(Tổ Quốc) - Sáng 18/11, trong khuôn khổ chương trình Tuần Đại đoàn kết dân tộc- Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND một số tỉnh miền núi phía Bắc tổ chức Liên hoan trình diễn trang phục các dân dộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ nhất năm 2022.
- 18.11.2022 Hàng trăm nghệ sĩ tham gia tổng duyệt chương trình khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam
- 12.11.2022 Nhiều sự kiện, hoạt động đặc sắc tại Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam
- 29.09.2022 Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc
- 26.11.2018 Thú vị với màn trình diễn trang phục dân tộc nguyên gốc của 6 tỉnh Việt Bắc
- 24.08.2018 Liên hoan nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục
Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ I, năm 2022, với chủ đề "Sắc màu trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc trong thời kỳ hội nhập và phát triển". Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa được Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp vớ 17 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc tổ chức từ ngày 18 đến ngày 20/11/2022, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội với sự tham gia của gần 600 nghệ nhân, diễn viên quần chúng đến từ các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt tham dự Liên hoan.
Phát biểu khai mạc Liên hoan, bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc (Bộ VHTTDL) cho biết, Liên hoan là dịp để giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các giá trị trang phục và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam, khơi dậy khát vọng, lòng tự hào về các di sản văn hóa quý báu của mỗi dân tộc. Là không gian văn hóa độc đáo để các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên quần chúng dân tộc thiểu số đến từ 17 tỉnh, thành phố phía Bắc có dịp giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh tiến bộ.
Liên hoan cũng nhằm mục đích cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc khu vực phía Bắc trong nền văn hóa đa dạng mà thống nhất của cộng đồng 54 dân tộc anh em Việt Nam.
Trong khuôn khổ Liên hoan sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa như: Trình diễn trang phục dân tộc thiểu số; Trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa đặc trưng và Trình diễn thêu, dệt thủ công trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số; Triển lãm trang phục truyền thống; Tổ chức tái hiện không gian Chợ phiên khu vực miền núi phía Bắc.
Trong lễ khai mạc Liên hoan, gần 600 nghệ nhân, diễn viên quần chúng đến từ 17 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã giới thiệu với công chúng những trang phục truyền thống của dân tộc mình, cùng những điệu dân ca, dân vũ và những nét văn hóa độc đáo.
Trong trang phục truyền thống độc đáo của dân tộc mình, cô gái dân tộc La Hủ Phùng Giò Xó, đến từ Mường Tè, Lai Châu chia sẻ: "Lần đầu tiên tham gia trình diễn trang phục dân tộc mình trong chương trình Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc, tôi rất vui và hạnh phúc vì được giới thiệu những nét độc đáo, đặc biệt của dân tộc La Hủ. Bên cạnh đó, tôi cũng được ngắm nhìn những bộ trang phục khác của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trang phục nào cũng đẹp, đặc biệt, là sản phẩm văn hóa của dân tộc mình".
Cũng theo Phùng Giò Xó, hiện nay, cộng đồng dân tộc La Hủ ở Mường Tè, Lai Châu vẫn mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình trong những dịp lễ, tết. Cô mong muốn, dù cuộc sống ngày càng phát triển thì trang phục truyền thống của dân tộc mình cũng như các dân tộc khác vẫn được đồng bào gìn giữ, bảo tồn trong đời sống hiện đại.
Thưởng thức chương trình Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam, nghệ nhân H'Năm Niê, người Ê Đê, đến từ tỉnh Đắk Lắk (tham gia hoạt động hằng ngày tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam) bày tỏ: "Dù nhiều lần tham gia các hoạt động tại Làng, đây là lần đầu tiên tôi được xem một cách đầy đủ và hệ thống các trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc phía Bắc. Trang phục của đồng bào ta đều rất đẹp, độc đáo, là kết quả từ những bàn tay khéo léo, mang cả văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc. Vì thế, tôi rất vui khi Bộ VHTTDL tổ chức chương trình Liên hoan này. Để tôi cũng như các đồng bào khác biết được các vẻ đẹp độc đáo của những trang phục truyền thống của các dân tộc Việt Nam".
Bảo tồn, phát huy giá trị của văn hóa các dân tộc thiểu số đã và đang là vấn đề được Đảng, Nhà nước và ngành VHTTDL hết sức quan tâm. Liên hoan trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số dân tộc phía Bắc lần thứ I là hoạt động thiết thực góp phần vào việc giữ gìn và bảo tồn trang phục truyền thống của các dân tộc. Không chỉ ở Việt Nam, mà các dân tộc trên thế giới cũng rất quan tâm đến việc gìn giữ, bảo tồn trang phục của họ, bởi đây chính là bản sắc dân tộc, là linh hồn, cốt cách của các dân tộc thể hiện qua bộ trang phục truyền thống.
Trang phục truyền thống cũng thể hiện trình độ canh tác sản xuất của mỗi dân tộc, thể hiện sự hòa hợp của con người với môi trường cảnh quan, với thiên nhiên và xã hội của các dân tộc…Trang phục dân tộc sẽ còn đồng hành với các dân tộc và trở thành một tổng thể không thể thiếu được trong đời sống xã hội. Tìm hiểu bản sắc văn hóa mỗi dân tộc thì trang phục truyền thống là yếu tố không thể thiếu. Nếu trang phục truyền thống không còn tồn tại, bị mai một đi sẽ làm mất đi một giá trị văn hóa, tín ngưỡng, giá trị tâm linh và bản sắc của các dân tộc. Chính vì vậy việc bảo tồn và phát huy các giá trị của trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số đang trở thành vấn đề cấp bách trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay. Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc lần I sẽ góp phần nâng cao ý thức gìn giữ trang phục truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trong đời sống hiện nay./.