(Tổ Quốc) - Đêm nhạc Phó Đức Phương "Khúc hát phiêu ly" tại Nhà hát Lớn; Sản xuất phim hoạt hình giáo dục lịch sử - Danh nhân Kinh Bắc; Phát lộ một kiến trúc gạch cổ nghi là mộ là những thông tin văn hóa nổi bật tại các tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Bình.
Hà Nội: Đêm nhạc Phó Đức Phương "Khúc hát phiêu ly" sẽ diễn ra vào ngày 10/7 tới, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Đêm nhạc "Khúc hát phiêu ly" có sự tham gia của các nghệ sĩ gắn bó với âm nhạc của nhạc sĩ Phó Đức Phương, như ca sĩ: Thanh Lam, Mỹ Linh, Tùng Dương, Minh Thu, Phương Anh, nhóm Oplus, nhóm M4U, nghệ sĩ chèo Thu Huyền... Ngoài ra, lần đầu tiên các con của ông là các nghệ sĩ Phó Đức Hoàng, Phó Vũ Thư sẽ biểu diễn trong chương trình. Tham gia biên tập phần âm nhạc cho đêm nhạc này là nhạc sĩ Trần Đức Minh và ca sĩ Tùng Dương.
Tại buổi giới thiệu đêm nhạc, đạo diễn chương trình Nguyễn Việt Thanh cho biết, với nhiều bài hát đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Phó Đức Phương từng tổ chức nhiều đêm nhạc chung và riêng. Sự khác biệt của đêm nhạc "Khúc hát phiêu ly" là sự đơn giản, ấm cúng để khán giả cảm nhận chân thực chân dung âm nhạc của nhạc sĩ. Đêm nhạc không có người dẫn chương trình. Câu chuyện về ông sẽ do nhạc sĩ Nguyễn Cường và Nguyễn Vĩnh Tiến kể lại.
Trong đêm nhạc này, những thành viên trong gia đình của nhạc sĩ Phó Đức Phương sẽ trình diễn những bản hòa tấu do chính họ sáng tác và những ca khúc của cha mình. Nghệ sĩ Phó Đức Hoàng đang tham gia các dự án chuyển soạn âm nhạc cổ điển tại Mỹ, cũng là gương mặt quen thuộc trong nhiều đêm nhạc giao hưởng Việt Nam. Còn nghệ sĩ Phó Vũ Thư là giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Hà Nội.
Hiện, nhạc sĩ Phó Đức Phương đang điều trị bệnh nên ông khó có thể góp mặt trong chương trình. Vì thế, đêm nhạc này được coi là món quà để tiếp thêm sức mạnh giúp ông vượt qua bạo bệnh, cũng như để tôn vinh những giá trị âm nhạc mà ông đã cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam trong hơn 50 năm qua.
Bắc Ninh: UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án sản xuất phim hoạt hình giáo dục lịch sử - Danh nhân Kinh Bắc.
Theo Đề án, phim hoạt hình "Danh nhân Kinh Bắc", thuộc thể loại phim hoạt hình khoa giáo, có tổng kinh phí đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Dự kiến phim có 100 tập, thời lượng mỗi tập từ 5-6 phút, sản xuất trong 2 năm (2020-2021).
Các danh nhân tiêu biểu được lựa chọn làm phim phải bảo đảm các tiêu chí: Là người của quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc; là nhân vật lịch sử cụ thể, có lai lịch rõ ràng, có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp giành độc lập, tự do cho dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ lịch sử, được kiểm chứng bằng các tài liệu, cơ sở khoa học; ưu tiên các danh nhân có những cống hiến đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến Quốc gia nói chung và quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc nói riêng như: Danh nhân khai quốc, danh nhân khoa bảng, danh tướng, danh y, danh nhân tổ nghề...
Trong lịch sử, vùng đất Bắc Ninh có những thay đổi về địa giới hành chính, các nhân vật có công lao với đất nước, với các địa phương thuộc vùng Kinh Bắc xưa cũng được xem xét lựa chọn.
Việc xây dựng kịch bản phim tuân theo đúng các quy định của pháp luật về việc sản xuất phim hoạt hình; bảo đảm tính chân thực lịch sử, định hướng tư tưởng chính trị, góp phần giáo dục, tuyên truyền, xây dựng ý thức bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong thế hệ trẻ.
Sau khi sản xuất phim được tuyên truyền, phổ biến trên: Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Ninh; truyền thông online trên Website: danhnhankinhbac.edu.vn; Youtube: Phim Hoạt hình - Danh nhân Kinh Bắc; Facebook: Danh nhân Kinh Bắc và phát hành trong các trường học bằng USB có chứa nội dung chương trình.
Ninh Bình: Mới đây, trong khi đào móng xây dựng thêm phòng học trong khuôn viên Trường tiểu học xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, đã làm phát lộ một kiến trúc gạch cổ nghi là mộ.
Tiến hành khai quật khảo cổ khẩn cấp kiến trúc gạch này, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều thông tin giá trị về hình dáng, quy mô, tính chất, cấu trúc, chức năng và niên đại di tích, minh chứng khu vực xã Gia Thủy xưa là vùng đậm đặc văn hóa của cư dân các thế kỷ đầu Công nguyên.
Sơ bộ, các nhà khảo cổ học nhận định ngôi mộ có niên đại thế kỷ III sau Công nguyên. Trong số đồ tùy táng đã thu thập, đáng chú ý là chiếc gương đồng mặt sau có trang trí gồm 3 con thú mang truyền thống văn hóa Trung Hoa nhưng lại xen lẫn một con vật giống chim lạc trên trống đồng của người Lạc Việt, đồng thời vành hoa văn răng lược và vạch thẳng song song cũng mang nhiều nét gần gũi với các hình tượng trang trí trên đồ đồng của vùng Nam Trung Hoa, mà đặc biệt là trống đồng Đông Sơn.
Như vậy, mộ gạch tại xã Gia Thủy nói riêng và mộ gạch tại Việt Nam nói chung đã tồn tại trong một giai đoạn lịch sử rất quan trọng của đất nước: giai đoạn lịch sử, mà ở đó đã diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt giữa kẻ xâm lược đang áp đặt mọi hình thức và thủ đoạn để đồng hóa người Việt với người Việt kiên quyết chống lại sự đồng hóa dưới mọi hình thức. Mặc dầu vậy, sự xuất hiện của khu mộ gạch ở Mỹ Hạ, Gia Thủy cũng ghi nhận nơi đây đã từng xuất hiện một trung tâm quyền lực kéo dài từ thời văn minh Việt cổ cho đến thời Bắc thuộc.
Khu mộ gạch tại trường Tiểu học Gia Thủy là minh chứng cho sự tồn tại và phát triển lâu đời của vùng đất nơi đây. Ngôi mộ này cùng với những huyền tích huyền thoại về một vùng đất được ghi nhận trong các câu truyện truyền miệng dân gian rằng nơi đây là quê ngoại vua Đinh Tiên Hoàng cho thấy thôn Mỹ Hạ, xã Gia Thủy hiện nay là vùng đất có một truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, cần được tiếp tục nghiên cứu, phát huy giá trị.
Tư liệu của khu mộ này giúp các nhà nghiên cứu có thêm tư liệu để nghiên cứu kỹ hơn về vấn đề mộ gạch ở Ninh Bình nói riêng và mộ gạch Việt Nam nói chung.