• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phát triển cầu Long Biên trở thành điểm du lịch độc đáo

Văn hoá 25/10/2023 16:48

(Tổ Quốc) - Ngày 25/10, tại Hà Nội, đã diễn ra hội thảo khoa học "Đổi mới sáng tạo trong quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị cầu Long Biên" do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phối hợp với Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Công ty Tư vấn đầu tư và Phát triển Cầu Long Biên tổ chức.

Cầu Long Biên có nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng

Hội thảo được tổ chức với mong muốn nhận được ý kiến của các chuyên gia về giải pháp bảo tồn tôn tạo cầu Long Biên trong bối cảnh hiện nay để vừa gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, một điểm nhấn trong cấu trúc không gian đô thị và là một công trình mang tính biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Qua đó, góp phần vào sự phát triển của Thủ đô.

Đổi mới phát triển cầu Long Biên trở thành điểm du lịch độc đáo - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính phát biểu tại hội thảo

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho biết: Với hơn 120 năm đưa vào khai thác sử dụng, cầu Long Biên đã trải qua 3 lần cải tạo lớn và nhiều lần cải tạo trùng tu khác, tuy nhiên do đã bị tàn phá trong chiến tranh cũng như tuổi thọ quá lớn, cây cầu vẫn không tránh khỏi sự xuống cấp trầm trọng, gây mất an toàn giao thông. Chiều cao tĩnh không của cây cầu đã trở nên lạc hậu, khó đáp ứng nhu cầu giao thông đường thủy. Khu vực cảnh quan hai bên bờ sông nơi có cầu bắc qua vẫn chưa được quy hoạch làm đẹp cho cửa ngõ vào phố cổ Hà Nội; khu vực bãi giữa sông Hồng chưa được khai thác hiệu quả để phục vụ người dân thành phố và khai thác phục vụ du lịch.

"Vì vậy, việc bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị lịch sử của cầu Long Biên rất cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm ra định hướng cho cầu Long Biên hiện hữu- biểu tượng kiến trúc, văn hóa, lịch sử của Thủ đô, luôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Hà Nội trong mọi thời kỳ. Quá trình bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên phải đứng trên góc độ coi cầu Long Biên như là một di sản đô thị của Hà Nội, phải tuân thủ các tiêu chí về bảo tồn. Do đó, cần tính toán làm sao để có thể giảm bớt công năng giao thông, đồng thời tăng dần công năng văn hóa của cây cầu này để vừa bảo tồn, tôn tạo và phát huy được giá trị lịch sử của cây cầu di sản này" – ông Trần Ngọc Chính nhấn mạnh.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên chia sẻ: "Cây cầu Long Biên không chỉ đơn giản nối liền hai bờ sông Hồng mà là cấu nối nước Pháp với Việt Nam, nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Cây cầu là một chứng nhân lịch sử qua bao thăng trầm trong hơn 120 năm qua. Vậy mà thực trạng cây cầu hiện nay vô cùng ảm đạm, trên mình còn mang bao nhiêu vết thương chiến tranh mặc dù đã được cơ quan chức năng Việt Nam chạy chữa chắp vá hằng năm. Có lẽ trong chúng ta không ai có thể đứng nhìn một cây cầu Long Biên trong tình trạng như vậy kéo dài từ năm này qua năm khác, khi chiến tranh đã kết thúc gần nửa thế kỷ. Hà Nội đã và sẽ có nhiều cây cầu hiện đại bắc qua sông Hồng nhưng không thể có một cây cầu nào thay thế được vai trò lịch sử của cầu Long Biên. Chính vì thế, nếu chậm khôi phục lại cầu Long Biên ngày nào là chúng ta đánh mất giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của cây cầu ngày đó. Trước tình hình như vậy, chúng ta cần phải có hành động càng sớm càng tốt để cứu cây cầu Long Biên".

Đổi mới phát triển cầu Long Biên trở thành điểm du lịch độc đáo - Ảnh 2.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên chia sẻ tại hội thảo

Đồng quan điểm trên, Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư Cảnh quan Việt Nam TS.KTS Phạm Anh Tuấn cho biết: "Theo năm tháng và công tác duy tu bảo dưỡng có hạn đang làm cho cây cầu Long Biên chưa được quan tâm đúng mức và có nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó trước sức ép của đô thị hóa, không gian ven sông hai đầu cầu đang chịu sự xâm lấn mạnh mẽ bởi các hoạt động của con người và làm mất đi những giá trị không gian kiến trúc cảnh quan hấp dẫn của cảnh quan ven sông. Chính vì vậy, để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, kiến trúc và cảnh quan của cầu Long Biên, công tác tổ chức, quản lý và khai thác hiệu quả không gian kiến trúc cảnh quan sẽ là thách thức không nhỏ cho Hà Nội".

Xây dựng cầu Long Biên thành điểm du lịch độc đáo

Trước thực trạng đó, ông Trần Ngọc Chính cho rằng, việc bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên cần khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng; Đầu tư cải tạo khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông thành công viên văn hóa du lịch, định hướng lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

"Việc chuyển đổi chức năng giao thông của cây cầu Long Biên sang chức năng văn hóa, lịch sử, nghệ thuật và du lịch, chắc chắn sẽ mang lại những giá trị kinh tế - xã hội cao hơn trong phát triển Thủ đô. Khi đó cây cầu Long Biên lại viết tiếp giá trị lịch sử của nó và có vị trí xứng đáng trong cảnh quan một đô thị xanh, thông minh, hiện đại của Thủ đô" – ông Trần Ngọc Chính nói.

Để có thể phục hồi của cây cầu Long Biên trong giai đoạn hiện nay, ông Nguyễn Dy Niên cho biết: "Cần phục hồi lại đúng nguyên bản thiết kế của cây cầu với 20 trụ cầu lớn và 19 nhịp cầu hình dáng như rồng lượn cho tương thích với danh xưng Thăng Long của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đường xe lửa có thể giữ nguyên nhưng tốt nhất là xây dựng cây cầu dành riêng cho xe lửa để nhường chỗ lòng đường xe lửa hiện nay cho tuyến đi bộ và thiết kế những tụ điểm văn hóa ở trên cầu. Ngoài ra, cần xây dựng cầu Long Biên thành cầu đi bộ, biến cầu thành một trung tâm văn hóa đêm của Hà Nội, kết hợp với khai thác bãi giữa sông Hồng, chắc chắn sẽ là điểm độc đáo của du lịch Hà Nội, Việt Nam và thế giới. Đây là một mỏ vàng của du lịch Hà Nội mà chúng ta chưa khai thác".

Đổi mới phát triển cầu Long Biên trở thành điểm du lịch độc đáo - Ảnh 3.

Không gian hội thảo

Đồng quan điểm trên, GS.TS.KTS. Doãn Minh Khôi (Viện Quy Hoạch và Kinh tế đô thị trường Đại học Xây dựng Hà Nội) chia sẻ: Về quy hoạch, cần kết nối cầu Long Biên theo cả hai chiều. Chiều dọc vào các khu phố, chiều ngang xuống bãi giữa sông Hồng- nơi mà trong kế hoạch của thành phố sẽ hình thành một công viên đa chức năng hình thành từ khu vực bãi bồi, bãi giữa ven sông Hồng. Cầu Long Biên sẽ kết nối với công viên này thông qua tuyến đường dốc dẫn từ cầu xuống bãi giữa như một điểm đến trong chuỗi du lịch văn hóa. Ở chiều dọc, cầu Long Biên cần kết hợp với dự án khai thác các vòm cầu dẫn bằng đá được thiết kế sử dụng như các gallery nghệ thuật, dịch vụ văn hóa và thương mại. Từ các vòm cầu sẽ tiếp tục mở ra các tuyến chợ đêm và những tuyến đi bộ len lỏi và chạy sâu vào khu phố cổ.

Về thiết kế đô thị, cần tạo dựng hình ảnh du lịch cầu Long Biên. Tại đây vẫn duy trì tuyến giao thông đường sắt với hình ảnh của các đầu máy và toa tàu từ thời Pháp thuộc được bảo tồn. Chúng chủ yếu phục vụ du lịch, không có chức năng phục vụ giao thông như trước. Những toa tàu này có thể đậu yên tĩnh trên cầu Long Biên và sử dụng thành các quán cà phê, cho phép du khách ngắm sông Hồng qua các ô cửa của các toa tàu. Đây là một dự án cần nghiên cứu một cách cẩn trọng, nhưng hết sức cần thiết cho phát triển du lịch. Đặc biệt cần bảo tồn và cải tạo ga Long Biên để trở thành như một bảo tàng cầu Long Biên và đường sắt Hà Nội. Tại đây sẽ lưu giữ và trưng bày lịch sử cầu Long Biên qua các giai đoạn hình thành và phát triển.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng: Du lịch văn hóa tầm cao là hoạt động du lịch khiến cho khách và cộng đồng có thể cảm nhận và trải nghiệm những giá trị đặc sắc của không gian nơi chốn. Nhưng đối với các đề xuất bổ sung yếu tố đương đại để tạo lập không gian du lịch, vui chơi, giải trí cần phải tuyên truyền vận động để được ủng hộ của người dân Thủ đô, cả nước và bạn bè quốc tế. Hơn nữa bảo tồn, phát huy giá trị cầu Long Biên phải có định hướng cụ thể đánh giá môi trường về tổ chức giao thông, giải pháp phòng chống thiên tai, lũ lụt./.

Thương Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ