• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam: Cần làm sao để các địa phương thi đua với nhau

Thời sự 12/11/2019 16:31

(Tổ Quốc) – Chiều 12/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng đã có buổi làm việc với Tổng cục Du lịch về năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam 2019.

Tại buổi làm việc này, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đã báo cáo với Thứ trưởng về năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam theo Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu 2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố.

Năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam: Cần làm sao để các địa phương thi đua với nhau - Ảnh 1.

Thứ trưởng Lê Quang Tùng cho rằng năng lực cạnh tranh du lịch tốt thì cần phải làm sao để các địa phương tự cạnh tranh với nhau.

WEF đánh giá năng lực cạnh tranh du lịch quy mô toàn thế giới 2 năm/lần đã công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch 2019 cơ bản dựa trên các số liệu về kết quả hoạt động năm 2017 – 2018. Báo cáo đánh giá, xếp hạng 140 nền kinh tế trên cơ sở đo lường 14 nhóm chỉ số theo thang điểm từ 1 – 7, với 90 chỉ số thành phần theo 4 yếu tố chung cấu thành: Môi trường hoạt động; Chính sách và điều kiện hỗ trợ; Cơ sở hạ tầng và Tài nguyên văn hóa và tự nhiên.

Cụ thể, năm 2019, WEF xếp năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam ở hạng 63/140 nền kinh tế, tăng so với hạng 67/136 theo báo cáo năm 2017. Với vị trí này, Việt Nam đang đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 12 ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Xếp hạng của du lịch Việt Nam tăng đáng kể so với Thái Lan (tăng 3 bậc), Cam-pu-chia (tăng 3 bậc), In-đô-nê-xi-a (tăng 2 bậc), Xin-ga-po (giảm 4 bậc), Ma-lai-xi-a (giảm 3 bậc) và Lào (giảm 3 bậc).

Với thứ hạng 63/140, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ hạng sau Xin-ga-po (17), Thái Lan (31), Ma-lai-xi-a (29), In-đô-nê-xi-a (40); trên Bru-nây (72), Phi-líp-pin (75), Lào (97) và Cam-pu-chia (98).

Năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam: Cần làm sao để các địa phương thi đua với nhau - Ảnh 2.

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh và Tổng cục phó Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu

Với tiềm năng phong phú và đa dạng, nhóm chỉ số tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ (hạng 29) và tài nguyên tự nhiên (hạng 35) của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp vào nhóm cao của thế giới (từ hạng 1-35). Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 2 về tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ và thứ 3 về tài nguyên tự nhiên.

Việt Nam cũng được đánh giá cao đối với sức cạnh tranh về giá, xếp hạng 22 trên thế giới. Ở Đông Nam Á, chỉ số này của Việt Nam xếp trên Phi-líp-pin (hạng 24), Thái Lan (25), Cam-pu-chia (49), Xin-ga-po (102); và xếp sau Bru-nây (hạng 2), Ma-lai-xi-a (5), In-đô-nê-xi-a (6), Lào (20).

Ngoài ra, một số nhóm chỉ số khác được xếp vào nhóm trung bình cao thế giới (từ hạng 36-70), gồm có: nhân lực và thị trường lao động (hạng 47); hạ tầng hàng không (50); an toàn và an ninh (58); mức độ mở cửa quốc tế (58); môi trường kinh doanh (67).

Sức cạnh tranh về giá tăng 13 bậc lên hạng 22 với sự cải thiện về giá phòng khách sạn, giá nhiên liệu, thuế và lệ phí sân bay.

Hạ tầng hàng không tăng 11 bậc lên hạng 50 với việc gia tăng các hãng hàng không, các chuyến bay và số km vận chuyển nội địa và quốc tế, phản ánh tình hình sôi động của thị trường hàng không Việt Nam.

Năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam: Cần làm sao để các địa phương thi đua với nhau - Ảnh 3.

Toàn cảnh buổi làm việc

Mức độ mở cửa quốc tế tăng 15 bậc lên hạng 58, chủ yếu do chỉ số yêu cầu thị thực của Việt Nam cải thiện đáng kể, xếp hạng 53. Mặc dù vậy, so sánh với các điểm đến cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á, chỉ số về thị thực của Việt Nam mới xếp trên Phi-líp-pin (hạng 65), bằng Bru-nây (53), và dưới In-đô-nê-xi-a (3), Cam-pu-chia (8), Ma-lai-xi-a (18), Lào (26), Thái Lan (29), Xin-ga-po (50).

Cùng với đó, báo cáo cũng đã chỉ ra những vướng mắc, tồn tại mà ngành du lịch Việt Nam cần phải giải quyết như những hạn chế liên quan đến chất lượng lao động, mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin và truyền thông, hạ tầng dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, kết quả xếp hạng cũng lưu ý đến việc bảo đảm môi trường, tính bền vững trong phát triển du lịch và mức độ ưu tiên cho ngành du lịch.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Quang Tùng cho biết hoàn toàn đồng tình với báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam 2019. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, chúng ta không nên thỏa mãn với thành tích của mình và ngành du lịch. Đồng thời, Tổng cục Du lịch cũng cần chủ động rà soát, khuyến cáo với các bộ, ngành xem những mặt nào chúng ta đã làm tốt, mặt nào còn yếu kém để khắc phục.

"Năng lực cạnh tranh du lịch nếu làm tốt thì phải làm sao để các địa phương tự cạnh tranh với nhau. Đồng thời là động lực để các địa phương phấn đấu", Thứ trưởng Lê Quang Tùng nhấn mạnh./.

Tin: Vi Phong - Ảnh: Minh Khánh

NỔI BẬT TRANG CHỦ