(Tổ Quốc) - Sáng ngày 12/3, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Hội Lữ hành Hà Nội – Câu lạc bộ Du lịch Bền vững Vgreen.
Khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp du lịch tiếp tục tăng cường thúc đẩy du lịch nội địa, phát triển du lịch bền vững làm hướng đi trong tình hình mới. Để triển khai những ý tưởng và đa dạng sản phẩm du lịch, sản phẩm du lịch khác biệt dựa vào giá trị lịch sử, văn hóa, trong thời gian tới, Hội Lữ hành Hà Nội - CLB Du lịch Bền vững Vgreen và Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ hợp tác xây dựng các nội dung như: Phát triển sản phẩm du lịch khác biệt trên cơ sở thế mạnh của mỗi bên; Đào tạo nguồn nhân lực tham gia vào quá trình phát triển sản phẩm; Xúc tiến các sản phẩm du lịch ở thị trường trong nước và quốc tế; Phối hợp và cung cấp các dịch vụ du lịch, kết nối với các địa phương khác, đồng thời lan tỏa các giá trị lịch sử, văn hóa tới du khách.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng: "Đây là lần kích cầu thứ 4 của du lịch Việt Nam trong tình hình mới, chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp du lịch bởi sự cố gắng của họ trong việc tìm ra các phương thức mới, hướng đi mới cho các sản phẩm du lịch nội địa. Chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp du lịch, hãy triển khai nhiều hơn các sản phẩm, khai thác các sản phẩm của thủ đô để kéo khách cả nước về với thủ đô khám phá những giá trị văn hóa, danh lam thắng cảnh của Hà Nội. Chỉ có như vậy chúng ta mới phát triển du lịch một cách bền vững".
Phát triển sản phẩm du lịch bền vững dựa trên nền tảng giá trị lịch sử, văn hóa sẽ tạo ra cho doanh nghiệp một lợi thế nhằm thúc đẩy nhu cầu du lịch khi mà kinh tế và đời sống tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Như vậy, vai trò của các đối tác của doanh nghiệp du lịch hết sức quan trọng trong việc phát triển và làm cho sản phẩm khác biệt.
Chia sẻ góc nhìn từ phía các doanh nghiệp du lịch, ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội cho biết: "Sản phẩm du lịch bền vững cấu thành từ các điểm du lịch và dịch vụ có liên quan, như các di tích lịch sử cần phát huy và bảo tồn, hai cái đó phải đi song song. Các dịch vụ do các đơn vị du lịch cung cấp cũng phải theo hướng bền vững như hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ di tích…tất cả đều phải có sự đồng hành của hai bên. Chúng ta sử dụng giá trị lịch sử để truyền tải cho khách, tổ chức các sản phẩm dịch vụ khác nhau để tạo sự thú vị cho du khách, từ đó doanh nghiệp du lịch có thể dễ dàng chuyển tải những giá trị lịch sử, văn hóa tới du khách một cách nhẹ nhàng, cuốn hút và lan tỏa".
Bà Nguyễn Thị Thu Hoan, Phó Giám đốc Bảo tàng Quốc gia cho biết: Bảo tàng Lịch sử quốc gia là nơi lưu giữ một khối lượng di sản rất lớn và vô cùng phong phú, trong đó có nhiều Bảo vật quốc gia và các sưu tập hiện vật độc đáo, quý hiếm. Việc phối hợp tăng cường phát triển du lịch đến với các điểm bảo tàng và di tích là dự án được ấp ủ nhiều năm. Trước đây Bảo tàng chỉ tập trung vào đào tạo hướng dẫn viên du lịch, nhưng trong thời gian tới sẽ kết hợp với các doanh nghiệp du lịch xây dựng các sản phẩm du lịch bền vững. Mọi người thường nghĩ di tích, bảo tàng là những sản phẩm du lịch mang nhiều kiến thức khô khan, không hấp dẫn. Nhưng nếu xây dựng sản phẩm theo hướng trải nghiệm thực tế, ngoài việc cung cấp kiến thức cho du khách thì còn gợi mở, khám phá các điểm đến khác gắn với các di tích trong hành trình du lịch mà khách đi qua, đây chính là sự khám phá sâu sắc hơn từ cội nguồn.
Để triển khai những nội dung hợp tác trên, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Hội Lữ hành Hà Nội – Câu lạc bộ Du lịch Bền vững Vgreen đã khởi động chương trình du lịch đầu tiên trong chuỗi các chương trình tour kết nối Bảo tàng Lịch sử quốc gia với chủ đề "VGREEN CARAVAN Tây Bắc - Mùa Ban nở". Chương trình có sự tham gia của những người làm du lịch từ các doanh nghiệp, đơn vị du lịch tham gia khảo sát và trải nghiệm để đánh giá với quy mô 25 xe, 150 người./.