(Tổ Quốc) - Người cao tuổi với kinh nghiệm sống, sự từng trải luôn là tấm gương sáng trong giáo dục gia đình, cộng đồng và thế hệ trẻ
Nhu cầu vận động thể dục thể thao là cần thiết đối với tất cả mọi người để rèn luyện và giữ gìn sức khỏe, đặc biệt là người cao tuổi. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và xã hội luôn tạo điều kiện thuận lợi để người cao tuổi được học tập, nghiên cứu và tham gia hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao.
Với trình độ, kiến thức, kĩ năng chuyên môn và bề dày kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau, lực lượng người cao tuổi đã và đang cống hiến hết sức mình cho sự phát triển của đất nước. Nhiều người cao tuổi hiện đang giữ các chức vụ cao trong hệ thống chính trị.
Trên cơ sở đó, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao dành cho người cao tuổi được tổ chức đã góp phần hình thành và tạo không gian vui chơi, hoạt động thể chất, thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo người cao tuổi.
Tới thời điểm hiện tại, ca nước có hơn 77.000 Câu lạc bộ của người cao tuổi ở cơ sở với nhiều loại hình hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thu hút hơn 2,5 triệu người cao tuổi tham gia. Đặc biệt, Hội đã thành lập 5.500 Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau thu hút hơn 275.000 người cao tuổi tham gia. Mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau được các tổ chức, cộng đồng trong nước, ngoài nước đánh giá cao, đã đoạt Giải nhất “Sáng kiến vì một châu Á già hóa khỏe mạnh”.
Theo thống kê của Cục TDTT (Bộ VHTTDL), đến hết năm 2022, số người tập luyện thể thao thường xuyên và số gia đình tập luyện thể dục thể thao thường xuyên trên cả nước đạt lần lượt là 35,6% và 26,7%. Thông số này đã phản ánh rõ nét việc người dân đang ngày càng quan tâm đến TDTT.
Do đó, với vai trò là "đầu tàu" và là tấm gương để các thế hệ noi theo, học hỏi trong mỗi gia đình, nhóm người cao tuổi được đánh giá là nguồn lực quan trọng và không thể thiếu trong xã hội.
"Người cao tuổi là nguồn lực quan trọng và không thể thiếu trong xã hội. Với trình độ, kiến thức, kĩ năng chuyên môn và bề dày kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau, lực lượng người cao tuổi đã và đang cống hiến hết sức mình cho sự phát triển của đất nước. Nhiều người cao tuổi hiện đang giữ các chức vụ cao trong hệ thống chính trị, là “đầu tàu” định hướng, có tiếng nói quyết định trong nhiều chính sách quan trọng của quốc gia" - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài khẳng định.
Người cao tuổi là tấm gương sáng trong giáo dục gia đình
Trong truyền thống của người Việt Nam rất coi trọng người cao tuổi. Với kinh nghiệm sống, sự từng trải, người cao tuổi luôn là tấm gương sáng trong giáo dục các thế hệ con cháu trong gia đình, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Không những vậy, người cao tuổi trong mỗi gia đình đã có những tác động trực tiếp nên sự hình thành, phát triển của văn hóa gia đình trong việc giáo dục con cháu, từ đó góp phần hun đúc và tạo nên những phẩm chất tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Người cao tuổi trong mỗi gia đình, không chỉ nuôi dạy, chăm sóc, mà còn là chỗ dựa tinh thần, tấm gương sáng trong giáo dục cũng như truyền đạt những kinh nghiệm sống quý báu, giữ gìn gia phong, nét đẹp truyền thống mà tổ tiên để lại cho các thế hệ sau. Có thể nói, những thói quen, cách hành xử của thế hệ trẻ chịu ảnh hưởng rất lớn từ người cao tuổi phần.
Nhìn nhận về vai trò của người cao tuổi trong giáo dục gia đình, TS. Vũ Thy Huệ cho rằng người cao tuổi là gương mẫu của ông bà, cha mẹ về đạo đức. Ông bà, cha mẹ và người lớn trong gia đình phải là tấm gương đạo đạo cho con em noi theo. Hành vi đạo đức, lối sống, thói quen của ông bà, cha mẹ là sự gieo trồng cho thế hệ sau.
Hiện nay, Hội người cao tuổi Việt Nam phát động phong trào "Ông bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu thảo hiền" chính là sự tiếp nối truyền thống và kinh nghiệm của cha ông trong giáo dục văn hóa đạo đức của gia đình Việt Nam.
*Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện