(Tổ Quốc) - Những năm gần đây, du lịch Việt Nam đạt được nhiều thành công khi liên tiếp đạt được tốc độ tăng trưởng cao về khách quốc tế, giành được nhiều giải thưởng uy tín của quốc tế, được các trang và tạp chí du lịch hàng đầu thế giới dành cho những bài viết giới thiệu, khen ngợi... Vậy bức tranh du lịch Việt Nam hiện nay ra sao? Liệu du lịch Việt Nam có phát triển nóng?... xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với Tổng cục trưởng (TCT) Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh.
+ Hiện tại, để nói về bức tranh du lịch Việt Nam, với cương vị TCT Tổng Cục Du lịch Việt Nam, ông có thể cho độc giả biết về bức tranh này?
- TCT Nguyễn Trùng Khánh: Có thể nói năm 2019 ngành Du lịch đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa đột phá, thay đổi cả về chất và lượng, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của đất nước, làm thay đổi diện mạo nhiều địa phương, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam. Trong giai đoạn 2015-2019, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã tăng hơn 2,2 lần, từ gần 8 triệu lượt năm 2015 lên khoảng 18 triệu lượt năm 2019, tốc độ tăng trưởng trung bình về lượng khách quốc tế trong giai đoạn này đạt 22%/năm, khách du lịch nội địa tăng 1,5 lần, từ 57 triệu lượt năm 2015 lên 85 triệu lượt năm 2019.
Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF): năm 2015 xếp hạng 75/141, năm 2017 xếp hạng 67/136, năm 2019 xếp hạng 63/140 nền kinh tế. Việt Nam được đánh giá là một trong 10 nước có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đã vượt Indonesia vươn lên vị trí thứ 4 về lượng khách quốc tế đến. Chất lượng dịch vụ du lịch cũng đã được cải thiện đáng kể. Sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tiếp tục làm thay đổi chất lượng hạ tầng dịch vụ du lịch, góp phần hình thành nhiều khu du lịch khép kín, đẳng cấp quốc tế. Một số doanh nghiệp du lịch bước đầu thành lập các hãng hàng không, tạo sự liên kết, phát triển mạnh mẽ giữa du lịch - hàng không. Năm 2019, Việt Nam liên tục được vinh danh trên các diễn đàn du lịch khu vực, toàn cầu. Các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, điểm đến liên tiếp lọt vào danh sách điểm đến hấp dẫn nhất thế giới do những hãng truyền thông quốc tế và tạp chí uy tín bình chọn.
Sự tăng trưởng của du lịch đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực khác; tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống, cải thiện diện mạo đô thị và nông thôn; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
+ Trong 3 năm trở lại đây, ngành Du lịch đã đạt được thành tích vượt bậc, lượng khách tăng cao, cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư, đáp ứng nhu cầu du lịch đa dạng của du khách. Tuy nhiên, điều này đặt ra e ngại rằng liệu chúng ta có đang phát triển nhanh và tăng trưởng nóng không thưa ông?
- TCT Nguyễn Trùng Khánh: Quan điểm phát triển xuyên suốt của ngành Du lịch trong thời gian qua đó là phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm, trên nền tảng tăng trưởng xanh; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tận dụng tốt việc chuyển đổi công nghệ số để thúc đẩy du lịch bền vững.
+ Được biết Bộ VHTTDL đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035. Ông có thể cho biết trong chiến lược này, chúng ta sẽ tập trung vào những vấn đề gì để đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn?
- TCT Nguyễn Trùng Khánh: Trong dự thảo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035 trình Chính phủ, chúng ta sẽ tập trung vào một số nội dung sau đây:
Tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch. Tuyên truyền nhận thức đầy đủ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao, mang nội dung văn hóa sâu sắc; tạo động lực cho các ngành khác phát triển, đem lại hiệu quả về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, chính trị, đối ngoại và an ninh quốc phòng. Đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nâng cao ý thức người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trong ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch.
Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Tiếp tục hoàn thiện chính sách tạo thuận lợi về nhập, xuất cảnh và đi lại cho khách du lịch quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng hàng không mở đường bay trực tiếp đến Việt Nam.
Như đã nói ở trên, du lịch là ngành kinh tế dịch vụ, tổng hợp, do đó du lịch sẽ không thể phát triển nếu chỉ có một mình. Chính vì vậy, trong chiến lược này chúng ta sẽ tập trung vào việc phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại và đồng bộ, nâng cao khả năng kết nối giao thông tới các khu du lịch, điểm du lịch; đầu tư điểm dừng, nghỉ trên các tuyến đường bộ. Đặc biệt, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các cảng hàng không hiện nay đã quá tải.
Thu hút nguồn lực xã hội, nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch đặc biệt là cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp.
Cùng với đó, vấn đề phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cũng là một trong những ưu tiên. Theo đó, chúng ta sẽ tăng cường phát triển nguồn nhân lực du lịch đảm bảo số lượng, chất lượng. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực du lịch; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng tham gia kinh doanh du lịch.
Phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch. Tăng cường nghiên cứu thị trường, xu hướng thay đổi nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thị trường khách du lịch. Phát triển đa dạng thị trường khách quốc tế đồng thời quan tâm, phát triển mạnh thị trường du lịch nội địa.
Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, phù hợp với nhu cầu thị trường và có khả năng cạnh tranh cao, hình thành thương hiệu sản phẩm du lịch quốc gia.
Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến, quảng bá du lịch, chú trọng huy động nguồn lực xã hội, kết hợp công - tư trong xúc tiến quảng bá du lịch cần phải được tích cực triển khai sâu rộng. Việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử, công nghệ xanh, sạch, công nghệ số trong kinh doanh du lịch, phát triển các ứng dụng thông minh hỗ trợ khách du lịch cũng cần được khuyến khích.
Đặc biệt là việc liên kết, thúc đẩy hợp tác công - tư để thành lập một số văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại một số thị trường du lịch trọng điểm ở nước ngoài sẽ là một trong những nội dung được ưu tiên trong chiến lược này.
- Trân trọng cảm ơn ông!