn, thực trạng của việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa ở cộng đồng các dân tộc thiểu số, những thách thức phải đổi mặt trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế khiến mai một giá trị văn hóa truyền thống cũng như phát huy vai trò của các nghệ nhân trong bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc ở cơ sở.
Cụ thể như tại Điện Biên, các nghệ nhân đã có đóng góp to lớn trong việc khôi phục, bảo tồn, phát huy các giá trị của lễ hội, Tết cổ truyền, các phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, gìn giữ chữ viết, trang phục, tiếng nói, các làn điệu dân ca, dân vũ, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của dân tộc, các tri thức dân gian… Không những thế, các nghệ nhân còn tiếp lửa, truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình lan tỏa trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ…
Hay tại Quảng Ninh, các nghệ nhân đã góp phần to lớn vào việc bảo tồn, trao truyền và phát huy giá trị của các loại hình di sản mà họ đang lưu giữ, là cầu nối quan trọng trong gắn kết giữa các nghệ nhân với cộng đồng, trao truyền những di sản văn hóa truyền thống của cha ông đối với các thế hệ trẻ.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành các chương trình, mục tiêu quốc gia để phát triển kinh tế xã hội của các vùng dân tộc thiểu số, trong đó có những dự án bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển cộng đồng. Đó là minh chứng thể hiện sự quan tâm cụ thể, thiết thực của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, luôn luôn xác định văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số là một nguồn nội lực, cùng với các giá trị khác để làm nên sức mạnh phát triển kinh tế xã hội, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, để khẳng định với thế giới về giá trị, bản sắc, sự giàu có phong phú, đa dạng về văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Thứ trưởng bày tỏ niềm vui khi được gặp gỡ các nghệ nhân tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam- ngôi nhà chung của cộng đồng 54 dân tộc anh em. "Chúng ta có mặt ở đây để cùng nhau chia sẻ các vấn đề hết sức quan trọng, đặc biệt chúng ta cùng nhau tham các hoạt động trong chuỗi các hoạt động của tuần lễ Đại đoàn kết dân tộc- Di sản văn hóa Việt Nam lần này. Chúng tôi hy vọng với những tâm huyết, đóng góp, trí tuệ và nhiệt huyết của các nghệ nhân, công tác phát huy các di sản văn hóa không chỉ là thông qua các Ngày hội mà còn sống trong đời sống hằng ngày, trong đời sống của mỗi gia đình, mỗi dòng họ, mỗi cộng đồng dân cư. Chúng tôi luôn mong muốn các nghệ nhân – những người có đóng góp cho bảo tồn phát huy di sản văn hóa với những kinh nghiệm, nỗ lực của mình thời gian vừa qua sẽ tiếp tục nỗ lực đóng góp, bảo tồn di sản văn hóa của cộng đồng dân tộc mình. Nếu không có sự đóng góp như vậy thì di sản văn hóa dân tộc thiểu số khó mà lưu giữ được như hiện nay"- Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định.
Thứ trưởng cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ VHTTDL, Ủy ban dân tộc và các cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tổng hợp tiếp thu ý kiến đề xuất trong khuôn khổ hội nghị này và trong các tham luận mà BTC đã tổng hợp để tháo gỡ, đồng thời báo cáo với các cơ quan thẩm quyền./.